(Tổ Quốc) - Chủ trương đầu tư dự án bảo tồn, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan; bổ sung danh mục nhà vườn Huế đặc trưng được tham gia "Chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng" là hai trong số những nội dung quan trọng được HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế thảo luận và thống nhất tại cuộc họp sáng 23/4.
Một nhà vườn đặc trưng Huế. Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế
Cổng thông tin điện tử tỉnh Thừa Thiên Huế đưa tin: Về vấn đề trùng tu di tích Hải Vân Quan, qua thẩm tra, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh và thảo luận của các đại biểu HĐND tỉnh đều nhất trí về việc đầu tư trung tu, bảo tồn di tích Hải Vân Quan để giữ gìn giá trị lịch sử, đồng thời phát huy giá trị di tích để trở thành điểm khai thác du lịch cho cả Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng. Tuy nhiên, đây là di tích cấp Quốc gia, do đó việc tu bổ, phục hồi di tích phải được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Xây dựng cho ý kiến trước khi thực hiện dự án.
Được biết, dự án Bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan có tổng kinh phí thực hiện khoảng 42,3 tỷ đồng, gồm các hạng mục như: Tu bổ, phục hồi công trình Hải Vân Quan; các tường thành nhà Nguyễn; nhà Trú Sứ 3 gian, nhà Vũ Khố 3 gian; tu bổ chống xuống cấp 5 lô cốt; tôn tạo cảnh quan xung quanh và xây dựng cơ sở hạ tầng…
Về vấn đề bổ sung 9 nhà vườn đặc trưng cần trùng tu, HĐND tỉnh đã thống nhất danh mục 9 nhà vườn tại làng cổ Phước Tích (Phong Hòa, Phong Điền) tham gia hỗ trợ trùng tu năm 2019 gồm: Nhà vườn Lê Trọng Thị Vui, nhà vườn Đoàn Thị Nguyệt, nhà vườn Lê Thị Phương; nhà vườn Lương Thanh Thị Loan (Nguyễn Hoàng), nhà vườn Lương Thanh Hoàng, nhà vườn Trương Công Huấn, nhà vườn Lương Thanh Bạch, nhà vườn Hồ Văn Thuyên.
9 nhà vườn này là những nhà rường cổ (loại I và loại II) nằm trong danh sách 25 nhà vườn tham gia Đề án "Chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng" đã được phê duyệt, đáp ứng các tiêu chí phân loại nhà vườn Huế đặc trưng, điều kiện được hỗ trợ kinh phí trùng tu.