Thưa rằm!Một ngày thiêng.Xin thứ lỗi rồi năm sau quay đầu lại,cúi lạy cả làng quê…
Hoàng Minh
Cúng bái quanh năm không bằng rằm Tháng Giêng
Cả làng Cựu làm rằm…
Tiếng dao thớt râm ran như cào cào, châu chấu, chát chát bụp bụp đến vui tai. Rồi lại tiếng giã giò thậm thình. Tiếng gọi nhau í ới, tiếng xe máy lẹt đẹt từ ngõ đi ra. Cái hòa âm ấy rất khó có một nhạc sỹ nào phối nổi và không chỉ huy dàn nhạc nào điều khiển nổi.
Làng Cựu thuộc xã Vân hồ, huyện Phú Xuyên, một làng cổ mang dáng dấp của kiến trúc Pháp còn sót lại nằm ém mình bên sông Nhuệ. Năm 1920 của thế kỷ trước cả làng cháy rụi, dân làng tứ tán sống bằng nghề ăn xin. Thế rồi mà cũng có bao nhiêu người thành đạt trở về dốc tiền dốc của xây lại ngôi làng này. Một ngôi làng bền vững được xây bằng mật ong trộn muối và gạch cổ.
Làng cổ, làng Cựu quyết giữ truyền thống, thuần phong mỹ tục của làng mình đúng như tên gọi của nó.
Có mấy thằng Nhâm, Trung, Tân, Liệu cứ lôi xềnh xệch bác về để ăn rằm với làng. Ở thành phố ăn Tết chán bỏ mẹ, bác về ăn rằm với chúng em.
Một con lợn rừng pha lợn làng ba mươi ký nhé. Đủ món. Từ lòng ăn suổi đến tiết canh, đến quay, đến nướng. Con lợn này thoát chết từ bận cuối năm ngoái. Nó cứ đòi lên mâm. Cái sủ (thủ) thì dâng lên cúng ông bà. Từ cổ trở xuống là phần chúng ta. Thế cũng là phân định đẳng cấp hẳn hoi đấy chứ. Ông bà trên kia nhìn cháu con đề huề chắc phải sướng cái bụng lắm.
Vì vu trên đường cao tốc, rẽ qua đường tàu, mơn man trên những cánh đồng hoa cải vàng rực, xa xôi một chút mưa phùn tháng Giêng lại thấy tê lòng, lại thấy nhớ quê. Một cái cổng làng sao mà rêu phong, sao mà cũ kỹ, sao mà lung linh thế nhỉ. Nghe đâu có một cụ bà tên Hạnh – Việt kiều Pháp đã đứng khóc trước ngôi làng này. Bà kể rằng đời tôi chỉ có ba lần khóc: lần đầu cắp nón ra đi khỏi làng, ngoái lại cái đống tro tàn sao không rơi lệ được. Lần hai là lần ông nhà tôi mất ở tuổi 92 và lần cuối là lần trở lại làng sau bao năm xa cách. Giờ đây tôi đã giã từ nước Pháp để về với làng và rồi được chết bên cạnh ông bà, bố mẹ.
Cứ định làm bộ phim về Làng Cựu với nhân vật bà Hạnh, mà trời phật, cái ông Thảo mắc bệnh nan y, đi chữa bệnh tận
Mấy cái thằng trai làng tí tởn thấy bác đóng năm Kỷ Hợi cứ mừng quýnh lên như chưa gặp bao giờ. Cái bóng đèn treo hiên, sáng nửa nhà, sáng nửa sân tỏ rõ hình hài một chú lợn tròn quay đang được bốn năm trai làng chăm bẵm chu đáo. Xung quanh than cời, bếp lửa là điếu cày, quốc lủi, que đóm, chén cốc cái đứng cái nằm. Mới năm giờ sáng mà. Đông lạnh nhá nhem. Tiếng éc chắc làm cả làng giật mình. Không sao. Về đây mới hoàn hồn cốt lõi, gốc rễ kiếp người. Thấy hoài niệm đang đi chân đất từ gan ruột đi ra…
Thằng Tân đang lững thững vác dao ra đầu ngõ chặt một cây tre nhỏ để làm đòn thui lợn. Một nhát là cây tre vát đầu. Hai thằng khiêng con lợn đưa lên máy quay. Than hồng thật lực. Chúng nó quay tơ. Quay cái nức nở eo xèo của mỡ, cái đang vàng dần lên, ruộm lên của da chú lợn rừng. Quay cái mùi thơm trộn với hơi sương và run rẩy mưa phùn. Thăng hoa một cuộc tẩm ướp thanh tao.
Ở trong bếp, vợ thằng Tân, thằng Liệu đang lúi húi luộc lòng. Lão Dậu đang chồm hổm với sáu bát tiết canh. Lão có vẻ run run. Mình là anh rể thằng Thịnh, đánh tiết canh mà không đông thì nó không cho khấn vái trước bàn thờ ông nhạc, bà nhạc như con trai trong nhà nữa. Đất đai của nả có khi nó cũng chẳng thí cho một thẻo nào. Thằng này độc tài như mấy thằng Ai Cập, Tunisi ấy chứ. Mày là con trai một nhưng cũng vừa vừa thôi. Tao mà tức lên thì tao cùng với mấy thằng con tao đành phải xuống đường. Lúc ấy, đời mày có mà ra bãi.
Vợ Nhâm cuộn những lá cải thảo trông như những chiếc bánh cuốn rồi nhẹ nhàng cho từng cái một lên rá cách thủy. Cái con mẹ khéo đáo để.
