Thúc đẩy thực hiện, hình thành văn hóa giải trình trong đời sống chính trị của đất nước
(Tổ Quốc) - ĐBQH Bùi Thị Quỳnh Thơ – Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế cho rằng, để nâng cao trách nhiệm giải trình của Chính phủ trước Quốc hội trong giám sát thi hành pháp luật, cần tiếp tục hoàn thiện các quy định về trách nhiệm giải trình. Trong đó, xác lập rõ những nguyên tắc, yêu cầu, nội dung của việc giải trình và thúc đẩy thực hiện, hình thành văn hóa giải trình trong đời sống chính trị của đất nước...
Hoạt động chất vấn, giải trình ngày càng đi vào thực chất
Theo ĐBQH Bùi Thị Quỳnh Thơ, trách nhiệm giải trình của Chính phủ trước Quốc hội trong giám sát thi hành pháp luật là một chế định mang tính phổ quát trong quản trị của các quốc gia phát triển và được coi là một trong những trụ cột trong công tác giám sát của Quốc hội với các cơ quan của Chính phủ. Qua đó, đại biểu Quốc hội và cử tri theo dõi kết quả thực hiện các nhiệm vụ quan trọng của các cơ quan hành pháp so với những quy định, kế hoạch triển khai hay những lời hứa, cam kết của những người đứng đầu ngành trong thực thi công vụ, góp phần phòng, chống tham nhũng hiệu quả.
Thời gian qua, hoạt động chất vấn, giải trình ngày càng đi vào thực chất hơn, nội dung chất vấn, yêu cầu giải trình tập trung vào nhóm những vấn đề bức xúc được đại biểu và cử tri quan tâm. Không khí chất vấn thẳng thắn, dân chủ, nghiêm túc, xây dựng, tăng tính đối thoại; việc thường xuyên ban hành nghị quyết sau chất vấn và yêu cầu báo cáo việc thực hiện tại các kỳ họp bước đầu tạo cơ chế ràng buộc trách nhiệm thực hiện cao hơn các cam kết của người trả lời chất vấn; hoạt động chất vấn có tác động lớn đến hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, nâng cao hơn trách nhiệm của người đứng đầu Chính phủ, bộ ngành trước nhân dân.
Các Bộ trưởng đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế, yếu kém, một số Bộ trưởng đưa ra những cam kết mạnh mẽ nhằm tạo sự chuyển biến thực sự trong các lĩnh vực mình quản lý như: Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải.
Sau các phiên chất vấn, giải trình, Chính phủ đã nghiêm túc tiếp thu, tập trung chỉ đạo sửa chữa, khắc phục một số vấn đề hạn chế được chỉ ra, có nhiều tiến bộ trong hoạch định chính sách, thực thi chính sách.
Nhiều bộ trưởng, trưởng ngành đã chủ động thông tin công khai những giải pháp đã triển khai để khắc phục thiếu sót, khuyết điểm, được cử tri chia sẻ, giải tỏa nhiều vấn đề bức xúc trong nhân dân. Việc gắn kết giữa xem xét các báo cáo về kinh tế - xã hội, báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri với hoạt động chất vấn đã mang lại nhiều hiệu ứng tích cực.
Tuy nhiên, theo nữ đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh, quy định về phiên giải trình cũng còn những bất cập nhất định, như: Quy định chưa rõ ràng, đầy đủ trách nhiệm của cơ quan, tố chức, cá nhân phải làm gì khi nhận được thông báo kế hoạch phiên giải trình; Quy định không thống nhất giữa một số khái niệm liên quan đến người giải trình, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến phiên giải trình.
Việc thực hiện trách nhiệm giải trình của Chính phủ trước Quốc hội nhiều khi mới dừng lại ở phương diện cung cấp thông tin và giải thích, còn vấn đề chịu trách nhiệm hay qua đó để có khả năng quy kết trách nhiệm của ai trong quá trình hoạch định chính sách và thực thi chính sách là chưa rõ ràng và chưa gắn với chế tài, hậu quả chính trị - pháp lý của chủ thể giải trình. Một số bộ trưởng vẫn còn trả lời chung chung, không đi thẳng vào vấn đề của đại biểu chất vấn và cử tri quan tâm, chưa rõ định hướng giải quyết.
Thúc đẩy thực hiện, hình thành văn hóa giải trình
Từ những phân tích nêu trên, ĐBQH Bùi Thị Quỳnh Thơ cho rằng, thúc đẩy hoàn thiện cơ sở chính trị-pháp lý cho việc thực hiện trách nhiệm giải trình trong đời sống chính trị-xã hội của đất nước có ý nghĩa quan trọng. Thực hiện trách nhiệm giải trình làm cho hiệu quả quản lý nhà nước, hiệu quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức được nâng cao, giúp phòng ngừa, kiểm soát các hiện tượng tham nhũng, tiêu cực.
