• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thư viện cơ sở và những đóng góp trong xây dựng nông thôn mới

06/05/2018 09:00

(Cinet)- Những năm qua, hệ thống thư viện cơ sở đã và đang có những đóng góp quan trọng trong việc xây dựng nông thôn mới; góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân tại các địa phương.

(Cinet)- Là một trong những lĩnh vực quan trọng của ngành văn hóa, Thư viện, đặc biệt là hệ thống thư viện cơ sở đã và đang tạo dựng được những bước đi vững chãi trên hành trình mang tri thức đến cho người dân; đồng thời góp phần quan trọng trong việc xây dựng nông thôn mới tại các địa phương trên cả nước.



Vai trò quan trọng của thư viện cơ sở trong xây dựng nông thôn mới



Việt Nam là quốc gia có phần đông dân số sống ở khu vực nông thôn. Chính vì thế, từ xưa đến nay, việc chăm lo đến đời sống người dân ở nông thôn luôn là một vấn đề được Đảng và Nhà nước ta quan tâm. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 đã xác định Mục tiêu tổng quát là: “Xây dựng nông thôn mới để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị; xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; quốc phòng và an ninh, trật tự được giữ vững”.



Những năm qua, Chương trình này đã từng bước đi vào cuộc sống và nhận được sự hưởng ứng, chung tay của toàn xã hội. Trong đó ngành văn hóa nói chung và thư viện nói riêng đã có những hoạt động thiết thực, bước đầu đem lại hiệu quả rõ rệt, tạo nguồn động lực quan trọng xây dựng thành công mục tiêu xây dựng nông thôn mới.



Là cấp cuối cùng trong hệ thống thư viện công cộng, thư viện, tủ sách cơ sở chính là nơi gắn bó mật thiết với mỗi người dân. Ở những vùng nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn, việc xây dựng được một thư viện hay tủ sách của xã, thôn là vô cùng ý nghĩa. Nó không chỉ đáp ứng được nhu cầu khai thác thông tin của người dân mà còn giúp thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.

Nhu cầu đọc sách của người dân là rất lớn. (Nguồn: lienhiepthuvienmiendong.vn)

Theo bà Vũ Dương Thúy Ngà - Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ VHTTDL: “Việc cung cấp thông tin và tri thức ở cơ sở là việc hết sức quan trọng bởi vì không phải người dân nào cũng có điều kiện để đến thư viện huyện, thư viện tỉnh để đọc sách. Bởi thế, làm thế nào để tại cơ sở, người dân cũng có thể đọc được các cuốn sách mà mình mong muốn, tìm được những tài liệu mà mình cần, đấy là một vấn đề đặt ra. Và xây dựng nông thôn mới cũng không đơn thuần chỉ là xây dựng về cơ sở vật chất mà cái quan trọng chính là đời sống tinh thần của người dân ở nông thôn được nâng lên. Người dân có ý thức, có sự hiểu biết về pháp luật, có tình yêu quê hương, đất nước để sẵn sàng đóng góp khả năng, trí tuệ của mình vào việc xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp hơn. Đó chính là yếu tố hết sức quan trọng để tạo nên sự thành công của chương trình xây dựng nông thôn mới”.

Qua khảo sát cho thấy, nơi nào thư viện cơ sở hoạt động có hiệu quả thì ở nơi đó người dân gắn kết với nhau, tình làng nghĩa xóm được gắn bó, không có tệ nạn xã hội. Vì vậy, có thể nói, thư viện cơ sở đóng một vai trò rất quan trọng trong việc kết nối nhân dân với tri thức ngay tại nơi mình sinh sống. Đặc biệt khi hiện nay, việc xây dựng nông thôn mới đang được đẩy mạnh thì hơn bao giờ hết vai trò này càng nhân lên gấp bội.



Nỗ lực vượt lên những khó khăn



Hiện nay, hệ thống thư viện cấp xã đang gặp rất nhiều khó khăn cả về kinh phí lẫn nguồn nhân lực. Cả nước chỉ có khoảng 500 thư viện xã thụ hưởng Dự án BMGF-VN được bố trí trong nhà văn hóa xã hoặc 01 phòng trong UBND xã, số còn lại đặt trong nhà văn hóa tại nơi sinh hoạt chung của cộng đồng.



Cùng với các thư viện cấp xã, tại một số địa phương đã hình thành các thư viện tư nhân. Tuy nhiên, các thư viện này chưa quan tâm đến việc đăng ký hoạt động, nên việc nắm bắt và quản lý các thư viện này mới chỉ thực hiện ở một mức độ nhất định.

