• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thừa Thiên – Huế: Chim trời “kêu cứu” vì bị săn bắt tận diệt

Thời sự 02/11/2017 06:00

(Tổ Quốc) -Những ngày này có mặt tại khu vực Đá Dầm, thôn Bát Sơn, huyện Phú Lộc và cánh đồng Thanh Lam phường Thủy Phương, TX. Hương Thủy (tỉnh Thừa Thiên – Huế) chúng tôi được tận mắt chứng kiến cảnh “tận diệt chim trời”.

Muôn kiểu săn bắt

Cứ vào dịp tháng 8-9 âm lịch, sau khi kết thúc mùa gặt và cũng là mùa mưa bão đến gần, từng đàn chim trời lại tìm về vùng đồng bằng của Thừa Thiên – Huế để kiếm ăn, trú ngụ. “Đất lành, chim đậu”, chim tìm về thường đi thành từng đàn với đủ các loại như cò, vạc, triết, nhiễng,..

Thế nhưng “đất lành” nay có nguy cơ hóa thành “đất dữ” khi các loại chim này đang bị biến thành mặt hàng và là đối tượng săn bắt của nhiều người. Đáng nói hơn, vì lợi nhuận mà nhiều người đã sử dụng những cách đánh bắt mang tính chất tận diệt khiến những đàn chim trời bị đe dọa.

 Những con cò, vạc giả làm bằng xốp được các thợ săn bày bố để giăng bắt chim trời.

Những ngày này có mặt tại khu vực Đá Dầm, thôn Bát Sơn, huyện Phú Lộc và cánh đồng Thanh Lam phường Thủy Phương, TX. Hương Thủy (tỉnh Thừa Thiên – Huế) chúng tôi được tận mắt chứng kiến cảnh “tận diệt chim trời”.

Để bắt được chim trời, những người thợ săn vùng này sử dụng nhiều cách khác nhau như: dùng nhựa keo dính, bẫy kẹp, bẫy hóp.. Những chiếc bẫy này thường được làm khá đơn giản nhưng dễ dàng khiến nhiều loại chim trời sập bẫy. Ví như loại bẫy sử dụng bằng keo dính, chỉ cần quét keo lên những miếng gõ cắm dưới mặt ruộng, nếu chim không may vướng vào sẽ không thể nào bay được.

Ngoài những cách trên, việc giăng lưới đánh bẫy cũng là cách đánh bắt được nhiều thợ săn chim trời áp dụng. Bằng những tấm lưới khổ rộng giăng sẵn trên đồng, xung quanh dùng chim giả làm bằng xốp hoặc từ những hộp xốp dùng đựng thức ăn bẻ đôi cắm trên đồng ruộng cùng với những con chim còn sống bị may mắt, buộc chân làm “chim mồi”, những thợ săn dễ dàng đánh lừa đàn chim trời tự nhiên sà vào lưới.

 Những con chim trời bị sập bẫy các thợ săn.

Chỉ cho chúng tôi xem đàn “chim mồi” cùng những con cò, vạc làm bằng xốp đủ màu trắng đen, mỏ vàng, mỏ đỏ, một thợ săn chim trời cho biết để chuẩn bị và bày được “trận địa” mồi giả như thế phải mất khá nhiều thời gian và công sức. Tuy nhiên mỗi lần đánh bẫy bằng cách này, số chim trời bắt được thường nhiều hơn cách khác. Với cách này, mỗi ngày họ có thể đánh bắt từ 20-30 con chim trời các loại.

“Những hôm gặp thời tiết thuận lợi, gặp được đàn lớn thì tôi có thể bắt đến 50 con chim các loại”, người này cho hay.

Chim trời bày bán công khai

Trò chuyện với chúng tôi, ông P. một thợ săn chim trời cho hay vào mùa lũ chim trời thường bay về bãi bồi ven sông để trú ngụ và kiếm ăn. Đây cũng là lúc nhiều người dân chọn nghề săn bắt chim trời để mưu sinh. Do nhu cầu của khách đối với loại “mặt hàng” này lúc nào cũng cao nên bằng công việc này, mỗi ngày họ có thể kiếm thêm thu nhập từ 200.000 – 300.000 đồng.

Những năm gần đây do số lượng chim, cò ít hơn nên số người làm công việc này cũng giảm dần nhưng không vì vậy mà số lượng chim trời bị đánh bắt có dấu hiệu giảm. Nhiều thợ săn chim trời tiết lộ, vì là “mặt hàng” rất được nhiều người ưa chuộng nên việc chưa ra đồng bẫy nhưng đã có người gọi điện đặt trước là chuyện hết sức bình thường.

 Nhiều loại chim trời được chào bán công khai trên đường QL1A đoạn qua cánh đồng Thanh Lam.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo điện tử Tổ Quốc, số chim trời này sau khi bị săn bắt cũng được bày bán một cách công khai ở nhiều địa điểm khác nhau. Thường thì điểm đến cuối cùng sẽ là các nhà hàng, quán nhậu không thì được mang ra chợ hoặc bán lại cho người đi đường.

Trong vai một người có nhu cầu, chúng tôi tiếp cận một điểm mua bán nằm ngay bên đường QL1A (đoạn qua cánh đồng Thanh Lam). Tại đây, chim trời được bày bán với đủ loại, kích thước. Chim bị bẫy chết đã được làm sạch lông và rao bán từ 20.000 đồng đến 80.000 đồng/con. Chim còn sống thì được bán giá cao hơn một tí.

Những người bán chim, cò liên tục chào mời khách. Khách có nhu cầu mua loại nào thì thoải mái lựa chọn loại ưng ý nhất. Tuy việc mua bán được diễn ra công khai nhưng không thấy cơ quan chức năng nào xử lý.

Trao đổi về vấn đề này, ông Trương Văn Công – Chủ tịch UBND phường Thủy Phương (TX. Hương Thủy) cho hay chính quyền địa phương cùng các ban ngành, đoàn thể đã cấm và tuyên truyền sâu rộng cho người dân. Tuy nhiên, chỉ còn vài người có hoàn cảnh khó khăn đến mùa là họ đi bẫy và đây cũng là nghề truyền thống của họ từ xưa đến nay nên họ làm chui.

Được biết vấn nạn tận diệt chim trời tại Thừa Thiên – Huế đã tồn tại từ nhiều năm nay, cũng vì nguyên nhân này mà số lượng chim trời tại địa phương ngày càng ít dần. Thiết nghĩ, các cơ quan hữu quan cần có giải pháp kịp thời để ngăn chặn và tuyên truyền sâu rộng đến người dân.

Thế Trung

Thế Trung

NỔI BẬT TRANG CHỦ