Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh từng nói rằng, sự chủ động của doanh nghiệp là quan trọng hơn cả…Nếu khâu tổ chức không tốt thì khi hiệp định có hiệu lực, có nghĩa là ta đang lãng phí cơ hội.
Sự chủ động của doanh nghiệp quan trọng hơn cả
Nếu khâu tổ chức không tốt thì khi hiệp định có hiệu lực, có nghĩa là ta đang lãng phí cơ hội. Ảnh: Nam Nguyễn
Theo kế hoạch, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) sẽ được ký kết vào cuối năm nay. Trước đó, ngày 9/3/2018, lễ ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã diễn ra tại thủ đô Santiago de Chile.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, hiện có khoảng 42% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng mức thuế 0% theo Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GPS). Tuy nhiện, hiện Việt Nam là nước thu nhập trung bình và kim ngạch xuất khẩu sang EU đã đứng thứ hai ASEAN nên việc mất GSP có thể nhanh hơn dự tính. Nếu FTA Việt Nam – EU không có hiệu lực sớm, sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp Việt cạnh tranh ở EU.
Khi FTA Việt Nam – EU có hiệu lực, trên 99% hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu. Trong khi đó, với CPTPP, dù không có Mỹ tham gia nhưng đây vẫn là hiệp định có tác động toàn diện tới kinh tế Việt Nam.
Báo cáo nghiên cứu, đánh giá tác động của CPTPP đối với kinh tế Việt Nam do Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện cho thấy, với việc gia nhập của Việt Nam vào CPTPP, nhiều ngành kinh tế sẽ được hưởng lợi.
Cụ thể, mức tăng trưởng cao nhất về sản lượng dự tính sẽ thuộc về các ngành thực phẩm, đồ uống, thuốc lá; may mặc, hàng da; dệt may cùng với tăng trưởng vừa phải ở một số tiểu lĩnh vực sản xuất công nghiệp và dịch vụ.
Xuất khẩu tăng dự kiến sẽ đạt cao nhất ở các ngành thực phẩm, đồ uống, thuốc lá; may mặc, hàng da; hóa chất, sản phẩm da và nhựa; thiết bị, phương tiện vận tải; máy móc, thiết bị khác. Nhập khẩu dự kiến sẽ tăng ở tất cả các ngành.
Nghiên cứu của WB cũng cho thấy, các hiệp định FTA thường có xu hướng làm tăng xuất khẩu sang các nước thành viên ký kết hiệp định. Chẳng hạn, trong CPTPP, tính đến năm 2030, xuất khẩu sang các nước CPTPP sẽ tăng từ 54 lên 80 tỷ USD, chiếm 25% tổng lượng xuất khẩu. Xuất khẩu sang các nước thành viên CPTPP sẽ tăng ở các ngành thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, may mặc, hàng da và dệt may. Tính chung các ngành này sẽ tăng xuất khẩu lần lượt được 10,1, 6,9 và 0,5 tỷ USD.
Ngược lại, 23 ngành xuất khẩu của Việt Nam sẽ có mức giảm ròng lớn nhất sẽ là nông nghiệp, sản xuất công nghiệp khác, thiết bị điện…
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, việc ký kết các FTA luôn có những tác động nhiều chiều, có lợi ích thì cũng có cả thách thức. Tuy nhiên, sức ép cạnh tranh đến với Việt Nam là có chọn lọc và theo lộ trình phù hợp.
Doanh nghiệp phải áp dụng công nghệ 4.0
Chia sẻ với Báo Điện tử Tổ Quốc, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP May Hưng Yên cho cho biết, hội nhập là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường. Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội này thì yếu tố đầu tiên là giá cả sản phẩm phải cạnh tranh, yếu tố môi trường phải đáp ứng được yêu cầu…
"Đây là những thách thức lớn cho doanh nghiệp", ông Nguyễn Xuân Dương nói.
Cũng theo đại diện này, thời gian vừa qua các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là những doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bị tác động bởi các FTA đều đã có sự chuẩn bị dần. Để giảm chi phí, nhiều doanh nghiệp dệt may đã tìm cách áp dụng công nghệ 4.0, nhiều doanh nghiệp tìm cách làm trực tiếp với khách hàng, bỏ qua công đoạn môi giới.
