(Tổ Quốc) - Từ ngày 1/7/2021, Hà Nội sẽ bắt đầu thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị. Với những điểm mới của Nghị định 32/2021/NĐ-CP của Chính phủ, việc thực hiện mô hình chính quyền đô thị sẽ phát huy vai trò chủ động, trách nhiệm, sáng tạo trong phục vụ người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Mô hình chính quyền đô thị ở Hà Nội khác với TP.HCM và Đà Nẵng
Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 32/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP. Hà Nội, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 100/KH-UBND ngày 12/4/2021 để triển khai thực hiện Nghị định này.
Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội khác với mô hình Chính quyền đô thị của TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Theo đó, Hà Nội không tổ chức HĐND cấp phường; Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh sẽ không tổ chức HĐND cấp quận. Đây là các địa phương thực hiện và thí điểm thực hiện mô hình chính quyền đô thị.
Mặc dù vậy, việc thí điểm hay thực hiện mô hình chính quyền đô thị tại 3 thành phố lớn này đều phải bảo đảm 5 quan điểm: Thứ nhất là bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện và đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy đảng.
Thứ hai là tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND, đẩy mạnh và phát huy được vai trò của HĐND, vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội liên quan đến công tác giám sát và phản biện, phát huy được quyền làm chủ của nhân dân.
Thứ ba là bảo đảm được sự chỉ đạo, quản lý tập trung thống nhất của UBND Thành phố, quận, thị xã theo ngành, lĩnh vực và theo địa bàn; nâng cao tính tự chủ của Thành phố trong quản lý và phát triển; tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phù hợp với đặc thù đô thị.
Thứ tư là đổi mới hoạt động của UBND phường, trước đây phường là một đơn vị hành chính bao gồm UBND và HĐND thì hiện tại chuyển sang mô hình UBND phường là cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn.
Thứ năm, mô hình chính quyền đô thị gắn với cải cách hành chính bởi hiện nay chúng ta đang trong quá trình xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, xã hội số; từ đó ứng dụng mạnh mẽ CNTT vào trong cải cách, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp.
Về nội dung căn bản mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn khẳng định, trong quá trình soạn thảo Nghị định số 32/2021/NĐ-CP, ban soạn thảo ghi nhận TP. Hà Nội, các sở, ngành, quận, huyện, thị xã thành phố đã tham gia đóng góp nhiều ý kiến bổ ích, trí tuệ, làm nên những điểm ưu việt của Nghị định 32/2021/NĐ-CP của Chính phủ về xây dựng chính quyền đô thị tại Hà Nội.
Những điểm mới nâng cao hiệu quả của chính quyền địa phương
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, việc tổ chức chính quyền đô thị để hướng đến mục tiêu tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực hiệu quả chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm đô thị ở Hà Nội. Cụ thể là cần quản lý theo ngành, lĩnh vực, theo địa bàn thống nhất, tập trung, xuyên suốt; phát huy hiệu quả việc công tác giám sát của các đoàn thể, MTTQ các cấp…
Khi tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội là đã thống nhất được về chế độ công vụ, công chức giữa UBND quận và UBND phường. Biên chế công chức làm việc tại UBND phường thuộc biên chế công chức của UBND quận, thị xã và do UBND quận, thị xã quản lý, sử dụng.
Cụ thể, công chức của UBND phường thì thuộc biên chế UBND quận và công chức phường có quyền và nghĩa vụ bình đẳng như công chức làm việc tại các đơn vị hành chính cấp huyện trở lên.
"Đây là điểm mới mang tính cải cách mạnh mẽ trong chế độ công vụ, công chức của mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội" - ông Trần Anh Tuấn khẳng định.
Bên cạnh đó, các chức danh chủ tịch, phó chủ tịch UBND phường theo mô hình này là công chức do Chủ tịch UBND quận xem xét, bổ nhiệm theo phân cấp và quy định của pháp luật. Theo quy định mới, căn cứ quy định của pháp luật về thẩm quyền và phân cấp, UBND TP. Hà Nội và Chủ tịch UBND quận, thị xã thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức làm việc tại UBND phường.
Theo ông Trần Anh Tuấn, tổ chức và hoạt động, chế độ trách nhiệm của UBND, Chủ tịch UBND phường cũng có nhiều điểm mới. Cụ thể, cơ cấu của UBND phường gồm: Chủ tịch phường, Phó Chủ tịch phường, Trưởng công an phường, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự… trong cơ cấu tổ chức của UBND phường cũng là sự tiến bộ, vượt qua trở ngại về tư duy cũ.
“Một trong những quan điểm quan trọng để tổ chức chính quyền đô thị ở Thủ đô là UBND phường được xác định là cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn, hoạt động theo nguyên tắc chế độ thủ trưởng, đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ; gắn với cải cách hành chính, hiện đại hóa nền hành chính”, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn phân tích.
UBND phường hoạt động theo chế độ thủ trưởng. Chủ tịch phường là người đứng đầu, có trách nhiệm lãnh đạo, quản lý, điều hành công việc của UBND phường theo quy chế làm việc của UBND phường, bảo đảm nguyên tắc tập trung, dân chủ và tuân thủ quy định của pháp luật.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ, một điểm rất mới chỉ có Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh được thực hiện, để giảm tải công việc và giải quyết nhanh, phục vụ người dân nhanh nhất, đó là, tại Nghị định 32/2021/NĐ-CP quy định, chủ tịch UBND phường được ủy quyền cho công chức tư pháp - hộ tịch thực hiện ký chứng thực và đóng dấu đối với chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp hoặc chứng nhận, chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản theo quy định của pháp luật.
Theo Thứ trưởng Trần Anh Tuấn, đây là một sáng kiến của TP. Hà Nội đề xuất và rất phù hợp với đặc điểm đô thị.
Một trong những điểm ưu việt của Nghị định số 32/2021/NĐ-CP là quy định: “Biên chế công chức bình quân làm việc tại UBND phường là 15 người. Số bình quân này được tính trên tổng số phường của một quận, thị xã. Bên cạnh đó là quy định phân cấp: “Chủ tịch UBND quận, thị xã thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức làm việc tại UBND phường”.
Theo Thứ trưởng Trần Anh Tuấn, mặc dù tính bình quân là 15 biên chế nhưng mỗi phường không nhất thiết có số lượng biên chế như nhau; có thể tăng thêm, giảm đi ở mỗi phường nhưng không vượt quá con số 15. Đây là điểm rất mới của Nghị định.
Thứ trưởng Trần Anh Tuấn nhấn mạnh: “Những điểm mới trong việc thực hiện mô hình chính quyền đô thị sẽ giúp cho Hà Nội giải phóng được các nguồn lực, phát huy vai trò chủ động, trách nhiệm, sáng tạo của các địa phương trong quá trình phục vụ người dân một cách tốt nhất, đáp ứng sự hài lòng của người dân, thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội tại các đô thị”./.