(Tổ Quốc) - Công ty cổ phần Tập đoàn Asanzo tổ chức họp báo để công bố các kết luận thanh, kiểm tra. Tuy nhiên, phần lớn các tài liệu này đã được báo chí đăng tải một tháng trước đây.
Sáng 17-9, Tập đoàn Asanzo tổ chức họp báo công bố kết luận thanh tra, kiểm tra Asanzo, với tiêu đề "Asanzo được minh oan".
Mở đầu buổi họp, ông Phạm Văn Tam, Chủ tịch Asanzo, cho biết từ ngày 17-9, Asanzo hoạt động trở lại bình thường để phục vụ người tiêu dùng Việt Nam. Chủ tịch HĐQT Asanzo nói công ty thiệt hại khoảng 1.000 tỉ đồng vì nghi án "giả xuất xứ". Trong khoảng ba tháng qua, doanh nghiệp này tiếp hơn 100 cán bộ kiểm tra, thanh tra của các cơ quan, ban, ngành.
"89 ngày chờ đợi kết luận thanh tra, kiểm tra đã đưa những gì tôi gây dựng trong 20 năm về con số 0. Nhưng may mắn là chúng tôi vẫn trụ được đến hôm nay, và dù khó khăn, thiệt hại lớn như vậy nhưng chưa có cổ đông, ngân hàng nào công bố Asanzo nợ và đòi tiền", ông Tam nói.
Tiếp đến, giống như các lần đăng đàn trước đó, vị chủ tịch Asanzo tiếp tục nói về hành trình vượt khó, tâm huyết của bản thân và tập thể Asanzo.
Ông Phạm Văn Tam chủ trì buổi họp báo.
Tại cuộc họp, Asanzo đã công bố hàng loạt văn bản như Tổng cục Hải quan trả lời thư kêu cứu của Asanzo; báo cáo kết quả làm việc, xác minh thông tin liên quan Asanzo của Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương); văn bản báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) gửi Thủ tướng; kết luận của tổ xác minh thuộc VCCI.
Tuy vậy, đa số các văn bản này đã được cơ quan báo chí đăng tải từ trong một tháng qua. Đặc biệt, tại cuộc họp báo này, bản kết luận thanh tra, kiểm tra do Bộ Tài chính chủ trì (theo chỉ đạo của Thủ tướng) lại chưa xuất hiện.
Tại cuộc họp, nhiều phóng viên đã chất vấn đại diện Asanzo về các băn khoăn liên quan đến nội dung thanh, kiểm tra. Phóng viên báo Thanh Niên hỏi: Vào tháng 6-2019, Văn phòng Chính phủ ra thông báo yêu cầu Bộ Tài chính với tư cách là cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo 389 chủ trì phối hợp Bộ Công Thương, Bộ Công an để đưa ra kết luận vụ việc. Hiện chúng tôi chưa biết rõ tiến trình và kết quả thế nào. Đến nay các cơ quan chức năng chưa công bố kết luận nhưng Asanzo lại tổ chức họp báo công bố?
Ông Trần Đức Hoàng (luật sư, đại diện cho Asanzo) khẳng định bản thân anh Phạm Văn Tam rất nóng ruột để được tiếp xúc kết luận của Bộ Tài chính và các cơ quan khác. Chủ tịch công ty ba lần đích thân đến Bộ Tài chính xếp hàng như một công dân xin gặp cơ quan Nhà nước để được tiếp cận và giải trình.
Nhiều cơ quan báo chí muốn đặt câu hỏi nhưng Asanzo thông báo hết giờ.
"Hiện tại, chúng tôi thấy rằng các cơ quan Nhà nước chưa ban hành kết luận nào nói Asanzo vi phạm. Có thể cơ quan Nhà nước sẽ công bố sau, nhưng anh Tam muốn công bố sớm để quay trở lại sản xuất, kinh doanh…"- ông Hoàng nói.
Ông Hoàng cũng khẳng định với các phóng viên những gì Asanzo cung cấp hôm nay là đúng.
