(Tổ Quốc) - Sáng 14/10, Thư viện tư nhân với hàng nghìn tư liệu và hiện vật chiến tranh do Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng cùng bạn bè dày công sưu tầm, thu thập qua nhiều năm đã mở cửa đón công chúng, bạn đọc tại tầng 2, tòa nhà Almal Market, quận Long Biên, Hà Nội.
Xuất phát từ đam mê nghiên cứu và tâm huyết đóng góp cho sự phát triển của đất nước, trong nhiều năm qua, Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng cùng với bạn bè của ông đã dày công sưu tầm, thu thập các sách báo, thông tin tài liệu, đặc biệt là những tài liệu về cuộc chiến tranh Việt Nam; đã có hàng chục nghìn cuốn sách và nhiều hiện vật, di vật của các liệt sĩ bộ đội ta trong chiến tranh chống Mỹ được các cựu chiến binh Mỹ lưu giữ được đưa về Việt Nam.
Thư viện Nguyễn Văn Hưởng mở cửa đón bạn đọc từ ngày 14/10/2019
Đây là nguồn tư liệu vô cùng phong phú và quí giá có thể cung cấp cho chúng ta một góc nhìn khác cho các nhà nghiên cứu và những ai quan tâm về lịch sử cuộc kháng chiến của nhân dân ta, đồng thời hiểu rõ hơn những quyết định và tính toán sai lầm của đối phương trong cuộc chiến Việt Nam.
Toàn bộ số sách báo, tài liệu, phim ảnh, hiện vật trên đã được đưa về trưng bày, lưu trữ tại tầng 2, tòa nhà Almal Market, Khu đô thị Vinhomes Riveside, quận Long Biên, Hà Nội.
Ngày 12/7/2019, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của Thư viện tư nhân mang tên ông Nguyễn Văn Hưởng. Thời gian qua, Thư viện đã khẩn trương triển khai công tác chuẩn bị để ngày hôm nay, Thư viện Nguyễn Văn Hưởng chính thức ra mắt và đưa vào hoạt động phục vụ bạn đọc.
Bà Vũ Dương Thúy Ngà, Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL) trao giấy chứng nhận hoạt động cho Giám đốc Thư viện Nguyễn Văn Hưởng
Thư viện Nguyễn Văn Hưởng hiện lưu giữ và trưng bày hơn 10.000 bản sách, chuyên san, ấn phẩm các loại, chủ yếu bằng tiếng Anh của các tác giả là chính trị gia, các nhà sử học và có cả các quan chức chính phủ, các tướng lĩnh quân đội Mỹ nghiên cứu, viết về chiến tranh Việt Nam; nhiều tờ báo, tạp chí của các viện nghiên cứu và các loại ấn phẩm khác. Toàn bộ sách và tài liệu đều đã được dán mã số ký hiệu xác định vị trí của từng cuốn sách, tài liệu ở từng khu vực trong thư viện, giúp cho việc tìm kiếm được nhanh chóng chính xác các cuốn sách và tài liệu cần nghiên cứu.
Cùng đó là nhiều tài liệu được giải mật của các cơ quan chính phủ Hoa Kì và các trung tâm, các viện nghiên cứu về Việt Nam và Đông Nam Á đã được số hóa, đưa vào hệ thống lưu trữ của Thư viện. Các bản đồ về địa lý Việt Nam và Đông Nam Á từ xưa đến nay ở dạng số hóa; 2 bộ sưu tập bản đồ toàn thể lãnh thổ, và các thành phố lớn của Việt Nam do Cơ quan Địa chính Hoa Kỳ và Quân đội Hoa Kỳ vẽ và ấn hành trong Chiến tranh Việt Nam; hơn 100 bức tranh cổ động về phong trào thế giới ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam; bộ sưu tập tem Việt Nam và tem do thế giới phát hành nhân các sự kiện lịch sử trọng đại của Việt Nam.
Chủ thư viện cũng đã thu thập nhiều phim ảnh tư liệu về Chiến tranh Việt Nam, các ca khúc phản đối chiến tranh khắp thế giới được ghi lại trên đĩa CD. Thư viện cũng đã sưu tầm, tiếp nhận và trưng bày các hiện vật là những tư trang, quân dụng và các đồ dùng, kỉ vật cá nhân của bộ đội ta do cựu chiến binh Mỹ lấy được từ chiến trường Việt Nam mang về Mỹ. Điều đó sẽ góp phần giúp cho chúng ta có cái nhìn về truyền thống của thế hệ trẻ về sự hy sinh lớn lao trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước bảo vệ Tổ quốc.
