Thúc đẩy hợp tác văn hóa, thể thao và du lịch giữa Việt Nam và Trung Quốc tương xứng với tiềm năng, lợi thế
(Tổ Quốc) - Chiều 26/11, tại trụ sở Bộ VHTTDL, Thứ trưởng Hồ An Phong có buổi tiếp và làm việc với bà Trần Dịch Quân - Trưởng ban Tuyên truyền Khu ủy khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc về hợp tác du lịch, văn hóa hướng tới Năm giao lưu nhân văn Việt Nam - Trung Quốc 2025.
Chào mừng đoàn lãnh đạo Ban Tuyên truyền Khu ủy khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây do bà Trần Dịch Quân dẫn đầu sang làm việc tại Việt Nam, Thứ trưởng Hồ An Phong nhấn mạnh, Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng, núi sông liền một dải, văn hóa có nhiều nét tương đồng.
Quảng Tây là tỉnh có chung đường biên giới dài với Việt Nam, có mối quan hệ rất đặc thù, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng sinh sống và chỉ huy cách mạng Việt Nam. Đến nay, Quảng Tây vẫn gìn giữ được nhiều Khu di tích, Nhà trưng bày về "Chủ tịch Hồ Chí Minh" tại Trung Quốc.
Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị là cửa ngõ thông thương đóng vai trò quan trọng của hai nước, là tuyến đường bộ quan trọng chuyên chở khách du lịch, hàng hóa từ Trung Quốc qua Việt Nam tới các quốc gia ASEAN và ngược lại.
Thứ trưởng Hồ An Phong khẳng định, kể từ sau chuyến thăm lịch sử tới Trung Quốc của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (năm 2022), chuyến thăm cấp Nhà nước Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình (11/2023), đặc biệt là từ sau chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm (8/2024), các chuyến thăm cấp cao hai nước diễn ra liên tục và nhộn nhịp.
Trong thời gian một tháng, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính đã hai lần gặp gỡ, làm việc với Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Cường với mục tiêu tăng cường hợp tác hữu nghị toàn diện giữa hai nước, cùng xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Việt – Trung. Giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch Việt Nam và Trung Quốc nhờ đó không ngừng được đẩy mạnh, góp phần xây dựng "nền tảng xã hội vững chắc hơn".
Về văn hóa, nhân chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ngày 31/10/2022, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc đã ký kết Kế hoạch Hợp tác Văn hóa và Du lịch giai đoạn 2023-2027.
Về du lịch, Việt Nam và Trung Quốc đã ký Hiệp định hợp tác du lịch cấp Chính phủ năm 1994 và Hiệp định về hợp tác bảo vệ, khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc) năm 2015. Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác du lịch với Ma Cao (năm 2006), tỉnh Giang Tô và Triết Giang (năm 2010), với tỉnh Tứ Xuyên và Trùng Khánh (năm 2019), tỉnh Sơn Đông (năm 2019).
Về Thể dục thể thao, hai Bên đã ký kết Thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực thể dục thể thao ngày 14/11/1994. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam với Tổng cục Thể thao quốc gia Trung Quốc ký kết Bản ghi nhớ hợp tác về thể dục thể thao (giai đoạn 2010-2015, tự động gia hạn 5 năm tiếp theo).
Thứ trưởng Hồ An Phong nhấn mạnh, tuy hợp tác văn hóa, thể thao, du lịch giữa hai nước đã đạt nhiều kết quả quan trọng trong thời gian qua, tuy nhiên so với tiềm năng, lợi thế và lịch sử quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai nước thì vẫn còn rất nhiều dư địa để thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới. Đưa hợp tác văn hóa, thể thao và du lịch giữa hai nước lên tầm cao mới, tương xứng với mối quan hệ về chính trị, kinh tế, quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai đất nước.
Thứ trưởng mong rằng trong thời gian tới, hai bên sẽ tiếp tục duy trì, phát huy hiệu quả cơ chế gặp gỡ thường niên lãnh đạo cấp Bộ; Thực hiện hiệu quả Kế hoạch Hợp tác Văn hóa và Du lịch Việt Nam - Trung Quốc giai đoạn 2023 - 2027.
Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương, bộ ngành liên quan, tỉnh Cao Bằng triển khai Hiệp định hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc).
Thứ trưởng cũng đề nghị hai bên hỗ trợ lẫn nhau tổ chức các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch tại mỗi nước, hỗ trợ quản lý điểm đến, khai thác giá trị các di tích lịch sử văn hóa cũng như phát triển thể thao thành tích cao. Đặc biệt là phát triển ngành đường sắt giữa các địa phương để tăng khả năng kết nối giữa hai nước.
Cảm ơn Bộ VHTTDL và Thứ trưởng Hồ An Phong đã dành thời gian tiếp đón đoàn công tác của tỉnh Quảng Tây, bà Trần Dịch Quân - Trưởng ban Tuyên truyền Khu ủy khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc nhấn mạnh, Việt Nam và Trung Quốc là nước láng giềng, núi sông liền một dải với quan hệ truyền thống tốt đẹp. Sau các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước thời gian qua, quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước ngày càng phát triển. Trong đó có hợp tác văn hóa, thể thao và du lịch.
Nằm ở phía Nam Trung Quốc, Quảng Tây có đường biên giới với 4 tỉnh Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn và Quảng Ninh của Việt Nam, có nhiều tiềm năng phát triển du lịch hoang sơ gắn với phát triển nông nghiệp công nghệ cao, cũng như thúc đẩy hợp tác về du lịch văn hóa, nông nghiệp, thương mại.
Khu cảnh quan du lịch thác Bản Giốc (Việt Nam) – Đức Thiên (Trung Quốc) do hai bên cùng khai thác được chính quyền Quảng Tây xác định là hình mẫu hợp tác du lịch xuyên biên giới của Trung Quốc với nước láng giềng.
Hằng năm, vùng biên giới Việt Nam - Trung Quốc cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao, du lịch với những hoạt động sôi nổi, thu hút nhiều người tham gia.
Trưởng ban Tuyên truyền Khu ủy khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây bày tỏ mong muốn trong thời gian tới, hợp tác văn hóa, thể thao, du lịch giữa hai bên sẽ càng phát triển mạnh mẽ hơn nữa, góp phần thực hiện tốt những nhận thức chung quan trọng mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được trong tháng 8 vừa qua.
Từ cấp địa phương, Quảng Tây sẵn sàng thúc đẩy giao lưu văn hóa cũng như phát triển du lịch giữa Quảng Tây và các địa phương của Việt Nam.
Bên cạnh tiếp tục hợp tác để khai thác hiệu quả thác Bản Giốc (Việt Nam) – Đức Thiên (Trung Quốc), bà Trần Dịch Quân đề nghị hai bên tiếp tục phối hợp xây dựng Khu hợp tác du lịch xuyên biên giới Văn Lãng (Việt Nam) - Bằng Tường (Trung Quốc).
Cùng với đó, thúc đẩy hợp tác "du lịch đỏ" giữa Trung Quốc và Việt Nam, xây dựng liên minh quảng bá du lịch đỏ, hành trình hữu nghị Trung - Việt "Theo dấu chân Bác Hồ". Đồng thời, đẩy mạnh kết nối đường sắt để thúc đẩy phát triển kinh tế cũng như tạo thuận lợi trong trao đổi khách du lịch giữa hai nước./.