Để nâng cao trách nhiệm giải trình của Chính phủ trước Quốc hội trong giám sát thi hành pháp luật, nữ đại biểu đề xuất một số giải pháp trọng tâm.
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện các quy định về trách nhiệm giải trình trong hoạt động của nhà nước. Xác lập rõ những nguyên tắc, yêu cầu, nội dung của việc giải trình của Chính phủ trước Quốc hội và thúc đẩy thực hiện, hình thành văn hóa giải trình trong đời sống chính trị của đất nước. Bên cạnh đó, hoàn thiện hơn các quy định về trách nhiệm giải trình trong Luật Phòng, chống tham nhũng và Nghị định số 59/2019/NĐ-CP về các nội dung như quy định cụ thể hơn về trách nhiệm thực hiện giải trình của các chủ thể, có trường hợp là người đứng đầu nhưng có trường hợp là người trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ, công vụ mà có yêu cầu giải trình; xác định rõ hơn các quyền và nghĩa vụ của các chủ thể có trách nhiệm giải trình;
Đồng thời, cũng cần quy định cụ thể trách nhiệm chính trị, pháp lý đối với người có nghĩa vụ giải trình trong trường hợp chậm giải trình, thực hiện không đúng, không đầy đủ các trách nhiệm của mình trong giải trình như không xem xét bình xét thi đua, không giới thiệu ứng cử, bổ nhiệm, hoặc kỷ luật về mặt hành chính,...; quy định trách nhiệm phối hợp trong việc giải trình các nội dung liên quan đến nhiều cơ quan; quy định về giám sát đối với việc thực hiện trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao;...
Thứ hai, theo đại biểu, đối với các phiên giải trình do các cơ quan của Quốc hội tổ chức, để bảo đảm tính khách quan, thống nhất trong tổ chức thực hiện các phiên giải trình, đồng thời cũng đảm bảo tính công khai, minh bạch, có căn cứ trong việc tiến hành, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội cần nghiên cứu bổ sung quy định về những yếu tố, tiêu chí về việc Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội tiến hành các phiên giải trình làm rõ trách nhiệm của các cơ quan của Chính phủ. Xem việc tổ chức các phiên giải trình là hoạt động thường xuyên của các cơ quan Quốc hội;
Cùng với đó là quy định về trình tự, thủ tục, phạm vi, những nội dung cơ bản, cách thức tiến hành, trách nhiệm của các bên và hậu quả pháp lý của hoạt động giải trình. Kế hoạch tổ chức, chủ đề, nội dung, thời gian, địa điểm, phạm vi vấn đề phải giải trình, cần được gửi trước cho người có trách nhiệm giải trình trong thời hạn luật định.
Đồng thời, quy định rõ, cụ thể trách nhiệm của cơ quan chịu sự giám sát trong hoạt động giải trình của Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội. Theo đó các báo cáo, thông tin mà các cơ quan có trách nhiệm giải trình cung cấp phải kịp thời, chính xác, trung thực, đầy đủ, toàn diện theo yêu cầu của cơ quan tiến hành giải trình, phải chịu trách nhiệm về những thông tin, báo cáo đó; trong trường hợp liên quan đến những hạn chế, thiếu sót, yếu kém, vi phạm thì cần phân tích làm rõ trách nhiệm, mức độ trách nhiệm, nguyên nhân chủ quan, khách quan và các giải pháp để khắc phục.
Về giải pháp thứ ba, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ cho rằng, trong phiên giải trình cần tăng cường đối thoại, phản biện, tranh luận, trao đổi mang tính hợp tác và xây dựng để làm rõ những vấn đề mà ĐBQH, cử tri quan tâm, làm rõ sự thật khách quan, làm rõ những vấn đề liên quan đến trách nhiệm của các ngành, những người đứng đầu các ngành phụ trách. Hướng tới việc đưa ra giải pháp khắc phục những hạn chế, thiếu sót, yếu kém, vi phạm hoặc hoàn thiện chính sách pháp luật để đáp ứng các vấn đề mà thực tiễn đặt ra.
Cũng theo nữ đại biểu, để hình thành và thực hành trách nhiệm giải trình một cách thành thục cần dựa trên một sự phát triển nhất định của nền công vụ, của quản trị nhà nước. Hay nói cách khác, “trách nhiệm giải trình” sẽ chỉ được áp dụng khi các điều kiện về nhận thức, quản lý được đáp ứng./.