Con lợn đã vàng ươm cái màu con bò. Củi lửa đã lịm dần. Xiên cái đoạn tre thay vào cái xiên sắt quay tơ, lại hai thằng hai đầu hạ con lợn ra lá dong trải sẵn. Chà, con lợn hồng hào được đặt lên lá dong, mùi nó mới thiêng liêng làm sao. Dao đâu Tân, đưa tao phẫu thuật cho. Thằng Nhâm mổ phanh con lợn đang bốc khói, chặt từng miếng to bằng củ đấm, xếp vào từng đĩa trên cái nia đã chầu sẵn. Thịt lợn rừng trắng ngọt như thịt gà nhà. Nào, bốc một miếng chấm với muối trắng ớt bột cho nó sướng đời bác. Bác xem chúng em có như tỷ phú ở thành phố hay không.
Thằng Tân rửa tay nước chè, bỏ gấu quần xắn móng lợn, chỉnh đốn trang phục, thắp hương hạ lễ. “Con xin lạy ông, lạy bà, lạy các thần linh. Hôm nay là ngày rằm tháng Giêng năm Tân Mão. Chúng con gồm. Nhà đông quá. Thôi, tất cả chúng con dâng lễ, dâng hương mời các cụ về hưởng rằm và phù hộ độ trì cho chúng con thịnh vượng, đi tươi về tốt, mua một bán mười. Trâu bò không chết rét, ít ra là đến Tết năm sau, để còn dâng lên các cụ. Thưa rằm, lạy ông lạy bà, lạy cha lạy mẹ”.
Hạ lễ.
Thằng Tân sau mấy phút nghiêm trang nó nhìn xuống chiếu rượu và cười phe phé. Nghiêm cẩn rồi. Hương đang nghi ngút trên bàn thờ. Tất cả lễ được đặt trên ba chiếc chiếu hoa nối vào nhau. Ở giữa là một bếp lò, trên là nồi nước lòng, trên là rá lòng hôi hổi. Ăn lòng thế mới phải phép. Cái giống tiết canh đừng có ăn trước mà căng phè cái bụng ra. Nó đã đông cứng lại rồi, xâu lạt được rồi thì cứ để đấy ăn sau. Phải lòng trước. Mỗi người một con dao tự thò vào rá mà thiến lấy. Bỏng cả lưỡi, rơi cả răng, trào cả nước mắt. Húng chó quê, mùi tàu quê thật thà thương nhớ lợn.
Cái lão Dậu vừa cho miếng lòng vào mồm vừa bảo thằng Thịnh là láo lếu. Thằng Thịnh bảo lão Dậu là không phải phép. Chó sủa là phải chào chủ nhà, mặc dù tôi là em vợ ông. Bác bảo ông ấy không được xăm xăm vào bàn thờ khi tôi là gia chủ. Nhưng lão rể này được cái tốt là ngày nào cũng đến thắp hương cho bố mẹ vợ, từ Tết đến giờ chả thiếu bữa nào. Tôi sẽ cho ông thừa hưởng một ít đất khi tôi đã chết. Cái thằng láo lếu, chờ nó chết thì mình đã chết trước nó. Thôi được, nhưng cậu cũng có lời thì tôi cũng có lòng. Nào, thiến một miếng lòng đi, nào một tợp đi. Choách.
Li cốc rào rào. Tằm đang ăn rỗi. Thằng Nhâm đang xoa bụng, một tay rút điếu cày sau lưng rít một hơi rõ dài. Ăn hút mà. Cày bừa cực nhọc ăn hút rềnh rang. Bác hoãn mẹ cuộc họp chiều nay đi. Cả năm anh em quần quật lại còn bắt họp. Họp ở đây là hợp pháp nhất. Tụ tập đông người mà không phải xin phép. Chỉ có chúng em xin phép bác là hóa kiếp cho con lợn này. Con lợn này nó nhàn hạ chứ không khổ như cái số Kỷ hợi của bác. Nó chỉ ăn với ngủ. Chúng em hầu nó bã cả bọt mép. Giờ mới được đền ơn. Nó ăn bã rượu tức là nó cũng được uống rượu. Uống đi bác, rồi mai về đi họp.
No nứng cả lưng.
Cả tá người bụng căng như bụng cái con mình đã nướng. Khốn khổ. Cứ nghĩ đãi khách không xôm nên làm cả ba chục cân hơi té ra mỗi người không tải nổi một ký móc.
Chỉ tiếc không có một rằm trăng để ngắm khoảng sân rời rợi của làng quê mà chỉ được ngắm những mặt người, những người chân đất, lòng dạ thực thà từ tóc rối bù, mặt không kịp rửa, quần áo dăm cha ba mẹ. Được ngắm trăng quê soi bóng xuống người quê mới tròn vành rõ nghĩa. Họ chân chất thế mới rộng lòng tha thứ cho những âm mưu thành phố. Thế mà được ngồi cùng chiếu ăn cùng mâm. Nghĩ mà thẹn. Họ cứ như sung như ổi, cứ kính trọng một ngườichẳng hề chân lấm tay bùn, đi xe đẹp, tất giày bóng lộn, complê chải chuốt, tóc tai đánh luống, mặt mũi phương phi. Đáng thẹn cái thân hình.
Thưa rằm! Một ngày thiêng. Xin thứ lỗi rằm, rồi năm sau quay đầu lại, cúi lạy một miền quê…