(Cinet)- Thừa Thiên - Huế ở vào vị trí trung độ của cả nước. Đây từng thủ phủ của chín đời Chúa Nguyễn ở Đàng Trong, là kinh đô của triều đại Tây Sơn và tiếp đó là kinh đô của nước Việt Nam thống nhất dưới triều Nguyễn. Ngày nay, Huế vẫn còn bảo lưu nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể chứa đựng những giá trị tí tuệ và tinh thần tiêu biểu của người Việt Nam.
![]() |
Vẻ đẹp cố đô Huế |
(Cinet)- Thừa Thiên - Huế ở vào vị trí trung độ của cả nước. Đây từng thủ phủ của chín đời Chúa Nguyễn ở Đàng Trong, là kinh đô của triều đại Tây Sơn và tiếp đó là kinh đô của nước Việt Nam thống nhất dưới triều Nguyễn. Ngày nay, Huế vẫn còn bảo lưu nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể chứa đựng những giá trị tí tuệ và tinh thần tiêu biểu của người Việt Nam.
Khái quát chung
Diện tích: 503.320,53 ha.
Phía Bắc giáp tỉnh Quảng Trị, phía Nam giáp thành phố Đà Nẵng, phía Tây giáp nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào, phía Đông giáp biển Đông.
Dân số: 1.115.523 người (năm 2012).
Dân tộc: Bru-Vân Kiều, dân tộc Cơ tu, dân tộc Tà Ôi, dân tộc Pa Kôh
Đơn vị hành chính: 1 thành phố, 1 thị xã, 8 huyện, 150 xã, phường, thị trấn.
Tài nguyên văn hóa
Di sản văn hóa
Trải qua bao thế kỷ, Huế vẫn lưu giữ cho thế hệ ngày nay một kho tàng sử liệu đồ sộ từ các di tích của nền văn hóa Chămpa, đến quần thể di tích lịch sử văn hóa liên quan đến các triều đại phong kiến nhà Nguyễn với đầy đủ hệ thống thành quách, cung điện, đền miếu, lăng tẩm và nhiều giá trị văn hóa phi vật thể khác như ca múa cung đình, lễ hội,...
Nổi tiếng một thời là kinh đô Phật giáo của Việt Nam, Thừa Thiên Huế có hàng chục ngôi chùa cổ kính, uy nghi như chùa Thiên Mụ, Từ Đàm... tạo nét riêng trong đời sống tinh thần xúa Huế. Thừa Thiên Huế còn là địa bàn cư trú của các dân tộc ít người như Co, Taôi, Cơtu Pru-Vân Kiều với những sắc thái dân tộc độc đáo trong đời sống sản xuất, sinh hoạt, đặc biệt là trang phục, trang sức dân tộc cũng như phong tục tập quán, lễ hội mang đậm dấu ấn của nền văn hóa, văn nghệ dân gian đặc sắc.
Không những thế, Thừa Thiên Huế còn là nơi lưu giữ nhiều di tích lịch sử cách mạng, đặc biệt quý hiếm là nhóm di tích gắn liền với thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và những người con mà tên tuổi đã gắn liền với dòng chảy của lịch sử đấu tranh cách mạng như Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Trường Tộ, Phan Bội Châu, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Chí Diểu... hay những địa danh nổi tiếng trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ biểu thị ý chí quật cường của người dân xứ Huế như Khe Tre, A Sầu, A Lưới (đường mòn Hồ Chí Minh), địa đạo Nam Sơn...
Thừa Thiên - Huế còn lưu giữ được giữa lòng đô thị Huế nhiều nhà vườn, phố cổ mang nét đặc trưng của vùng đất cố đô ở Vĩ Dạ, Kim Long, Gia Hội, Bao Vinh.
Cho đến nay, Thừa Thiên Huế cũng là địa phương duy nhất được vinh dự đang bảo tồn và phát huy giá trị 2 di sản quý báu của nhân lọai: quần thể di tích cố đô Huế (được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới năm 1993) và Nhã nhạc - Âm nhạc Cung đình Việt Nam (được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của Nhân loại năm 2003).
Nghệ thuật biểu diễn
Tiêu biểu cho loại hình nghệ thuật của Huế là Nhã nhạc Cung đình Huế. Nhã nhạc đồng nghĩa với nhạc lễ cung đình, nó bao hàm tất cả các tổ chức dàn nhạc lễ, đối lập với âm nhạc dân gian.
![]() |
Nhã nhạc cung đình Huế |
Tháng 11 năm 2003, Nhã nhạc Việt Nam chính thức được tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên hiệp quốc - Gọi tắt là UNESCO, công nhận là “Kiệt tác di sản phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại”. Đây là di sản văn hoá phi vật thể đầu tiên của Việt Nam được thế giới công nhận tính đến thời điểm hiện tại. Nhã nhạc hiện nay chỉ tồn tại dưới hai tổ chức dàn nhạc, đó là: Đại nhạc và Tiểu nhạc.
Bên cạnh dòng nhạc cung đình, Huế còn nổi tiếng với các dòng nhạc dân gian, những điệu ca Huế mượt mà.
Điểm đến
Bên cạnh hệ thống di sản phong phú, Huế còn là điểm đến hấp dẫn bởi vẻ đẹp thơ mộng, tao nhã của thiên nhiên, nét độc đáo của các lễ hội dân gian truyền thống, các làng nghề và sản phẩm thủ công, sự phong phú của nghệ thuật âm nhạc và ca múa, nét tinh tế trong nghệ thuật ẩm thực và giao tiếp... càng được tôn vinh do sự sắp đặt đan xen, hài hòa trên nền một khung cảnh thiên nhiên kỳ thú với nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như núi Ngự, sông Hương, đồi Thiên An, đồi Vọng Cảnh, bãi biển Cảnh Dương, Thuận An, phá Tam Giang, núi và rừng quốc gia Bạch Mã, đèo Hải Vân, thác A Đon...
![]() |
Vẻ đẹp Huế |
Thiên nhiên đó, truyền thống đó đã tạo cho người dân xứ Huế một phong cách không hề trộn lần, nhạy cảm, tinh tế và luôn hướng tới nền học vấn uyên thâm. Người dân Cố Đô Huế sống giản dị trong những ngôi nhà lấy thiên nhiên làm bối cảnh kiến trúc.
Vẻ đẹp phong phú, đa dạng của thiên nhiên, bề dày truyền thống lịch sử cùng nét đẹp trong tâm hồn người dân Huế đã tạo cho Huế một nguồn tài nguyên du lịch quý giá, tạo tiền đề phát triển đa dạng các loại hình du lịch theo định hướng phát triển du lịch văn hóa, du lịch sinh thái bền vững.
CN
(Ảnh minh họa. Nguồn Internet)