(Tổ Quốc) - Thực hiện Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/04/2015 của Thủ tướng Chính phủ, về Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015- 2025", UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 168/KHUBND ngày 28/4/2021 về thực hiện Đề án (giai đoạn II). Việc triển khai thực hiện Đề án của tỉnh cho đến nay đã đạt được một số kết quả.
Tập trung tuyên truyền các huyện miền núi và có đồng bào DTTS
Thừa Thiên Huế có 02 huyện miền núi (Nam Đông, A Lưới) và 03 huyện, thị xã có đồng bào DTTS (Phú Lộc, Phong Điền, Hương Trà). Dân số toàn vùng đồng bào dân tộc có 121.248 người/24.657 hộ, trong đó DTTS 54.062 người chiếm 45,43% so với dân số toàn vùng đồng bào DTTS, chiếm 4,9 % so với dân số toàn tỉnh. Thành phần dân tộc bao gồm: Pa Cô (21.830 người, chiếm 38,4%), Cơ Tu (18.698 người, chiếm 32,9%), Tà Ôi (14.009 người, chiếm 24,6%), Vân Kiều (1.145 người, chiếm 2%), Pa Hy (1.019 người, chiếm 1,8 %), dân tộc Hoa (222 người, chiếm 0,41%) và một số dân tộc khác như Mường, Thái, Thổ… (205 người, chiếm 0,4%). Vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh bao gồm 24 xã (14 xã khu vực III , 71 thôn ĐBKK)
Căn cứ Kế hoạch của UBND tỉnh, từ năm 2021 đến nay, Ban Dân tộc chủ động xây dựng các nội dung thuộc Đề án; phối hợp với UBND huyện A Lưới, Nam Đông và UBND các xã thuộc huyện Phú Lộc, Phong Điền và thị xã Hương Trà tổ chức tuyên truyền thông qua đài truyền thanh, truyền hình, pa nô, áp phích, phóng sự; hội nghị; hội thi; các lớp tập huấn và cấp phát sản phẩm truyền thông, tờ rơi. Nội dung tuyên truyền tập trung phổ biến Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và Gia đình, thực trạng, hậu quả, nguyên nhân tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, giải pháp và vai trò của tổ chức chính trị xã hội trong công tác đẩy lùi, bài trừ nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Đối tượng được tuyên truyền, phổ biến, tư vấn, can thiệp bao gồm những hộ gia đình có con em đang tuổi vị thành niên, học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông, đội ngũ giáo viên và cán bộ cấp huyện, xã, thôn làm công tác văn hóa, xã hội trên địa bàn.
Được biết, hằng năm, Ban Dân tộc tổ chức 02 đoàn kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện Đề án nhằm để nhằm đánh giá đúng thực trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn.
Năm 2021, trên địa bàn tỉnh xảy ra 21 trường hợp tảo hôn (A Lưới: 18 trường hợp và Nam Đông: 03 trường hợp) giảm 13 trường hợp so với năm 2020. Không xảy ra trường hợp hôn nhân cận huyết thống, giảm 01 trường hợp so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2022, tình trạng tảo hôn trên địa bàn tỉnh 24 trường hợp tảo hôn (A Lưới 22 trường hợp và Nam Đông 02 trường hợp), tăng 03 trường hợp tảo hôn so với năm 2021. Nguyên nhân: năm 2022 tình hình dịch bệnh Covid-19 cơ bản ổn định nên nhiều trẻ em vị thành niên vùng DTTS đi làm ăn xa do đó chính quyền địa phương khó vận động và can thiệp.
Nhiều hoạt động được triển khai
Nhằm thực hiện Đề án, tỉnh đã tổ chức 04 hội nghị sinh hoạt chuyên đề ngoại khóa với nội dung "Nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống"; chia sẻ câu chuyện của người trong cuộc về hậu quả tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; đánh giá thực trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2016-2020 và năm 2021; tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hôn nhân gia đình cho hơn 2.300 học sinh tại trường THCS và THPT Hồng Vân, trường THCS Hương Lâm (nay là trường THCS và THPT Trường Sơn), trường THCS TNDTNT huyện A Lưới và trường THCS bán trú Long Quảng, huyện Nam Đông. Tổ chức 08 hội nghị tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và chia sẻ thực trạng, nhiệm vụ giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho 395 cán bộ xã, thôn và người có uy tín trên địa bàn vùng đồng bào DTTS và MN.
Cùng với đó, xây dựng và cấp phát 1.000 sản phẩm truyền thông (sổ tay công tác) cho 1.000 học sinh tại các trường THCS và THPT huyện A Lưới và Nam Đông. Lắp đặt 28 tấm pa nô tại nhà sinh hoạt cộng đồng các thôn, nội dung tuyên truyền: "Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là vi phạm pháp luật, Quy định độ tuổi kết hôn: Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, Nữ từ đủ 18 tuổi trở lên".
Tiếp đến, tỉnh đã tổ chức biên soạn tài liệu, liên quan đến luật hôn nhân và gia đình, phụ nữ, trẻ em, bình đẳng giới, dân số... Các tài liệu đã biên soạn, sản phẩm truyền thông (như: tài liệu hướng dẫn, tìm hiểu, hỏi-đáp, băng đĩa CD, VCD, tờ rơi, tờ gấp, pa nô, áp phích, tranh cổ động, khẩu hiệu,…bằng tiếng Việt, tiếng dân tộc...)
Năm 2022, Ban Dân tộc cấp phát 1.000 sản phẩm truyền thông (sổ tay) cho học sinh tại các trường THCS và THPT huyện A Lưới và Nam Đông nhằm tuyên truyền đến Luật Hôn nhân và gia đình, phụ nữ, trẻ em, bình đẳng giới...
Đáng chú ý, tỉnh xây dựng, triển khai nhân rộng mới Mô hình điểm và các mô hình chuyên đề "Can thiệp làm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống". Số lượng mô hình, câu lạc bộ mới; số lượng mô hình, câu lạc bộ cũ, duy trì; số mô hình, buôn, xã, huyện, trường học thực hiện và số lượng hỗ trợ truyền thanh ở thôn, bản, tổ dân phố.
Trên cơ sở Kế hoạch của UBND tỉnh, ngày 29/4/2021, Ban Dân tộc ban hành Quyết định số 19/QĐ-BDT về thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng mô hình thực hiện Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 – 2025 và trực tiếp chỉ đạo và hướng dẫn các xã có xảy ra tình trạng hôn nhân cận huyết và tỷ lệ tảo hôn cao năm 2020 thành lập và triển khai, thực hiện mô hình câu lạc bộ "Nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thông trên địa bàn" tại xã Lâm Đớt và Hồng Hạ.
Tổ chức 03 hội nghị bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp tuyên truyền và phổ biến giáo dục pháp luật về hôn nhân gia đình, bình đẳng giới, bạo lực gia đình cho 120 người thuộc thành viên câu lạc bộ "Nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống", cán bộ lãnh đạo đảng ủy, UBND và cán bộ không chuyên trách cấp xã, thôn thuộc địa bàn xã Hồng Hạ, Lâm Đớt và A Ngo, huyện A Lưới.
Những năm qua, các hoạt động, nhiệm vụ trong kế hoạch thực hiện Đề án 498 giai đoạn 2021-2025 đã được Ban Dân tộc triển khai, thực hiện các nội dung đã đạt kế hoạch đề ra.