"Đây là một trong những định hướng mà ngành dệt may đang hướng tới. Hiện có khoảng 30% các doanh nghiệp dệt may thương hiệu lớn, gồm: Việt Tiến, Nhà Bè… đang làm việc trực tiếp với khách hàng để giảm bớt chi phí, từ đó giá sản phẩm mới có thể cạnh tranh với các nước khác", ông Nguyễn Xuân Dương cho hay.
Một trong những công đoạn khá khó khăn mà ngành dệt may đang phải đối mặt là quy định của các FTA về nguồn gốc xuất xứ (CPTPP từ sợi, EVFTA từ vải…), trong khi dệt may Việt Nam nhập khẩu đến 80% nguyên phụ liệu. Vì vậy, cần phải thống nhất quy hoạch và cấp phép các KCN dệt may lớn để kêu gọi và thu hút đầu tư vào lĩnh vực dệt, nhuộm cũng như hỗ trợ đầu tư xử lý nước thải tại các KCN.
"Nhiều tỉnh không chấp nhận các dự án dệt vì sợ ô nhiễm. Hiện chỉ có Phố Nối là có một số dự án dệt nhưng quy mô còn nhỏ, chưa thu hút được đầu tư nên không áp dụng được công nghệ cao, vì thế công đoạn này còn khá gian nan. Ngay cả công ty chúng tôi hiện cũng đang phải nhập khẩu trên 40% số nguyên liệu từ Trung Quốc, các nguyên liệu cao cấp thì nhập từ Hàn Quốc, Nhật Bản…", ông Nguyễn Xuân Dương chia sẻ.
Với TS. Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, kể từ khi các FTA được khởi động đến thời điểm chuẩn bị ký kết thì các doanh nghiệp trong nước cũng đã có nhiều sự chuẩn bị. Hiện các doanh nghiệp vẫn đang tìm giải pháp để giải quyết các khó khăn khi các FTA chính thức có hiệu lực vào năm 2019.
"Thời gian đầu sẽ có những ngoại lệ. Ví như với EVFTA, nếu chúng ta nhập khẩu vải từ Hàn Quốc rồi về may và xuất khẩu sang EU thì vẫn hợp lệ do hiệp định có quy định xuất xứ là từ vải chứ không phải từ sợi như CPTPP...
Chắc chắn những doanh nghiệp ban đầu sẽ phải tận dụng lợi thế. Sau đó, sẽ dần dần tập trung để khắc phục các vấn đề. Đây là những vấn đề khó nên không thể làm ngay được", ông Trương Văn Cẩm cho hay.
Về vấn đề này, đại diện Hiệp hội Thủy sản Việt Nam – một trong những lĩnh vực bị tác động khá mạnh mẽ khi Việt Nam thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế - cho biết, các doanh nghiệp thủy sản đang hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất khép kín toàn diện, ổn định nguyên liệu đầu vào, cung cấp ra thị trường những sản phẩm tốt nhất, mang tính cạnh tranh cao và hướng đến 4 mục tiêu: an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, an sinh xã hội, và quyền lợi vật nuôi.
Để hiện thực điều này các doanh nghiệp tập trung đầu tư phát triển và áp dụng công nghệ kỹ thuật cao vào toàn bộ chuỗi giá trị của mình, nghiên cứu phát triển con giống kháng bệnh từ trại giống đến vùng nuôi; xây dựng vùng nuôi thông minh với công nghệ hiện đại; xây dựng nâng cấp nhà máy chế biến theo hướng tự động hoá, hướng đến tiêu chuẩn 4.0; Tích hợp mô hình quản trị hiện đại vào doanh nghiệp.
Như vậy, không còn lâu nữa Việt Nam sẽ phải thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế. Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh từng nói rằng: "Sự chủ động của doanh nghiệp là quan trọng hơn cả…Nếu khâu tổ chức không tốt thì khi hiệp định có hiệu lực, có nghĩa là ta đang lãng phí cơ hội"./.