• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thư viện trong Cách mạng công nghiệp 4.0

31/05/2018 07:00

(Cinet)- Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đang và sẽ gõ cửa mọi quốc gia, mọi ngành nghề và căn nhà của mỗi người. Dù muốn hay không chúng ta cũng sẽ chịu tác động của nó. 

(Cinet)- Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đang và sẽ gõ cửa mọi quốc gia, mọi ngành nghề và căn nhà của mỗi người. Dù muốn hay không chúng ta cũng sẽ chịu tác động của nó. 



Theo các nhà khoa học dự báo, CMCN 4.0 sẽ diễn ra trên 3 lĩnh vực chính gồm: Công nghệ sinh học, Kỹ thuật số và Vật lý. Theo đó, một trong những yếu tố cốt lõi của CMCN 4.0 sẽ là: Trí tuệ nhân tạo (artificial intellect, viết tắt là: AI), Vạn vật kết nối ( Internet of Things, viết tắt là: IoT) và dữ liệu lớn (Big Data). Trước yêu cầu của công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước và sự tác động của CMCN 4.0 đòi hỏi ngành thư viện phải xác định được những biện pháp thích hợp để tồn tại và phát triển.

 Vụ trưởng Vụ Thư viện Vũ Dương Thúy Ngà (Ảnh: Minh Khánh)

Cơ hội đối với ngành thư viện

CMCN 4.0 đã, đang và sẽ tạo cho ngành thư viện một số cơ hội mới.



- Vị thế và vai trò của thư viện sẽ có sự gia tăng với sự ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ thông tin và truyền thông.



Trong những năm qua, với sự phát triển của công nghệ, các thư viện đã có thêm chức năng mở rộng vượt ra ngoài việc thu thập, lưu trữ và phổ biến thông tin đơn thuần và trở thành nơi cung cấp các nguồn tin, nơi dữ liệu, kiến thức được tạo ra và chia sẻ. Thư viện đã và đang mang đến cho người đọc những cơ hội tiếp cận thông tin và tri thức mở. Tài nguyên thông tin mà thư viện xây dựng, phát triển, tạo ra cho bạn đọc tiếp cận vượt ra ngoài phạm vi của các bức tường thư viện. Cùng với việc xây dựng bộ sưu tập các tài liệu in, tài liệu đa phương tiện nhiều thư viện đã chủ động thu thập dữ liệu/tài liệu số; xây dựng các chính sách để truy cập, chia sẻ và sử dụng lại dữ liệu; tiến hành xử lý, lưu trữ và bảo tồn, quản lý dữ liệu; truyền thông, tổ chức cho mọi người/đối tượng bạn đọc sử dụng. 



Trong thời kỳ trước khi có web, các nhà xuất bản từng là cơ bản cho hệ sinh thái hàn lâm. Người đọc và cộng đồng hàn lâm phụ thuộc vào các nhà xuất bản để xem tác phẩm của họ được xuất bản, phát hành và phổ biến. Với các công cụ Web 2.0, các nhà khoa học bạn đọc và các nhân viên thư viện đã được trang bị về các cách thức truy cập dữ liệu và xuất bản phẩm. Vai trò của các nhà xuất bản dường như giảm bớt. Nhiều cơ quan, tổ chức và cá nhân tham gia vào việc cung cấp thông tin và dữ liệu. Các thư viện đã có nhiều đổi mới trong việc cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng cho cộng đồng và người sử dụng. Ngay trong nghiên cứu, học thuật, vai trò của thư viện đã và sẽ có sự thay đổi căn bản. Tài liệu Giới thiệu Truy cập Mở (Introduction to Open Acess) do UNESCO xuất bản năm 2015 đã chỉ rõ vai trò của các thư viện trong vòng đời nghiên cứu: 



• Hỗ trợ cộng đồng hàn lâm bằng việc tạo ra các kho cơ sở như các thùng chứa (containers) cho thế giới các tư liệu số được sản xuất qua nghiên cứu và sự uyên thâm, không chỉ bao gồm các tài liệu được xuất bản; 



• Giúp tìm kiếm dữ liệu nghiên cứu thích hợp và lọc các bài báo được xuất bản và đóng gói lại những thứ y hệt đó vì kinh nghiệm tốt hơn của người sử dụng; 



• Cung cấp nền tảng tự lưu trữ và tự xuất bản bởi cộng đồng hàn lâm; 



• Nắm lấy vai trò của nhà xuất bản qua xuất bản các tạp chí điện tử và quảng bá và phổ biến những thứ y hệt đó; 



• Thiết kế và duy trì các kho cơ sở để lưu trữ kết quả đầu ra nghiên cứu của cơ sở.  [1]



