Thực hiện tốt hai Quy hoạch chuyên ngành quốc gia về Văn hóa-Thể thao-Du lịch để biến khát vọng, tầm nhìn thành hiện thực
(Tổ Quốc) - Sáng 18/10, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao; Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến tại trụ sở Bộ VHTTDL và các điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương và Hồ An Phong đồng chủ trì Hội nghị.
Dự Hội nghị có Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thị Mai cùng đại diện Văn phòng Chính phủ, các ban, bộ, ngành; lãnh đạo các Cục, Vụ, đơn vị chức năng, các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp thuộc Bộ VHTTDL; đại diện lãnh đạo một số liên đoàn, hiệp hội, các tổ chức kinh tế. Tại điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có sự tham dự của lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố; lãnh đạo các Sở VHTTDL, Sở VHTT, Sở Du lịch; lãnh đạo các sở, ban, ngành…
Phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao quốc gia trở thành thương hiệu
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương đã Công bố nội dung Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cho biết, Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 gồm 6 nội dung: phạm vi và đối tượng quy hoạch; quan điểm và mục tiêu; phương hướng phát triển mạng lưới văn hóa và thể thao; danh mục dự án ưu tiên đầu tư; giải pháp thực hiện quy hoạch và tổ chức thực hiện.
Quy hoạch có mục tiêu phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa quốc gia đồng bộ, hiện đại, bản sắc, hướng đến xây dựng hình ảnh quốc gia gắn với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại, đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định và nhu cầu thực tiễn; bảo đảm công bằng trong tham gia, hưởng thụ của nhân dân các vùng, khu vực trong cả nước; bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc; bảo đảm liên kết vùng và liên kết với các kết cấu hạ tầng khác trong phạm vi lãnh thổ.
Phát triển mạng lưới TDTT quốc gia, trong đó tập trung phát triển các mạng lưới trung tâm đào tạo, huấn luyện vận động viên thể thao; trung tâm hoạt động thể thao; cơ sở nghiên cứu, đào tạo thể dục, thể thao; cơ sở dịch vụ thể thao và chữa trị chấn thương, phục hồi chức năng vận động viên; phát triển các trụ sở cơ quan văn hóa, thể thao.
Quy hoạch cũng chỉ rõ, đến năm 2045, mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao quốc gia phát triển cân đối, phân bố không gian hợp lý, trở thành thương hiệu, đại diện cho nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc; hình thành những công trình mang đậm bản sắc văn hóa, có tính biểu tượng cho Việt Nam hội nhập trong thế kỷ XXI, trở thành những dấu ấn lịch sử và di sản dành cho tương lai.
Hình thành các trung tâm về văn hóa, thể thao trọng điểm gắn với 10 đô thị quan trọng của quốc gia và vùng như Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ…; tạo lập sự liên kết chặt chẽ giữa các cấp; đăng cai tổ chức thành công Đại hội thể thao Châu Á.
Việt Nam trở thành điểm đến có năng lực phát triển hàng đầu thế giới vào năm 2030
Về Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cho hay, Quy hoạch gồm 7 nội dung chính: phạm vi quy hoạch; quan điểm phát triển; mục tiêu; định hướng phát triển; danh mục dự án ưu tiên đầu tư; giải pháp thực hiện quy hoạch và tổ chức thực hiện.
Quy hoạch được xây dựng theo quan điểm phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chuyên nghiệp, hiện đại và đi vào chiều sâu; chiếm tỉ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GDP, tạo động lực thúc đẩy các ngành và lĩnh vực khác; góp phần quan trọng hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại.
Phát triển du lịch quốc tế đồng thời với tăng cường khai thác có hiệu quả du lịch nội địa; phát triển du lịch trên cơ sở khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế quốc gia, phát huy yếu tố con người, lấy giá trị văn hóa Việt Nam làm nền tảng; gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc. Phát triển du lịch gắn với chuyển đổi số, tận dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh…
Cũng theo Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương, Quy hoạch đặt mục tiêu tổng quát đến năm 2025, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, có năng lực phát triển du lịch cao trên thế giới. Đến năm 2030, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh; trở thành điểm đến có năng lực phát triển hàng đầu thế giới.
Tầm nhìn đến năm 2045, ngành du lịch Việt Nam sẽ khẳng định vai trò động lực của nền kinh tế. Việt Nam trở thành điểm đến nổi bật toàn cầu, trong nhóm quốc gia phát triển du lịch hàng đầu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Cơ sở pháp lý quan trọng để địa phương chuẩn hóa thiết chế văn hóa, thể thao và du lịch
Là đại diện địa phương và cũng là đại biểu đầu tiên tham luận tại Hội nghị, ông Đỗ Đình Hồng - Giám đốc Sở VHTT Hà Nội cho biết, 2 Quy hoạch được ban hành cùng với Luật Thủ đô có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với Hà Nội trong thực hiện phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là cơ hội để Hà Nội phát triển mạnh mẽ sự nghiệp văn hóa, thể thao, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, xây dựng Hà Nội thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước, trở thành nguồn lực phát triển mới cho Thủ đô.
