(Tổ Quốc) -Ngày 3/5/2018, Ban Phát triển các Chương trình môn học đã công bố kết quả thực nghiệm và khảo sát ý kiến giáo viên, cán bộ quản lý về dự thảo các chương trình môn học, hoạt động giáo dục trong CT GDPT mới.
Chương trình đã được thực nghiệm trong một tháng ở 6 tỉnh, thành phố: Lào Cai, Hà Nội, Bình Định, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ là đại diện cho 6 vùng kinh tế - xã hội trên phạm vi cả nước.
GS GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới. |
GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới cho biết: “Ban Phát triển có nhiệm vụ chọn ra các tỉnh, thành phố, còn nhiệm vụ chọn ra các trường tổ chức thực nghiệm giao cho tỉnh, thành phố ấy tự quyết trên tiêu chí phải là các trường thuộc các vùng có đặc điểm kinh tế - xã hội khác nhau. Nhiệm vụ chọn giáo viên được giao cho các trường với nguyên tắc chọn giáo viên có năng lực bình thường, không chọn giáo viên giỏi để chương trình đem lại hiệu quả khách quan nhất.”
Theo ban soạn thảo, chương trình thực nghiệm được dạy 147 tiết đối với cấp Tiểu học, cấp THCS có 129 tiết, cấp THPT có 96 tiết, tổng cộng có 372 tiết. Mỗi bài được dạy từ 1 đến 2 lượt. Nội dung bài dạy thực nghiệm được chia thành hai loại: Loại 1 là bài học là nội dung mới, không có trong CT hiện hành; Loại 2 là bài học là nội dung có trong CT, SGK hiện hành nhưng được thực hiện theo phương pháp dạy học mới.
Về đội ngũ giáo viên thực hiện các bài học thực nghiệm, 528 giáo viên tiểu học, 602 giáo viên THCS và 352 giáo viên THPT, tổng cộng 1 482 người. Trước đó, các Sở GDĐT đã cử giáo viên, cán bộ quản lý tham gia tập huấnđể có thể đem lại kết quả tốt nhất có thể cho chương trình khi thực nghiệm.
Học sinh được trao quyền chủ động
Đa phần các tiết dạy thực nghiệm diễn ra sôi nổi, mới mẻ, nhiều giáo viên đã vận dụng tốt phương pháp tổ chức hoạt động, trao quyền chủ động cho học sinh, tạo tâm thế hào hứng và các hoạt động học tập hiệu quả ở học sinh. Nhiều giáo viên đã mạnh dạn thay đổi ví dụ được gợi ý trong tài liệu thực nghiệm cho phù hợp với điều kiện của địa phương. Một số giáo viên còn linh hoạt thay đổi cách bố trí lớp học, không gian học, dùng hình thức trò chơi để học sinh học một cách thoải mái, hứng thú. Các hình thức thảo luận nhóm, thảo luận cặp đôi,… được sử khá dụng hợp lí và hiệu quả.
GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết, giáo viên và cán bộ quản lí các trường tham gia thực nghiệm đều đánh giá cao ưu điểm và triển vọng của CT GDPT mới với những ý kiến như CT các môn học đã xác định đúng các phẩm chất và năng lực mà môn học hình thành, phát triển cho học sinh. Phần lớn các bài học thực nghiệm đã xác định đúng những yêu cầu cần đạt ở mỗi bài học; chú trọng tổ chức các hoạt động học tập, tương tác của học sinh.
Giáo viên cần linh hoạt trong phương pháp dạy
Trước những dấu hiệu tích cực, thể hiện tính khả thi của chương trình thì vẫn tồn tại song song những hạn chế. Ban soạn thảo chương trình giáo dục phổ thông mới cho biết, một số yêu cầu cần đạt còn cao so với trình độ của học sinh; nội dung một số bài thực nghiệm tương đối khó; một số bài vẫn còn nặng về trang bị kiến thức; dung lượng của một số bài chưa phù hợp với thời lượng dạy học. Việc bố trí nhiều đơn vị kiến thức trong một bài học không tạo điều kiện cho học sinh thực hiện các hoạt động khám phá, luyện tập và vận dụng kiến thức vào đời sống. Đây là những hạn chế, bất cập cần được mỗi nhóm tác giả CT môn học nghiêm túc xem xét và kiên quyết khắc phục trong thời gian tới.
Một số giáo viên vẫn chưa thay đổi được thói quen truyền thụ kiến thức đơn thuần nên chưa tạo ra được những giờ học hiệu quả, trong đó mỗi học sinh đều được hoạt động để tự mình tìm tòi kiến thức, rèn luyện kĩ năng và vận dụng những điều đã học để phát hiện, giải quyết các vấn đề trong cuộc sống phù hợp với lứa tuổi. Hay như một số giáo viên thiên về áp dụng phương pháp phát vấn, chủ yếu là hỏi đáp giữa giáo viên với một vài học sinh. Một số giáo viên tuy có tổ chức cho học sinh làm việc nhóm nhưng cách làm việc còn mang tính hình thức, chưa tạo điều kiện để mỗi học sinh trong nhóm hoạt động, tự tạo ra sản phẩm của mình, đóng góp vào kết quả làm việc chung.
Thực tế cho thấy giờ dạy chỉ thành công khi giáo viên nắm vững nội dung CT và vận dụng được phương pháp dạy học mới để tổ chức hoạt động học tập của học sinh.
Ví dụ, bài dạy thực nghiệm Lịch sử và Sử học, một chủ đề mới được coi là khô và khó trong CT Lịch sử lớp 10, dạy ở Trường THPT số 2 thành phố Lào Cai được đánh giá là rất thành công. Đó là nhờ giáo viên nắm chắc nội dung bài học và có phương pháp tổ chức hoạt động tốt, khơi gợi được hứng thú ở học sinh, lôi cuốn các em tích cực tham gia hoạt động.
Một số trường hợp giáo viên dạy lần đầu không thành công, nếu cán bộ chỉ đạo hoặc tổ chuyên môn phát hiện được vấn đề, kịp thời góp ý, hướng dẫn giáo viên thiết kế lại các hoạt động học tập, thì ở lượt dạy thứ 2, giờ dạy rất thành công. Thực tế này diễn ra ở Trường THCS Minh Hà, huyện Thạch Thất, Hà Nội.
Kết quả đánh giá dự thảo các chương trình môn học cấp Tiểu học. |
Kết quả đánh giá dự thảo các chương trình môn học cấp THCS và THPT. |
Những giờ dạy thực nghiệm thành công và chưa thành công đều là bài học hữu ích để hoàn thiện CT từng môn học và hoàn thiện CT GDPT nói chung. Kinh nghiệm thực nghiệm CT lần này kết hợp với kinh nghiệm quốc tế về thực nghiệm những điểm mới ngay trong quá trình xây dựng CT, biên soạn SGK cũng sẽ rất hữu ích đối với việc thực nghiệm SGK trong thời gian tới.
Từ kết quả thực nghiệm, Ban Phát triển CT GDPT tổng thể, Ban Phát triển các CT môn học kiến nghị Bộ chỉ đạo xây dựng kế hoạch, nội dung, phương pháp tập huấn giáo viên, cán bộ quản lí thật chu đáo, hiệu quả. Cán bộ chỉ đạo, quản lí và giáo viên cần được tập huấn kĩ về CT GDPT mới và SGK mới.