• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thực hiện nếp sống văn minh tham gia lễ hội có chuyển biến tích cực

Văn hoá 25/07/2017 09:47

(Tổ Quốc) - Một số địa phương đã vận động, thuyết phục cộng đồng bãi bỏ các tập tục mang tính bạo lực, phản cảm trong các lễ hội. Ý thức thực hiện nếp sống văn minh khi tham gia lễ hội của nhân dân đã có chuyển biến tích cực.

Đây là nhận định của Bộ VHTTDL trong lĩnh vực quản lý lễ hội tại Hội nghị Sơ kết công tác của Bộ trong 6 tháng đầu năm 2017.

Theo báo cáo của Cục Văn hóa cơ sở, nhìn chung, hoạt động lễ hội trên địa bàn cả nước diễn ra trang trọng, an toàn, tiết kiệm; Các tập tục mang yếu tố bạo lực, phản cảm trong lễ hội đã có sự chuyển biến rõ rệt so với mùa lễ hội trước; Công tác quản lý và tổ chức lễ hội nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của chính quyền địa phương, các ngành, các cấp; Vai trò chủ thể lễ hội của cộng đồng ngày càng được phát huy; Công tác an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường và hoạt động kinh doanh hàng hóa trong lễ hội được đảm bảo; Ý thức thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội của nhân dân và du khách khi tham gia lễ hội được nâng lên.

Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm của Bộ VHTTDL (ảnh Nam Nguyễn)

Tuy nhiên, vẫn đề hoàn thiện các văn bản quản lý Nhà nước về lĩnh vực này vẫn luôn được đặt ra. Để nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về hoạt động lễ hội, Cục Văn hóa cơ sở đã đưa ra một số giải pháp như: Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội. Trong nội dung nghị định sẽ quy định về: Phân định trách nhiệm của các Bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Cấp phép một số loại hình lễ hội và Thẩm quyền cấp phép.

Đối với các hội, lễ hội chọi trâu và các lễ hội có hình thức tương tự Cục Văn hóa cơ sở đã dự thảo kế hoạch triển khai các biện pháp quản lý và phân công nhiệm vụ cho các đơn vị của Bộ.

Theo bà Ninh Thị Thu Hương, Quyền Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, trong thời gian tới, Cục sẽ trình Lãnh đạo Bộ ban hành văn bản chỉ đạo địa phương nghiêm túc thực hiện các văn bản chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thông tư số 15 năm 2015 của Bộ quy định về tổ chức lễ hội. Đồng thời, tăng cường trách nhiệm tuyên truyền, vận động nhân dân nghiêm túc thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội; Chuẩn bị nội dung buổi làm việc giữa Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng tại Hà Nội để xem xét cụ thể việc tổ chức Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn.

Việc phối hợp với các đơn vị trong Bộ để cùng quản lý lễ hội hiệu quả cũng được Cục Văn hóa cơ sở đề xuất rõ. Trong đó, Cục Di sản văn hóa sẽ rà soát quy trình thực hành Di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn; Kiểm tra việc thực hiện các biện pháp bảo vệ đã được cam kết tại Hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nếu các biện pháp không thực hiện theo cam kết, Cục Di sản văn hóa và Hội đồng thẩm định sẽ nghiên cứu, tham mưu Bộ trưởng xem xét khả năng đưa Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn ra khỏi Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện yêu cầu Cục Văn hóa cơ sở phối hợp với các đơn vị của Bộ và địa phương tổ chức hội thảo lấy ý kiến về Lễ hội chọi trâu (ảnh Nam Nguyễn)

Cục Văn hóa cơ sở đề nghị Thanh tra Bộ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý, tổ chức các lễ hội, đặc biệt các lễ hội không có cơ sở để khẳng định là lễ hội dân gian truyền thống; có nội dung kích động bạo lực, phản cảm; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định

Thanh tra Bộ cũng sẽ phối hợp với Cục Di sản văn hóa kiểm tra việc thực hiện các biện pháp bảo vệ đã được cam kết tại Hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam chủ trì phối hợp với Cục Văn hóa cơ sở, Cục Di sản văn hóa, Thanh tra Bộ tổ chức Tọa đàm lấy ý kiến các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử; cơ quan quản lý và người dân về tổ chức Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn để tìm ra giải pháp phù hợp.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhận định: Mùa lễ hội đã xong không phải là để chúng ta “nghỉ ngơi” mà phải vào cuộc chuẩn bị cho một mùa lễ hội mới. Vấn đề quản lý nhà nước không chỉ giải quyết các sự vụ mà phải làm như thế nào để quản lý bài bản, đưa lễ hội về đúng bản chất của lễ hội truyền thống, không thương mại hóa.

Đối với lễ hội chọi trâu, Bộ trưởng yêu cầu Cục Văn hóa cơ sở phải phối hợp với các đơn vị của Bộ và địa phương tổ chức hội thảo, hội nghị để lấy ý kiến các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, nhân dân và tham mưu cho Bộ trong công tác quản lý Nhà nước./.

Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