Những lượt khách đầu tiên đến với Thư viện Nguyễn Văn Hưởng
Hiện Thư viện đã xây dựng quy chế hoạt động, sẵn sàng phục vụ bạn đọc tới thư viện tra cứu, tìm đọc những sách báo tài liệu cần nghiên cứu theo chủ đề quan tâm của mình. Thư viện cũng đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện giúp bạn đọc có thể đăng ký làm thẻ bạn đọc tại thư viện và sẵn sàng phục vụ các yêu cầu của bạn đọc trong điều kiện cho phép.
Bộ phận tư liệu đang xây dựng trang Web riêng của thư viện Nguyễn Văn Hưởng để công bố các tài liệu sách báo có trong thư viện, các kết quả nghiên cứu khai thác các tài liệu sách báo của thư viện để giới thiệu với bạn đọc.
Để không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ bạn đọc, sau khi mở cửa khai trương, Thư viện cũng sẽ tiếp tục tìm kiếm, bổ sung các nguồn tư liệu, sách báo, các ấn phẩm ở trong và ngoài nước nhằm tăng số đầu sách trong Thư viện; biên dịch, xuất bản các cuốn sách có giá trị phục vụ cho bạn đọc; mở rộng quan hệ với các trung tâm tư liệu, thư viện, bảo tàng, các viện nghiên cứu trong và ngoài nước để trao đổi, hợp tác cùng phát triển dựa trên nhu cầu của xã hội.
Thư viện cũng sẽ hợp tác với các đơn vị chức năng xây dựng các bộ phim về chiến tranh; sẽ công bố những hiện vật của các chiến sĩ ta sưu tầm được từ Mỹ với mong muốn góp phần nhỏ bé giúp các gia đình tìm lại người thân của mình.
Để có được thành công và đạt được những mục tiêu đề ra, Thư viện Nguyễn Văn Hưởng mong muốn nhận được giúp đỡ của các cơ quan chức năng nhà nước, sự ủng hộ, hợp tác của tất cả các bạn và sự hưởng ứng của bạn đọc. Điều đó sẽ giúp cho Thư viện có thêm sức mạnh, có niềm tin để thực hiện triết lý của mình, mang được niềm vui, hạnh phúc đến cho mọi người.
Bạn đọc tìm đọc tư liệu tại Thư viện
Song song với các hoạt động của Thư viện, các tư liệu, hiện vật cũng lần lượt được chọn lọc và công bố trên ấn phẩm Tạp chí Phương Đông- cơ quan ngôn luận của Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông.
Tạp chí Phương Đông đồng thời là diễn đàn khoa học trên các lĩnh vực liên quan đến mọi mặt của đời sống, đặc biệt về chính trị, văn hóa, lịch sử, hoạt động kinh tế trong và ngoài nước, phản biện trước những vấn đề nóng bỏng của thời cuộc. Đồng thời, đây cũng là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, là cái nhìn xuyên suốt và đa chiều đối với các giá trị văn hóa Phương Đông nói chung và truyền thống, bản sắc văn hóa Việt Nam nói riêng. Tạp chí Phương Đông cũng là địa chỉ công bố các đề tài khoa học công nghệ phục vụ cho phát triển đất nước.
Đến nay Tạp chí Phương Đông đã xuất bản được 10 số với số lượng phát hành hiện trên dưới 4.000 bản/kỳ. Tạp chí đã có được chỗ đứng bước đầu trong bạn đọc cả nước, được các đồng chí lãnh đạo các cấp đánh giá tích cực và được nhiều người đón đọc, hoan nghênh.
Cùng với việc phát hành Tạp chí Phương Đông hàng tháng, Chi nhánh Hà Nội - Viện NCPT Phương Đông đã tổ chức dịch thuật, biên soạn, hợp tác với các nhà xuất bản tại Hà Nội xuất bản được nhiều cuốn sách quý được bạn đọc cả nước chào đón như: "Đối thoại với các đoàn ngoại giao Hoa Kì"; "Một góc nhìn thời cuộc" của Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng; "Cuộc chiến của tôi với CIA" của Hoàng thân Sihanouk; "Những biên bản cuối cùng tại Nhà Trắng: Phút sụp đổ của Việt Nam Cộng hoà"; cuốn "Giải Phóng"của nhà báo nổi tiếng người Ý TIZIANO TEANI; 2 cuốn tiểu thuyết có giá trị văn học rất hấp dẫn là "Con rồng bất tử" và "Nước mắt mùa thu"vừa mới được ra mắt bạn đọc; 3 cuốn sách giá trị là: "Pon Pốt - Mổ xẻ một cơn ác mộng", "Chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc", "Trung Hoa - một tầm nhìn trực diện"sẽ ra mắt bạn đọc cuối năm 2019.