 Các em thiếu nhi đọc sách tại thư viện xã (Nguồn: baophuyen.com.vn)

Riêng tại các tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng, diện tích của các thư viện xã trung bình chỉ khoảng 45 m2. Trung bình mỗi thư viện có hơn 1.400 bản sách; 04 loại báo/tạp chí được lấy từ các nguồn như: đề án sách xã phường, thị trấn, tủ sách pháp luật, chương trình xây dựng nông thôn mới, UBND xã hỗ trợ kinh phí, nhân dân đóng góp,…Trong khi đó, nhu cầu đọc của người dân địa phương tại các vùng này lại rất lớn. Người dân luôn có nhu cầu tìm hiểu các thông tin về: khoa học kỹ thuật, chăm sóc sức khỏe, truyện tranh, chính trị xã hội, kỹ năng sống và phổ biến pháp luật,…Chính bởi vậy, làm sao để có đủ nguồn vốn hoạt động, để đa dạng các đầu sách là câu hỏi lớn được đặt ra.

Khó khăn là thế, song với những nỗ lực và sự nhiệt huyết của đội ngũ cán bộ phụ trách thư viện/tủ sách xã, hệ thống thư viện này vẫn đang từng ngày vươn lên và trở thành những điểm sáng trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa.



Tiêu biểu như tủ sách thôn Yến Vĩ, huyện Mỹ Đức, Hà Tây; Thư viện thôn Phú Mẫn, Yên Phong, Bắc Ninh; Thư viện làng Bình Vọng, Thường Tín, Hà Nội,…Không chỉ nỗ lực duy trì hoạt động, các thư viện này còn rất sáng tạo trong cách thức làm việc. Các sách báo được phân loại cụ thể giúp người dân dễ dàng lựa chọn và tìm đọc; các nguồn sách báo cũng được đa dạng hơn nhờ vào công tác tuyên truyền, vận động và xã hội hóa. Ngoài ra, việc đặt ra nội quy mượn/đọc sách ở mỗi thư viện cũng rất rõ ràng, thời gian phục vụ tương đối linh hoạt,…đã giúp gia tăng rất lớn số lượng bạn đọc, trong đó bao gồm nhiều độ tuổi khác nhau, từ các em học sinh đến các bậc phụ huynh, người cao tuổi.



Một thư viện khác cũng đạt được hiệu quả rất cao trong công tác phục vụ bạn đọc đó là thư viện tư nhân tại xã Dương Liễu, Hoài Đức, Hà Tây. Thư viện này có trụ sở tại một nhà dân với diện tích khoảng 100 m2. Mặc dù chỉ mở cửa vào thứ 3, thứ 5, thứ 7 và chủ nhật, song thư viện đã thu hút khoảng 1.000 lượt bạn đọc/tháng. Đặc biệt 1.400 em thiếu nhi đã được làm thẻ đọc. Cùng với đó, phía thư viện luôn cố gắng lồng ghép nhiều chương trình, sự kiện vào quá trình phục vụ bạn đọc như: cuộc thi sáng tạo khoa học; thi cờ vua, làm bánh trung thu,…nhằm giúp các em thỏa sức sáng tạo và có thêm nguồn cảm hứng cho việc tìm hiểu văn hóa cũng như đọc sách. Và đặc biệt hơn nữa, việc đọc sách và tham gia các hoạt động tại đây đều hoàn toàn miễn phí.



Cách thức triển khai khác nhau, hoạt động trên các địa điểm khác nhau, song tựu chung lại, các thư viện/tủ sách trên đã và đang có những bước đi vững chắc. Các cuốn sách/báo trong các tủ sách, thư viện đã trở thành cầu nối để người dân đến với tri thức, giúp người dân tiếp cận một cách đúng đắn những đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; giúp người nông dân có những cách làm mới khoa học hơn, tân tiến hơn trong gieo cấy, nuôi trồng; các tệ nạn cũng được giảm dần, không còn tình trạng tảo hôn; nhờ đó mà kết quả các cuộc vận động xây dựng các tiêu chí về văn hóa, nông thôn mới cũng được tăng cao rõ rệt, bộ mặt nông thôn từng bước được nâng lên.

Các thư viện xã nhận sách do các đơn vị, cá nhân tài trợ.

Mặc dù các thư viện trên chỉ là số ít trong hệ thống thư viện cơ sở song các thư viện cũng đã tạo nên những điểm sáng trong văn hóa và xây dựng nông thôn mới ở các địa phương. Từ các mô hình hoạt động của các đơn vị này, các địa phương khác sẽ có thêm động lực để nỗ lực phấn đấu, để ở bất kì đâu người dân cũng có thể tìm được những cuốn sách hay và bổ ích, để sách trở thành người bạn đồng hành trong cuộc sống của mỗi người dân.




Hằng Đinh

NỔI BẬT TRANG CHỦ