(Tổ Quốc) - Hệ thống thư viện công cộng cấp huyện, cấp xã và các thư viện, phòng đọc cộng đồng, thư viện tư nhân trên địa bàn thành phố Hà Nội là những mắt xích quan trọng thực hiện nhiệm vụ cung cấp thông tin, tri thức đến người dân, góp phần phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Những năm gần đây, hệ thống này có nhiều đổi mới với các mô hình hay, hiệu quả cần được nhân rộng, tạo nên mạng lưới thư viện công cộng rộng khắp, hữu ích cho thành phố.
Thư viện thôn Bình Vọng (xã Văn Bình, huyện Thường Tín) do Chi hội Người cao tuổi thôn Bình Vọng quản lý đã trở thành địa chỉ quen thuộc với đông đảo người dân hơn 20 năm qua. Đặc biệt, thư viện hình thành "mạng lưới viên" gồm những người cao tuổi quản lý, sắp xếp và vận động đóng góp sách. Từ đây, người dân thôn Bình Vọng đang sinh sống, học tập và làm việc ở các địa phương khác đã tài trợ, tạo nên lượng sách phong phú với hơn 15.000 bản sách, hàng nghìn tạp chí…
Phường Vạn Phúc (quận Hà Đông) chọn tổ chức phòng đọc sách cộng đồng tại Khu di tích lịch sử Miếu Vạn Phúc - một cơ sở cách mạng thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Phòng đọc được cải tạo từ nguồn xã hội hóa, có khoảng 1.000 cuốn sách và 20 thể loại tạp chí. 12 năm qua, bằng tri thức vốn có trong nhiều lĩnh vực và hiểu biết ngoại ngữ, Tiến sĩ Đỗ Quang Vĩnh không chỉ quản lý, duy trì phòng đọc sách mà còn đóng vai trò là người giải đáp thắc mắc, hướng dẫn độc giả, nhất là những người trẻ, nên nơi đây thu hút nhiều người dân và cả du khách đến tìm hiểu, đọc sách.
Thư viện quận Tây Hồ được xem là một điểm đến vô cùng yêu thích với người dân, bởi phòng đọc rộng 200m2, thông thoáng, tiện nghi. Nơi đây đặc biệt thu hút các em nhỏ khi có riêng góc đọc thiếu nhi trang trí đẹp mắt. Thư viện còn liên kết với các trường học trên địa bàn phục vụ học sinh đọc theo chuyên đề, đồng thời lập 4 câu lạc bộ bạn đọc, thường xuyên mời diễn giả nổi tiếng tham gia trao đổi về sách và văn hóa đọc.
Còn quận Hoàn Kiếm có Thư viện quận Hoàn Kiếm (42 Nhà Chung) và Phố sách Hà Nội (phố 19 tháng 12), thuận lợi phát triển văn hóa đọc cho người dân trên địa bàn quận cũng như người dân Thủ đô. Trong đó, tủ sách cộng đồng "Con tàu tri thức" được tổ chức tại Phố sách Hà Nội huy động được 12.000 bản sách, phục vụ theo hình thức kho đọc mở để bạn đọc tự do chọn sách...
Thư viện Dương Liễu (xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức) ban đầu được lập ra với mục đích để trẻ nhỏ trong khu xóm có địa điểm đến đọc sách, đọc truyện. Nhưng anh Phùng Bá Hưng, người sáng lập Thư viện Dương Liễu nhận thấy, nếu thư viện có các hoạt động hấp dẫn thì sẽ thu hút được nhiều bạn đọc hơn nên cứ khi nào "vắng khách", anh lại bắt đầu nghĩ ra các chương trình mới nhằm lan tỏa văn hóa đọc đến với nhiều người hơn.
Anh Phùng Bá Hưng cho biết: "Chúng tôi nghĩ rằng, thư viện không chỉ có sách, đến thư viện không chỉ đọc sách mà đây cần là không gian mở để tổ chức các sự kiện giao lưu, gặp gỡ, chia sẻ. Chúng tôi muốn biến thư viện thành một trung tâm văn hóa tri thức đúng nghĩa cho cộng đồng".
Theo anh Hưng, muốn những đứa trẻ quan tâm đến sách, yêu sách trước hết phải để các em được chơi đã. "Khi các em đến đây, chúng tôi bày ra đủ các loại trò chơi, từ rubic, trò chơi xếp gỗ, cờ tướng, cờ vua… Rồi dần dần tôi mới hướng tụi nhỏ đến việc đọc sách"- anh Hưng cho biết.
Cùng với những hoạt động giao lưu chia sẻ, tặng sách, Thư viện cũng kết nối với các bạn sinh viên để các bạn trẻ được học những kỹ năng sống cơ bản, học tiếng Anh giao tiếp do tình nguyện viên nước ngoài trực tiếp đứng lớp. Học sinh, sinh viên tỏ ra rất thích thú mô hình này vì nhờ đó khả năng giao tiếp của các em cải thiện rõ rệt đồng thời đó là những giờ giao lưu hấp dẫn, khác hẳn với việc học trên lớp.
Bên cạnh đó, thư viện Dương Liễu còn sáng tạo, tổ chức hàng loạt các trò chơi, cuộc thi thú vị, bổ ích, giúp trẻ tìm về với các nét văn hóa làng quê hoặc bảo vệ môi trường. Vài năm trở lại đây, số lượng phụ huynh bắt đầu đưa con đến thư viện ngày càng nhiều. Phụ huynh cũng quan tâm đến việc đọc sách của con em mình hơn. Qua đó, đã giúp cho thư viện được nhiều người biết đến và ủng hộ./.