• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thừa Thiên Huế: Bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ thiết thực cho người lao động trong bối cảnh dịch bệnh

Thời sự 16/08/2021 14:53

(Tổ Quốc) - Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đã hỗ trợ tích cực, thiết thực cho người lao động bị mất việc làm tại Thừa Thiên Huế, giúp họ tìm việc làm mới, sớm quay trở lại thị trường lao động.

Tiếp nhận, giải quyết cho 5.361 hồ sơ đăng ký hưởng BHTN

Hiện nay, hệ thống các Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh, thành đang thực hiện rất tốt chức năng, nhiệm vụ giải quyết chế độ BHTN cho người lao động bị mất việc làm. Đây là nhiệm vụ được xem là "đặc biệt" trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, đã và đang ảnh hưởng rất nhiều đến người lao động.

Theo ông Nguyễn Duy Thông - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thừa Thiên Huế, chính sách BHTN về bản chất là hỗ trợ cho người lao động khi người lao động bị mất việc làm có điều kiện tích cực đi tìm việc làm mới, sớm quay trở lại thị trường lao động.

Thừa Thiên Huế: Bảo hiểm thất nghiệp đã hỗ trợ thiết thực cho người lao động trong bối cảnh dịch bệnh - Ảnh 1.

Người lao động đến đăng ký làm các thủ tục về hỗ trợ BHTN tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thừa Thiên Huế.

Ngoài việc hỗ trợ một phần tài chính, các cơ chế từ chính sách này còn hỗ trợ tư vấn việc làm, cung cấp thông tin thị trường lao động, đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động bị mất việc làm, góp phần ổn định tâm lý, tạo điều kiện thuận lợi để người lao động bị mất việc làm có cơ hội tìm kiếm, thích ứng với công việc mới.

Lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin, trong 2 năm trở lại đây, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, số lượng người lao động bị mất việc làm trên địa bàn rất nhiều, phần lớn tập trung vào một số lĩnh vực nổi bật của địa phương như dịch vụ, du lịch.

Chỉ tính riêng năm 2020, tỉnh Thừa Thiên Huế có hơn 12.000 người lao động bị mất việc làm đã đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh để đăng ký làm các thủ tục về hỗ trợ BHTN. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã tiếp nhận, giải quyết cho 5.361 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp từ người lao động, với tổng số tiền 77,4 tỷ đồng.

Trong số lao động bị mất việc làm đã đến làm các thủ tục hỗ trợ về BHTN, có hơn 10% đã được hỗ trợ học nghề, chuyển đổi nghề nghiệp theo diện lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp. Các ngành nghề được chuyển đổi chủ yếu như: may công nghiệp, nấu ăn, lái xe, các nghề về thương mại điện tử, công nghệ thông tin…. Qua đó, người lao động đã có cơ hội để tìm việc làm mới. Một số cũng đã tự ra kinh doanh, sản xuất, tự làm dịch vụ.

"Trong bối cảnh dịch COVID-19 như hiện nay, phải nói rằng chính sách BHTN đã hỗ trợ rất tích cực, rất thiết thực cho người lao động và các đơn vị sử dụng lao động bị ảnh hưởng. Đặc biệt là hỗ trợ một phần cho các hoạt động kết nối cung cầu về việc làm trong và sau dịch", ông Nguyễn Duy Thông chia sẻ.

Duy trì kết nối việc làm cho người lao động bị ảnh hưởng do dịch COVID-19

Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người lao động bị mất việc làm, hiện Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thừa Thiên Huế đang tổ chức tiếp nhận hồ sơ lao động thất nghiệp tại 3 cơ sở của đơn vị. Lực lượng các bộ, nhân viên của Trung tâm luôn túc trực, sẵn sàng tư vấn, kết nối việc làm cho người lao động.

Bên cạnh đó, đơn vị này cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đẩy mạnh các hình thức kết nối cung cầu lao động bằng những hình thức khác nhau như: tư vấn trực tuyến, qua website vieclamhue.com.vn, qua fanpage Việc Làm Huế, tổ chức các buổi phỏng vấn trực tuyến cho các đơn vị sử dụng lao động và người lao động. Đảm bảo, duy trì hoạt động thường xuyên trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.

"Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên các doanh nghiệp cũng đã bị ảnh hưởng, tình trạng thiếu hụt lao động ở các doanh nghiệp cũng rất nhiều, vì vậy chúng tôi tham gia đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu lao động để giúp cho người lao động và doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu của nhau, chống hiện tượng đứt gãy chuỗi cung ứng về lao động ở các doanh nghiệp", ông Nguyễn Duy Thông cho hay.

Thừa Thiên Huế: Bảo hiểm thất nghiệp đã hỗ trợ thiết thực cho người lao động trong bối cảnh dịch bệnh - Ảnh 2.

Từ nay đến cuối năm, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ có khoảng 8.000 vị trí việc làm mới ở hơn 30 doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động.

Ông Nguyễn Duy Thông cũng cho biết thêm, qua thu thập thông tin về nhu cầu tuyển dụng lao động, từ đây đến cuối năm, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ có khoảng 8.000 vị trí việc làm mới ở hơn 30 doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động. Đặc biệt, lĩnh vực may mặc có nhu cầu tuyển dụng khoảng 5.000 đến 6.000 vị trí việc làm. Đây là cơ hội để cho lực lượng lao động bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19 có thể tiếp cận.

Để thu hút lao động, một số doanh nghiệp lớn trên địa bàn cũng đã có những chính sách, cơ chế đãi ngộ hấp dẫn cho người lao động. Chẳng hạn như tại Công ty Scavi Huế, những lao động có tay nghề, sẵn sàng vào làm việc lâu dài sẽ được đơn vị hỗ trợ 100% chi phí xét nghiệm PCR; hỗ trợ "nóng" 5 triệu đồng đối với công nhân có tay nghề và ký hợp đồng lao động chính thức; áp dụng chính sách đánh giá tay nghề linh hoạt, ký ngay hợp đồng chính thức và áp dụng mức lương ương đương với bậc tay nghề; thưởng thêm 3 triệu đồng vào khoản thưởng lương tháng 13/2021…

Hiện nay, do ảnh hưởng dịch COVID-19, có khá đông một bộ phận người lao động từ phía Nam trở về Thừa Thiên Huế. Ngoài việc giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn, địa phương cũng đang rất quan tâm đến số lao động này. Hiện Sở LĐTB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã chỉ đạo cho Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tiến hành tiếp cận, rà soát, phân loại để kết nối việc làm cho phù hợp.

"Đối với những lao động đã có tay nghề từ các tỉnh phía Nam trở về, chúng tôi sẽ rà soát, kết nối với các đơn vị có cùng ngành nghề. Còn những lao động khác thì sẽ có hướng chuyển đổi nghề nghiệp, đào tạo, giới thiệu vị trí việc làm phù hợp nếu người lao động có nhu cầu. Các hoạt động này, đơn vị sẽ tổ chức phong phú, đa dạng, thường xuyên để người lao động có thể tìm được việc làm phù hợp", ông Nguyễn Duy Thông cho hay./.

Lê Chung

NỔI BẬT TRANG CHỦ