Còn theo ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở VHTT TP.HCM kiến nghị, TP.HCM là trung tâm văn hóa lớn của cả nước, tuy nhiên sự phát triển của các công trình văn hóa và thể thao còn rất hạn chế. Vì vậy cần huy động sức mạnh, đẩy mạnh xã hội hóa nhằm phát huy các nguồn lực phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với điều kiện thực tiễn, theo từng địa bàn và giai đoạn.
Hội nghị đã nghe các tham luận, ý kiến từ lãnh đạo Sở VHTTDL, Sở VHTT các địa phương
Ông Phạm Tấn Xử, Giám đốc Sở VHTT Đà Nẵng nhấn mạnh giải pháp ưu tiên, lựa chọn bố trí đất đầu tư, xây dựng thiết chế văn hóa thể thao ở vị trí, địa điểm phù hợp, thuận lợi trong hoạt động vui chơi giải trí của nhân dân. Đối với các địa điểm thay đổi mục đích sử dụng thì bố trí địa điểm thay thế.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S cho rằng, hai Quy hoạch có thể được xem là cơ sở pháp lý quan trọng để Tỉnh uỷ, UBND tỉnh ban hành các Nghị quyết, Quyết định, văn bản chỉ đạo, xây dựng các đề án, dự án, kế hoạch dài hạn, ngắn hạn, tạo hành lang pháp lý trong việc phát triển chuẩn hóa thiết chế văn hóa, thể thao và du lịch, cả về cơ sở vật chất và tổ chức hoạt động.
Phát biểu tại Hội nghị, bà Trần Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc Sở VHTT Nghệ An nhận định, Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã định hướng rõ cho phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa đồng bộ, hiện đại, phù hợp với xu thế thời đại. Thời gian tới, tỉnh Nghệ An sẽ bám sát Quy hoạch để xây dựng, phát triển hệ thống thiết chế văn hóa và thể thao từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở, đảm bảo phù hợp Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bố trí các nguồn lực bảo đảm trọng tâm, trọng điểm
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nêu nhiều ý kiến tâm huyết và trách nhiệm nhằm đề xuất các giải pháp hiện thực hóa mục tiêu trong hai Quy hoạch. Theo Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương, nhằm đạt được các mục tiêu đồng bộ, hiện đại, bản sắc như Quy hoạch đề ra, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Đặc biệt, bố trí các nguồn lực cho phát triển văn hóa, thể thao bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, theo lộ trình, mục tiêu được xác định cụ thể thông qua các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình mục tiêu, các dự án, đề án...
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách nhằm thu hút, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội hóa đối với thiết chế văn hóa, thể thao các cấp; chế độ ưu đãi, đào tạo hạt nhân năng khiếu về văn hóa, nghệ thuật, TDTT. Đồng thời, bố trí quỹ đất để đầu tư xây dựng, hoàn thiện, sửa chữa, nâng cấp thiết chế văn hóa, thể thao các cấp; đầu tư, mua sắm, trang thiết bị, cơ sở vật chất, phương tiện chuyên dùng; đảm bảo kinh phí hoạt động nghiệp vụ theo chức năng, nhiệm vụ đối với thiết chế văn hóa, thể thao; rà soát, đánh giá quy hoạch hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao các cấp để điều chỉnh theo quy định về vị trí, quy mô và cơ sở vật chất kỹ thuật đáp ứng nhu cầu của nhân dân…
Lãnh đạo Cục Văn hóa cơ sở, Cục Thể dục thể thao, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam tham luận tại Hội nghị
Từ góc độ thể thao, theo ông Đặng Hà Việt, Cục trưởng Cục TDTT, đối với quy hoạch mạng lưới trung tâm đào tạo và huấn luyện thể thao, đây là hệ thống đào tạo nhiều năm, nhiều giai đoạn và có trách nhiệm từ trung ương đến địa phương. Ngoài 4 trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia (Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và Cần Thơ) là các trung tâm huấn luyện thể thao vệ tinh đặt tại các địa phương thì cần phối hợp để xây dựng mạng lưới tổng thể trong công tác tuyển chọn, đào tạo VĐV để hướng tới đạt thành tích tại đấu trường châu lục và thế giới. Đối với mạng lưới trung tâm hoạt động thể thao, bao gồm 3 khu liên hợp thể thao quốc gia, mục tiêu để tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao tầm cỡ quốc tế, chẳng hạn như SEA Games, Asiad.