- Thư viện có thêm cơ hội để phát triển bộ sưu tập số 



Môi trường số được kết nối mạng đã xúc tác để tạo ra nhiều cơ hội cho các thư viện có thể khai thác các tài nguyên thông tin hữu ích cho bạn đọc của mình. Tài liệu mở và truy cập mở đã được phát triển tại nhiều nước trên thế giới. Với việc sử dụng các nguồn tài liệu mở, tài liệu số của các tổ chức, cá nhân để làm giàu thêm bộ sưu tập của mình, tạo các liên kết để dẫn dắt bạn đọc đến các trang thông tin điện tử để họ có thể tìm thêm các thông tin cần thiết. Nhiều báo, tạp chí ở định dạng in đã và sẽ xuất bản ấn bản điện tử của chúng. Tại một số nước, các báo, tạp chí truy cập mở là dạng tạp chí điện tử sẵn sàng trong môi trường trực tuyến qua Internet, không có bất kỳ rào cản truy cập nào, như phí đăng ký thuê bao hàng năm. Điều đó giúp cho các thư viện có thể lựa chọn, tập hợp và tạo chỉ dẫn giúp bạn đọc có thêm cơ hội tiếp cận thông tin và tri thức.



- Thư viện có thể thực hiện việc truyền thông, cung cấp dịch vụ và sự truy cập tài liệu cho bạn đọc mọi nơi mọi lúc không bị giới hạn về không gian và thời gian. Với việc xử lý, biên mục, tạo ra các siêu dữ liệu (meta data) các thư viện có thể chia sẻ và tạo điều kiện cho bạn đọc và các thư viện khác có thể sử dụng lại các dữ liệu. Bản chất tự nhiên không biên giới và xuyên biên giới của Internet đã giúp các thư viện có thể đẩy đi xa hơn truy cập toàn cầu tới các tài nguyên tri thức và các cơ sở dữ liệu khắp trên thế giới với khung thời gian 24/7. Mặt khác, với khả năng “mang thế giới ảo (mạng) và thế giới thực (máy móc) xích lại gần nhau” [2], CMCN 4.0 giúp cho thư viện cung cấp dịch vụ trực tuyến với nhiều tiện ích: từ đăng ký thẻ, thực hiện tra cứu, nhận tư vấn, đọc và sử dụng thông tin, tài liệu…



- Thư viện có thể phát triển số lượng bạn đọc trực tuyến, và tham gia vào việc cung cấp các khóa e-learning không bị giới hạn về địa điểm sinh sống/học tập.



- Thư viện có thể hỗ trợ cho bạn đọc, bao gồm cả người khuyết tật học tập suốt đời từ xa…



Đặc biệt, các thư viện ở Việt Nam có cơ hội tiếp cận và sử dụng các công nghệ hiện đại để thay đổi phương thức hoạt động của mình phục vụ cho người sử dụng hiệu quả.



Thách thức và khó khăn



Bên cạnh những cơ hội kể trên, CMCN 4.0 cũng đặt ra cho ngành thư viện nhiều thách thức phải đối mặt. 



- Nếu không đổi mới phương thức hoạt động, các thư viện sẽ phải đối mặt với nguy cơ tụt hậu và gia tăng khoảng cách so với cộng đồng thư viện thế giới. 



Trước khi có CMCN 4.0, nguy cơ này đã đặt ra với ngành thư viện, đặc biệt là thư viện ở Việt Nam trước tốc độ đổi mới của khoa học công nghệ. Khi CMCN 4.0 xuất hiện, tốc độ thay đổi của công nghệ sẽ còn cao hơn. Với thực tế đó, các thư viện không thay đổi cách thức cung cấp dịch vụ và phương thức hoạt động thì chắc chắn sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu vắng bạn đọc và không thể hoàn thành sứ mệnh của mình là cung cấp thông tin và tri thức một cách có hiệu quả.



- Nếu không xây dựng được nguồn lực thông tin phong phú, đặc biệt là xây dựng bộ sưu tập số với một hệ thống các cơ sở dữ liệu cùng với các siêu dữ liệu (metadata) có khả năng đáp ứng nhu cầu của người sử dụng, thư viện sẽ mất vị thế của mình với vai trò là nơi cung cấp thông tin và tri thức. Không ít người đã cảnh báo: Trong CMCN 4.0, dữ liệu là thứ quan trọng số 1, không có dữ liệu, những thứ mà người ta vẽ ra về CMCN 4.0 chỉ là trên lý thuyết và mãi sẽ không bao giờ thành hiện thực.



- CMCN 4.0 sẽ đặt ra thêm các thách thức về an toàn thông tin, về bảo mật đã và sẽ đặt ra, nhất là khi dữ liệu sẽ có ở khắp mọi nơi. Cần thực hiện như thế nào để dữ liệu được trao đổi một cách an toàn giữa các hệ thống là một vấn đề đặt ra.



