• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thực hiện quy chế "chép tranh" vẫn xa vời

13/09/2006 09:14

Tranh mất giá và mất tín nhiệm, tranh nguyên bản và tác giả không được coi trọng do chìm nghỉm giữa đống tranh sao chép. Nỗ lực giải toả vấn nạn tranh giả lũng đoạn của Bộ VHTT và Vụ Mỹ thuật - Nhiếp ảnh được hiện thực hoá bằng Quy chế sao chép tác phẩm tạo hình. Cho đến nay đã hơn 2 năm Quy chế được ban hành nhưng việc thực hiện vẫn còn xa vời.

Tranh mất giá và mất tín nhiệm, tranh nguyên bản và tác giả không được coi trọng do chìm nghỉm giữa đống tranh sao chép. Nỗ lực giải toả vấn nạn tranh giả lũng đoạn của Bộ VHTT và Vụ Mỹ thuật - Nhiếp ảnh được hiện thực hoá bằng Quy chế sao chép tác phẩm tạo hình. Cho đến nay đã hơn 2 năm Quy chế được ban hành nhưng việc thực hiện vẫn còn xa vời.

Chép vẫn chép...

Thị trường mỹ thuật Việt Nam đã qua thời kỳ sôi động, hoạt động sao chép tranh và nhu cầu về tranh chép đã bão hoà nên khác với dự đoán, việc ban hành quy chế của Bộ VHTT và Vụ Mỹ thuật - Nhiếp ảnh không tạo được nhiều sự quan tâm. Gần như 100% các chủ cửa hàng có kinh doanh tranh chép không hề biết đến sự tồn tại của quy chế này. Họ nhận bán tranh chép để hưởng hoa hồng và kiếm lợi từ chênh lệch giá sàn của những sinh viên mỹ thuật tập toẹ vào nghề, những hoạ sỹ gắn bó với thể loại tranh chép ký gửi. Với họ, không tồn tại vai trò của tác giả nguyên bản, sự đồng ý hay không của tác giả với họ không hề có ý nghĩa. Khi được biết sơ qua về một số quy định của Quy chế, ông chủ một cửa hàng kinh doanh tranh chép trên phố Nguyễn Thái Học đã thẳng thừng: "Nếu những "rắc rối" đó buộc người buôn bán phải san sẻ trách nhiệm với hoạ sỹ sao chép thì mặt hàng này sẽ không được kinh doanh nữa, vì thực ra, hiện nay nó đang ế ẩm, lại cồng kềnh tốn diện tích so với kinh doanh các mặt hàng khác".

Qua khảo sát gần 120 cửa hàng tại Hà Nội cho thấy, việc vi phạm Quy chế diễn ra ở hầu khắp. Những bức tranh giá trị của lịch sử mỹ thuật Việt Nam như: "Thiếu nữ bên hoa huệ" (Tô Ngọc Vân), "Em Thuý" (Trần Văn Cẩn), "Chơi ô ăn quan" (Nguyễn Phan Chánh), "Thiếu nữ và hoa sen" (Nguyễn Sáng), tranh phố cổ Hà Nội của Bùi Xuân Phái, tranh con giống của Nguyễn Tư Nghiêm... xuất hiện nhan nhản. Trong số đó, trừ tranh của cố hoạ sỹ Tô Ngọc Vân không còn nằm trong thời gian bảo hộ 50 năm sau khi tác giả qua đời, còn lại việc sao chép tác phẩm của các tác giả khác đều vi phạm bản quyền theo quy định của Quy chế.

Chép hay "nhái"?

Tranh đương đại cũng bị sao chép rất ngang nhiên. Chúng được chép theo lối nhái từ tác phẩm đơn lẻ đến phong cách tác giả. Các hoạ sỹ sao chép vốn thành thục công việc này sẽ thay đổi một chút về tông màu, bố cực... thế là ra đời một bức tranh mới để có thể mạnh dạn ký tên mình và chẳng sợ bị tác giả làm phiền. Công nghệ này mới đầu xuất hiện từ tai nạn nghề nghiệp "tam sao thất bản", sau đắc dụng đến nỗi có hoạ sỹ sao chép tuyên bố rành rọt thành phương châm hành nghề: "Bây giờ thích nhất là sao chép tranh đương đại, vì dễ do ít chi tiết, không cần dụng công, dụng kỹ thuật, nếu sai khác càng tốt vì chất lượng thì vẫn thế thôi mà lại đỡ mang tiếng ăn cắp thành quả sáng tạo!". Nghe kể chuyện này, một hoạ sỹ chuyên nghiệp sống bằng nghề sáng tác tranh nói: "Ngày trước nhìn thấy ai đó nhái, chép tranh mình trong lòng ấm ức lắm, đến bây giờ thấy thế thì buồn. Mình là chính chủ còn chẳng bán được, đâm ra thương những cây dây leo. Còn nếu họ đắt khách thì có lẽ mình sẽ học tập họ, vẽ tranh theo phong cách của mình nhưng đề tên khác cho ra tranh chép nhái để bán. Biết đâu đấy!".

Những bất cập khi thực thi

Với những hoạ sỹ sống bằng nghề chép tranh nghiêm túc cũng chẳng dễ để thực hiện những quy định trong Quy chế. Công chép một bức tranh trung bình chỉ đạt từ 100.000 - 200.000 đồng cho 2 đến 3 ngày miệt mài. Với số tiền công hẹp hòi như vậy, không ai nghĩ đến chuyện phải xin phép tác giả. Ða số hoạ sỹ Việt Nam chưa quen với cách thức làm việc chuyên nghiệp đó. Nếu tranh của họ bị sao chép, đa phần họ sẽ "ngậm bồ hòn làm ngọt".
Sự ra đời của Quy chế là bước đột phá cần thiết để tăng cường hiệu lực quản lý và hành lang pháp lý cho hoạt động sao chép tác phẩm tạo hình trở nên chuyên nghiệp, làm trong sạch thị trường mỹ thuật. Sau hai năm thực hiện, những điều xa rời thực tế của Quy chế cần được điều chỉnh phù hợp và hơn hết là sự gia tăng chế tài xử phạt nghiêm khắc với những vi phạm thường xuyên và trắng trợn. Hội Mỹ thuật Việt Nam nên tăng cường giám sát, đấu tranh, bảo vệ quyền lợi của các hội viên. Ðã đến lúc Hội cần xúc tiến thành lập Trung tâm bản quyền tác giả.

Sau một thời gian thực hiện Quy chế sao chép tác phẩm tạo hình là cơ hội để chúng ta đánh giá những việc đã làm được và cần làm tiếp tục. Những ước vọng có thành hiện thực trong tương lai cho thị trường mỹ thuật Việt Nam hay không, đang trông chờ vào những hành động kiên quyết hôm nay.

(Theo KTĐT)

NỔI BẬT TRANG CHỦ