Chưa đồng tình, phóng viên báo Tiền Phong nhắc đến tiêu đề "Asanzo được minh oan" và đặt câu hỏi chỉ với hai văn bản của Tổng cục Quản lý thị trường và VCCI có đủ khẳng định doanh nghiệp oan không?
Trả lời, ông Trần Đức Hoàng cho rằng với tư cách là người am hiểu pháp luật, ngoài hai văn bản cung cấp thì đến thời điểm hiện tại chưa có bất kỳ cơ quan nhà nước nào nói Asanzo vi phạm xuất xứ hàng hóa như quy kết trước đây.
PV nhắc lại với ông Trần Đức Hoàng rằng PV đang hỏi với hai văn bản đã đưa ra đủ bằng chứng để khẳng định là mình oan không ?
Đáp lại, ông Hoàng khẳng định nếu dựa vào hai văn bản trên thì Asanzo không vi phạm quy định pháp luật.
"Vậy tại sao Asanzo khẳng định và lấy ý kiến tiêu đề là được minh oan" - phóng viên truy.
Ông Hoàng cười, ngay lập tức ông Tam tiếp lời với khẳng định nếu chiếu theo quy định hiện hành thì Asanzo không vi phạm. "Tôi mong các bộ sớm công bố để chúng tôi sản xuất…" - ông Tam kết luận.
PV hỏi: Theo công bố của phía Hải quan, các 14 công ty đối tác của Asanzo đã bỏ trốn? Liệu có gì bất thường không? Đại diện Asanzo cho biết đó là những công ty nhỏ trong chuỗi sản xuất của Asanzo. Tới đây Asanzo sẽ phải thanh lọc lại và lựa chọn để phát triển ổn định hơn.
Buổi họp báo diễn ra trong 1 tiếng và không có sự tham gia của cơ quan quản lý nhà nước.
Diễn biến sự việc
Như PLO đã đưa tin, ngày 5-9, Tổng cục Hải quan có thông cáo về việc kiểm tra, xác minh thông tin báo chí phản ánh liên quan đến Asanzo.
Theo báo cáo, từ ngày 1-1-2017 đến 30-6-2019, Asanzo có quan hệ mua hàng với 58 công ty trong đó có chín công ty mang tên "Asanzo". Qua tra cứu trên cổng thông tin của Tổng cục Thuế và kết quả xác minh tại UBND phường nơi đăng ký địa chỉ trụ sở hoặc địa điểm nơi thuê văn phòng, Tổng cục Hải quan xác định có 14 công ty bỏ trốn, bốn công ty không tồn tại địa chỉ theo đăng ký kinh doanh, bảy công ty ngừng hoạt động, một công ty không hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh và 32 công ty đang hoạt động.
Bên cạnh đó, thực tế kiểm tra, xác minh cũng cho thấy có tình trạng các công ty treo biển nhưng không có hoạt động, địa chỉ đăng ký kinh doanh không có thật, một số công ty đã không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh nhưng trên cổng thông tin chưa cập nhật thông tin. Đáng lưu ý, có tình trạng qua xác minh chủ nhà khai không cho công ty thuê làm trụ sở nhưng trên giấy phép đăng ký kinh doanh vẫn khai địa chỉ của họ.
Về hoạt động xuất nhập khẩu của Asanzo, từ ngày 20-10-2016 đến 30-6-2019, công ty làm thủ tục hải quan nhập khẩu 26 tờ khai hải quan, tổng kim ngạch nhập khẩu 171,6 triệu đồng; mặt hàng nhập khẩu để làm hàng mẫu (không thanh toán) gồm bảng mạch điện tử lắp ráp tivi, cáp tín hiệu, logo bằng kim loại, tấm LCD mẫu, bo mạch điện tử xử lý tín hiệu tivi… Trên tờ khai hải quan khai hàng hóa có xuất xứ Trung Quốc.
Trước đó, Tổng cục Quản lý thị trường cũng đã có báo cáo gửi Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia liên quan đến Asanzo. Theo kết quả kiểm tra đối với 38 doanh nghiệp do Sở KH&ĐT và Cục Hải quan TP.HCM cung cấp, rất nhiều địa chỉ không có thực hoặc doanh nghiệp đã dừng hoạt động.