- Bên cạnh đó, đảm bảo chất lượng và sự trong sạch của dữ liệu cũng là một thách thức. 



- Môi trường thư viện hiện hiện đại đòi hỏi nhân viên thư viện phải có thêm nhiều phẩm chất, trình độ và kỹ năng mới ngoài các nghiệp vụ thư viện thông thường.



Ngoài ra, nhận thức về thư viện và vai trò của nó tại Việt Nam còn có nhiều bất cập. Đây vừa là thách thức vừa là khó khăn. 



Thực tế cho thấy: Không ít lãnh đạo các ngành và địa phương còn chưa hiểu đúng về CMCN 4.0 và xem nhẹ vai trò của thư viện. Sự không hiểu đúng về CMCN 4.0 và vai trò của thư viện đã khiến một số người quan niệm rằng thư viện chỉ tồn tại dưới dạng thư viện số và không cần những tài liệu in truyền thống nữa. Một số khác đặt ra yêu cầu thư viện chỉ cần tìm các tài liệu số có trên mạng để tạo bộ sưu tập cho thư viện, để bạn đọc truy cập từ xa, không cần tổ chức không gian đọc cho người sử dụng.



Bên cạnh đó, nhận thức và khả năng thông tin của người đọc, người sử dụng cũng còn nhiều hạn chế. Không ít người còn thờ ơ với việc đọc và việc tích lũy tri thức. Tỷ lệ người dân Việt Nam sử dụng thư viện công cộng còn thấp so với các nước trong khu vực và các nước phát triển trên thế giới. Ở Hoa Kỳ số lượng người dân sử dụng thư viện công cộng chiếm 30,6%, mỗi năm tăng khoảng 4%. Trong danh mục 30 nước được Tổ chức NOP World Culture Score xếp hạng đọc nhiều trên thế giới, không có Việt Nam…



Thêm vào đó, điều kiện để các thư viện phát huy khả năng cung cấp thông tin và tri thức còn một số hạn chế. Khó khăn lớn nhất là ở Việt Nam hiện nay là chưa xây dựng được chính sách truy cập mở và hình thành các nguồn tài liệu mở ở phổ rộng; vốn tài liệu số và sự chia sẻ các dữ liệu số giữa các thư viện còn hạn chế.



Để các thư viện có thể góp phần phát triển văn hóa đọc và phát huy vai trò của mình trong CMCN 4.0



Hiện nay, ở Việt Nam các thư viện đã và đang tích cực triển khai các hoạt động phục vụ người dân học tập suốt đời và phát triển văn hóa đọc. Với sự tác động của CMCN 4.0, các thư viện đã có thêm nhiều điều kiện mới mà thư viện truyền thống không có được. Từ kinh nghiệm của một số nước tiên tiến trên thế giới và thực tiễn ở nước ta, chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp sau:



Thứ nhất: Hoàn thiện thể chế và tăng cường sự đầu tư của Nhà nước



- Quốc hội sớm đưa Luật Thư viện vào chương trình xây dựng Luật và Pháp lệnh trong đó có quy định cụ thể về thư viện điện tử/thư viện số và liên thông trong hoạt động thư viện.



- Nhà nước sớm ban hành chính sách về truy cập mở. Với các nghiên cứu được thực hiện bằng ngân sách nhà nước cần tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận và sử dụng. 



- Nhà nước đầu tư và có chính sách khuyến khích đầu tư cho việc phát triển các nguồn tài liệu mở.



Thứ hai: Tăng cường vai trò của quản lý nhà nước 



Để có thể có được định hướng, những ứng phó và điều chỉnh thích hợp hoạt động thư viện trước sự tác động của CMCN 4.0 đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước phải dành sự quan tâm và phối hợp với nhau trong việc thực thi quyền hạn và trách nhiệm của mình. Với vai trò là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần triển khai một số công việc sau:



- Xây dựng kế hoạch và những định hướng phát triển thư viện trong CMCN 4.0.



- Triển khai thư viện, xây dựng bộ sưu tập số cho cộng đồng (Quyết định 329/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án phát triển Văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030).



- Triển khai xây dựng Bộ sưu tập số với tư cách là sản phẩm chủ lực của ngành Văn hóa, Thể thao, Du lịch.



- Phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện điều tra đánh giá thực trạng các thư viện điện tử/thư viện số ở Việt Nam.



- Xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn liên thông, chia sẻ tài liệu số trong các thư viện.



- Tăng cường tổ chức các lớp tập huấn nâng cao trình độ và khả năng chuyên môn để quản lý thư viện hiện đại.



