• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thúc đẩy phát triển văn hóa đọc gia đình trong thời đại 4.0

Văn hoá 16/08/2023 16:34

(Tổ Quốc) - Phát triển văn học đọc ở mỗi gia đình tạo nền tảng quan trọng để hình thành và phát triển trí tuệ, làm giàu thêm vốn tri thức của mỗi cá nhân, kết nối sợi dây tình cảm giữa các thành viên.

Trong gia đình, mỗi cá nhân được đùm bọc về mặt vật chất, giáo dục về tâm hồn, nuôi dưỡng và phát triển trí tuệ. Gia đình chính là môi trường quan trọng, trực tiếp giáo dục nếp sống và hình thành nên các thói quen và nhân cách, phẩm chất tốt đẹp của mỗi cá nhân, mỗi con người, từ đó góp phần đắc lực vào việc phát triển con người Việt Nam toàn diện trong mục tiêu chung của xây dựng nền văn hóa mới.

Đọc sách là cách gián tiếp để mỗi người tiếp cận các nguồn tri thức của nhân loại. Đây là cách mở rộng kiến thức, nâng cao hiểu biết, củng cố tư duy trên nhiều lĩnh vực cũng như góp phần hoàn thiện nhân cách mỗi người. Vì vậy, việc đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc trong gia đình, dòng họ sẽ tạo nên nền tảng cho việc hình thành thói quen tự học, tự nghiên cứu và học tập suốt đời của mỗi người, từ đó góp phần xây dựng nên hệ giá trị con người, hệ giá trị gia đình và xây dựng một xã hội học tập.

Thúc đẩy phát triển văn hóa đọc gia đình trong thời đại 4.0 - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Theo đại diện của Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Nhận thức được rõ tầm quan trọng của việc phát triển văn hóa đọc trong gia đình, dòng họ, trong những năm qua, Bộ VHTTDL đã chỉ đạo, chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng trong việc phát triển văn hóa đọc, xây dựng xã hội học tập và đã đạt được một số kết quả nhất định như: Chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc qua 04 năm (năm 2019 - 2022), cuộc thi Giới thiệu sách trực tuyến trong 02 năm (2021 - 2022) trong toàn quốc thu hút hàng triệu lượt học sinh, sinh viên tham gia; Tổ chức tổng kết Đề án Phát triển Văn hóa đọc và trao Giải thưởng Phát triển văn hóa đọc cho cá nhân, tập thể có đóng góp tích cực cho sự phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng (từ 2018 – 2022).

Triển khai chương trình "Cùng bạn đọc sách - Nâng tầm trí tuệ Việt": Đã huy động hàng vạn cuốn sách, trang thiết bị thư viện trao tặng các trường học, thư viện công cộng, thư viện tư nhân, thư viện cộng đồng, không gian đọc có phục vụ cộng đồng tại nhiều địa phương, đặc biệt các vùng miền núi, vùng đặc biệt khó khăn như: Điện Biên, Thái Nguyên, Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang; tổ chức cuộc thi "Gia đình đọc sách - Gắn kết yêu thương" nhân ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2020).

Thiết lập kênh youtube "Sách và trí tuệ Việt" với mục tiêu "Lan tỏa tri thức - Khơi dậy khát vọng Việt Nam" trên không gian mạng. Ra đời trong những năm dịch Covid-19, kênh đã thực sự phát huy tác dụng, nhất là trong thời gian cả nước thực hiện giãn cách xã hội, nhiều thư viện, trường học đã sử dụng kênh này cho bạn đọc và học sinh tiếp cận sách tại nhà, qua đó góp phần truyền cảm hứng, nâng cao kiến thức, kỹ năng sống, mở rộng hiểu biết… truyền lòng yêu đọc sách cho bạn đọc và khán, thính giả.

Ngoài Thư viện Quốc gia Việt Nam là thư viện trung tâm của cả nước, hệ thống thư viện công cộng gồm: 63 thư viện cấp tỉnh, 654 thư viện cấp huyện, 2.897 thư viện cấp xã, phường, thị trấn, 19.881 phòng đọc, tủ sách cơ sở và 178 thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng. Tài nguyên thông tin trong hệ thống thư viện đạt gần 44.000.000 bản sách in, gần 64.000.000 lượt người sử dụng thư viện, tổng lượt sách, báo phục vụ của thư viện đạt 77.000.000 lượt. Tính đến nay, bình quân số bản sách/người/năm trong hệ thống thư viện công cộng là 0,45. Thư viện đã có những đóng góp tích cực và đáng kể phát triển văn hóa đọc trong gia đình, dòng họ.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, phong trào phát triển văn hóa đọc vẫn còn nhiều hạn chế, chưa phát huy được hết trong mỗi gia đình bởi trước tác động mặt trái của kinh tế thị trường cùng nhiều thành tựu vượt bậc của khoa học kỹ thuật, quỹ thời gian của mỗi người ưu tiên cho công việc cùng với sự xuất hiện của các thiết bị thông minh thuận tiện để thỏa mãn nhu cầu giải trí dẫn đến thói quen đọc sách của không ít người dần bị mai một.

Qua đó, để  phát triển văn hóa đọc trong gia đình, dòng họ góp phần thúc đẩy văn hóa học tập cộng đồng trong thời đại công nghệ 4.0, đại diện của Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng: "Cần phải thực hiện nghiêm, đồng bộ, hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phát triển văn hóa đọc, xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời. Tiếp tục rà soát, nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật để khuyến khích thúc đẩy hoạt động, phong trào đọc chủ động, thường xuyên; Đẩy mạnh tuyên truyền, đa dạng hóa hình thức truyền thông trên nền tảng công nghệ số, nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy, tăng cường trách nhiệm của các cấp, các ngành và của người dân về vai trò của văn hóa đọc nói chung và phát triển văn hóa đọc trong gia đình.

Bên cạnh đó, khuyến khích xây dựng, phát huy tủ sách gia đình; xây dựng chính sách và cơ chế hoạt động hợp lý cho tủ sách dòng họ (như trao đổi sách giữa các thư viện dòng họ); thư viện cấp tỉnh tăng cường tập huấn, hướng dẫn, hỗ trợ cho những người quản lý tủ sách gia đình, tủ sách dòng họ để dần hình thành đội ngũ thủ thư chuyên nghiệp; tăng cường sự giúp đỡ, trao đổi kinh nghiệm từ các thư viện công cộng cấp trên với tủ sách dòng họ, tủ sách gia đình.

Đồng thời, tăng cường tổ chức hoạt động kết nối giữa thư viện, cơ sở giáo dục và các cơ quan liên quan để huy động sự tham gia của nhà trường, gia đình vào việc hình thành và duy trì thói quen đọc, phát huy mô hình tủ sách gia đình, dòng họ, với ông bà, bố mẹ là người khơi dậy, hướng dẫn trẻ đọc sách từ nhỏ và đọc sách cùng trẻ. Qua đó từng bước hình thành thói quen đọc, sở thích đọc và văn hóa đọc một cách tự nhiên, bền chặt./.

Thương Nguyễn


* Vụ Gia đình, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch thực hiện

NỔI BẬT TRANG CHỦ