• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thừa Thiên-Huế: Triển lãm “Tinh thần tự tôn dân tộc trong thơ trên điện Thái Hòa”

27/08/2015 14:54

(Cinet)- Trong khuôn khổ các hoạt động của “Tuần lễ Vàng Du lịch tại Di sản Huế” đợt 3 năm 2015, từ ngày 2/9 đến 31/12/2015, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sẽ tổ chức triển lãm: “Tinh thần tự tôn dân tộc trong thơ trên điện Thái Hòa”.

Thơ trên nóc mái điện Thái Hòa. Ảnh: internet

(Cinet)- Trong khuôn khổ các hoạt động của “Tuần lễ Vàng Du lịch tại Di sản Huế” đợt 3 năm 2015, từ ngày 2/9 đến 31/12/2015, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sẽ tổ chức triển lãm: “Tinh thần tự tôn dân tộc trong thơ trên điện Thái Hòa”.

Triển lãm giới thiệu tới khách tham quan 34 bài thơ tiêu biểu ở điện Thái Hòa, tập trung vào các chủ đề như tự hào về những truyền thống văn hóa của dân tộc; ca ngợi cảnh thái bình, thống nhất, thịnh trị; đề cao sự hùng mạnh của đất nước; tự hào về chế độ với những điển chương, điển chế quy củ...

Trong giai đoạn từ 1802 đến 1945, tại kinh đô Huế, hệ thống thơ văn chữ Hán bao gồm hàng ngàn bài thơ, bài văn, câu đối vốn được chọn từ trước tác của các vị hoàng đế, thân vương, quan lại triều Nguyễn sau đó chạm khắc, khảm cẩn, tráng men hoặc đắp nổi trên các công trình kiến trúc. Đặc biệt, phong cách trang trí "nhất thi nhất họa" ở kiến trúc Huế đã hình thành và phát triển rực rỡ ngay trong giai đoạn này, rồi trở thành điển lệ của triều đình trong trang trí công trình kiến trúc từ đó về sau.

Đặc biệt, những áng thơ chạm khắc trên trên điện Thái Hòa - trung tâm hành chính của đất nước, một trong những biểu trưng về uy quyền của triều đại luôn thể hiện rõ và đề cao tinh thần tự tôn dân tộc, niềm tự hào đối với giang sơn, xã tắc, khẳng định nền độc lập, tự chủ của đất nước.

Theo số liệu thống kê, trên kiến trúc cung đình Huế hiện còn tới gần 3000 ô thơ văn chạm khắc, sơn thếp, cẩn xà cừ trên gỗ; 146 ô thơ văn viết tráng men thành pháp lam; 88 đơn vị ô hộc, câu đối, bài văn đắp ngõa sành sứ.  Riêng ở Điện Thái Hòa - một công trình được xây dựng vào năm 1805 để làm nơi tổ chức các nghi lễ quan trọng của triều Nguyễn, ở các liên ba (nội thất, ngoại thất điện), ở bờ nóc, cổ diềm (ngoại thất điện) có đến 297 ô hộc khắc chạm chữ Hán.

Có thể khẳng định thơ chạm khắc trên điện Thái Hòa nói riêng cũng như các di tích triều Nguyễn nói chung là một loại hình thức trang trí kiến trúc đặc sắc, mang giá trị khu biệt, đa dạng và đầy tính nghệ thuật, thể hiện một ngôn ngữ thẩm mỹ riêng mang nhiều giá trị lịch sử, văn hóa đã phát triển lên đến đỉnh cao dưới triều Nguyễn. Hiện nay, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đang lập hồ sơ để đệ trình UNESCO công nhận Hệ thống thơ văn chữ Hán trên kiến trúc cung đình Huế là Di sản tư liệu thế giới.

CN

 
 

NỔI BẬT TRANG CHỦ