Ông Đặng Hà Việt cho rằng, muốn tổ chức SEA Games hay Asiad thì số lượng môn thi đấu khoảng tầm 40 môn, các khu liên hợp thể thao quốc gia chỉ đáp ứng chừng 20 môn, 20 môn còn lại hoặc hơn nữa thì các nhà thi đấu hoặc khu liên hợp thể thao địa phương đáp ứng. Không thể nào dồn hết vào các khu liên hợp thể thao quốc gia.
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam nhấn mạnh, với nhiều điểm mới, có thể khẳng định, Quy hoạch hệ thống du lịch du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được thực hiện trong mối quan hệ chặt chẽ với Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và các ngành liên quan khác như giao thông, xây dựng, biển đảo..., nhất là Quy hoạch tổng thể quốc gia.
Quy hoạch đã cơ bản giải quyết được các nhu cầu thực tiễn, đáp ứng được các yêu cầu nhiệm vụ trước mắt, lâu dài; khắc phục được những tồn tại, bất cập, bảo đảm phát huy lợi thế quốc gia, tiềm năng, thế mạnh du lịch của từng vùng, từng địa phương.
Biến khát vọng, tầm nhìn thành hiện thực
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong cho biết, sau Hội nghị công bố này Bộ VHTTDL sẽ chuẩn bị nội dung trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện 2 Quy hoạch trên. Hiện nay, Bộ VHTTDL đã gửi nội dung dự thảo tới các ban, bộ, ngành trung ương và địa phương, lấy ý kiến hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ.
"Kế hoạch nhằm triển khai hiệu quả hai Quy hoạch chuyên ngành quốc gia về văn hóa, thể thao và du lịch; xây dựng lộ trình tổ chức triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án, dự án nhằm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ quy hoạch đã đề ra. Đồng thời, cụ thể hóa các nhiệm vụ, chính sách, giải pháp gắn với trách nhiệm của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương trong việc tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch, phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung của các quy hoạch đã được phê duyệt" - Thứ trưởng Hồ An Phong nêu rõ.
Thứ trưởng cho biết thêm, tại Hội nghị đã có 9 ý kiến được chuẩn bị công phu, tham luận sâu sắc và trách nhiệm, không chỉ nêu lên nhận thức và quán triệt các nội dung trong Quy hoạch mà còn gợi mở, đề xuất nhiều giải pháp quan trọng, phục vụ cho các bước đi tiếp theo. Nhiều ý kiến đã gợi mở để triển khai có hiệu quả nội dung các Quy hoạch phù hợp với tình hình thực tế, với từng địa phương, vùng miền, theo từng lĩnh vực.
Thứ trưởng khẳng định, Bộ VHTTDL trân trọng tiếp thu các ý kiến, tham luận và giao cơ quan chủ trì lập Quy hoạch tiếp thu đầy đủ những nội dung đã góp ý. Để thực hiện tốt nội dung quy hoạch, biến khát vọng, tầm nhìn thành hiện thực, Bộ VHTTDL đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ cơ bản: đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các nội dung cốt lõi của Quy hoạch đến các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp nhằm tạo thống nhất về nhận thức và hành động, nâng cao hiệu quả trong việc thực hiện Quy hoạch.
"Trên cơ sở nội dung quy hoạch, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị phối hợp triển khai kế hoạch thực hiện, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ; người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm của địa phương, đơn vị để tập trung chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện, tăng cường tính chủ động, trách nhiệm, làm tốt công tác quản lý quy hoạch, vừa đảm bảo quy hoạch được triển khai trong thực tế, vừa phát huy tối đa nguồn lực thực hiện", Thứ trưởng Hồ An Phong nhấn mạnh.
Lấy dẫn chứng từ việc Hà Nội xác định nguồn lực với 6 yếu tố: con người, tài nguyên và dân số, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao và du lịch; vị thế; thể chế; thời cơ, Thứ trưởng Hồ An Phong cho rằng, nhận thức về nguồn lực để triển khai và hiện thực hóa các mục tiêu có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ ở quy mô quốc gia mà còn đối với từng địa phương.
Lãnh đạo Bộ VHTTDL cũng đề nghị các địa phương chủ động nghiên cứu, đề nghị sửa đổi các chủ trương, chính sách, quy định đã ban hành cho phù hợp với quy hoạch; đề xuất ban hành mới các cơ chế chính sách phát triển văn hóa, thể thao và du lịch từng thời kỳ, tạo động lực mới cho sự phát triển. Đồng thời, nghiên cứu, đánh giá mức độ thiết yếu, xác định thứ tự ưu tiên đầu tư các công trình, dự án quan trọng phục vụ phát triển văn hóa, thể thao và du lịch theo đúng định hướng quy hoạch đã được phê duyệt; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, có hiệu quả thiết thực.
"Cùng với đó là chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển ngành. Tăng cường bảo vệ môi trường, ứng dụng khoa học công nghệ để khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả cơ sở vật chất và các nguồn lực văn hóa, thể thao và du lịch" - Thứ trưởng nhấn mạnh./.