• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thực hiện nghiêm các văn bản của Đảng và Nhà nước về công tác quản lý và tổ chức lễ hội

Văn hoá 16/02/2019 07:32

(Tổ Quốc) - Đây là chỉ đạo của UBND tỉnh Phú Yên tại Văn bản số 785/UBND-KGVX về việc tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2019.

Thực hiện nghiêm các văn bản của Đảng và Nhà nước về công tác quản lý và tổ chức lễ hội - Ảnh 1.

Lễ hội Cầu Ngư ở Phú Yên. Ảnh: Báo Phú Yên

Theo đó, để triển khai tốt Công văn số 323/BVHTTDL-VHCS của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) về việc tăng cường chỉ đạo công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2019, UBND tỉnh Phú Yên yêu cầu Sở VHTTDL, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nghiêm các văn bản của Đảng, Nhà nước về công tác quản lý và tổ chức lễ hội, đặc biệt là Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 28/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; Công điện số 1793/CĐ-TTg ngày 13/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và lễ hội Xuân 2019; Công văn số 5709/CV-BTGTW ngày 25/12/2018 của Ban Tuyên giáo Trung ương về việc chỉ đạo hoạt động văn hóa – văn nghệ Xuân Kỷ Hợi 2019 và Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chỉnh phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội.

Bên cạnh đó, thực hiện quản lý nhà nước về lễ hội theo đúng quy định tại Điều 20 Nghị định số 110/2018/NĐ-CP của Chính phủ và phân công trách nhiệm, cơ chế phối hợp quản lý nhà nước đối với sở, ban, ngành trong công tác tổ chức lễ hội trên địa bàn, đảm bảo được tiến hành trang trọng, đúng nghi lễ truyền thống.

Không lợi dụng việc tổ chức lễ hội nhằm mục đích trục lợi các nhân, phục vụ lợi ích nhóm; không ép buộc tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp kinh phí tổ chức lễ hội; không thực hiện nghi lễ có tính bạo lực, phản cảm, trái với truyền thống yêu hòa bình, nhân đạo của dân tộc Việt Nam; loại bỏ hoặc thay thế những tập tục không còn phù hợp với xu thế hội nhập và phát triển.

Ngoài ra, thực hiện kiểm kê, phân loại lễ hội, lập Hồ sơ khoa học di sản văn hóa lễ hội; xây dựng đề án, đề tài nghiên cứu khoa học nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của lễ hội. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu mục đích, ý nghĩa, giá trị của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; bảo tồn có chọn lọc những phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc theo xu hướng lành mạnh, tiến bộ, tiết kiệm, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân.

Đồng thời, rà soát, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất của các di tích, cơ sở thờ tự, đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân khi thực hành tín ngưỡng và tham gia lễ hội; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, kích động bạo lực và các hành vi vi phạm luật khác.

Đặc biệt, thực hiện yêu cầu về việc tạm ngừng tổ chức lễ hội theo quy định tại Điều 8, Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội.

Kế thừa và phát huy những tinh hoa của vùng đất giàu truyền thống, Phú Yên ngày nay là một trong những địa phương có nhiều lễ hội độc đáo. Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Phú Yên hiện có trên 50 lễ hội. Nhiều lễ hội đã trở thành nếp sinh hoạt văn hóa cộng đồng, được người dân đồng tình ủng hộ.

Lan Anh

NỔI BẬT TRANG CHỦ