Thứ ba: Nâng cao nhận thức về thư viện và vai trò của thư viện trong CMCN 4.0



Việc nâng cao nhận thức cần phải thực hiện với nhiều đối tượng: lãnh đạo cấp trên quản lý thư viện, cán bộ lãnh đạo, nhân viên thư viện, các tổ chức cá nhân có tham gia và hoạt động thư viện và người sử dụng thư viện. 



Thứ tư: Các thư viện đổi mới để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động 



Để thực hiện được điều đó đòi hỏi các thư viện phải tận dụng các cơ hội CMCN 4.0 mang lại, nỗ lực triển khai một số nội dung sau: 



- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh việc xây dựng các thư viện điện tử/ thư viện số, số hóa tài liệu. Chủ động khai thác các nguồn tài liệu số mở để tăng cường thêm nguồn lực cho thư viện.



- Tổ chức và cung cấp các dịch vụ hữu ích và thân thiện, đặc biệt là các dịch vụ trực tuyến, dịch vụ có giá trị gia tăng phục vụ nhu cầu đọc với các mục đích khác nhau của người sử dụng. 



- Tăng cường chuẩn hóa hoạt động thư viện. Các thư viện cần có ý thức tuân thủ quy định chung và đảm bảo chuẩn hóa, đẩy mạnh áp dụng các ISO và tiêu chuẩn Việt Nam trong các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ và tổ chức dịch vụ. 



- Chuyển đổi cấu trúc không gian thư viện hợp lý, thân thiện có khả năng truyền cảm hứng cho người sử dụng, bao gồm cả không gian vật lý và không gian ảo với các ứng dụng của công nghệ. Nâng cao công năng của không gian hiện có, chú ý phát triển các không gian sáng tạo (makerspace) cho người sử dụng.



- Tăng cường sự phối hợp trong hoạt động, chia sẻ nguồn lực, triển khai các liên kết liên thông giữa các thư viện trong phục vụ người đọc.



- Tăng cường công tác tuyên truyền giới thiệu sách báo, quảng bá về các hoạt động để người dân hiểu biết về các sản phẩm và dịch vụ thư viện cung cấp. 



Thay cho lời kết:



Nghị quyết số 33 - NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 9 tháng 6 năm 2014 đã đặt ra  mục tiêu: “Hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam, tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật; đề cao tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân mình, với gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước”. Cùng với các thiết chế văn hóa khác, thư viện giữ một vai trò quan trọng, tham góp vào việc phục vụ nhu cầu đọc và hình thành nên con người toàn diện, có trí tuệ, có nhân cách, lối sống lành mạnh, có năng lực tiếp nhận, cập nhật tri thức không ngừng để có thể thích ứng với sự phát triển của xã hội hiện đại - xã hội dựa trên nền tảng của nền kinh tế tri thức. 



Hiện nay, nhiều quốc gia phát triển trên thế giới đã rất quan tâm và đầu tư cho thư viện và coi đó là một biện pháp để thực hiện an sinh xã hội. Tại Anh, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapo… thư viện công cộng  đã được xác  định là một thành tố để tạo điều kiện cho người dân học tập suốt đời, hình thành ý thức tôn trọng pháp luật, có hiểu biết sâu sắc, về lịch sử, văn hoá dân tộc, biết tiếp nhận tinh hoa văn hóa của thế giới, biết trân trọng và vươn tới cái đúng, cái tốt đẹp, cao thượng; dám đấu tranh, đẩy lùi cái xấu, cái ác, thấp hèn; tích cực ngăn chặn và đẩy lùi sự xuống cấp về đạo đức xã hội. Thư viện là nơi hướng dẫn cho người dân kỹ năng tăng cường khả năng tiếp nhận, ứng dụng tri thức thông qua sách báo vào học tập, nghiên cứu, công tác và giải  trí.  



Để thư viện có thể trở thành môi trường góp phần phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn của con người Việt Nam, cần phải triển khai đồng bộ giải pháp, tận dụng những thành tựu của CMCN 4.0 nhằm tạo thêm nhiều cơ hội tiếp cận sử dụng thông tin và tri thức, nâng tầm tầm hiểu biết của người dân, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa dần những khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền trong nước, giữa Việt Nam với các nước phát triển trên thế giới. 



Tài liệu tham khảo



1.UNESCO (2015). Introduction to Open Acess truy cập tại: http://unesdoc.unesco.org/images/0023/002319/231920E.pdf



2.Phan Xuân Dũng (2018). Cách mạng công nghiệp lần thứ 4-Cuộc các mạng của sự hội tụ tụ và tiết kiệm, Nxb Khoa học kỹ thuật, Hà Nội, tr. 51




Vũ Dương Thúy Ngà – Vụ trưởng Vụ Thư viện

NỔI BẬT TRANG CHỦ