Những người lôi cuốn, gắn kết khán giả đến với cải lương không ai khác chính là nghệ sĩ. Và nơi để các nghệ sĩ thể hiện tài năng thực sự của mình phục vụ công chúng không đâu khác là những sàn diễn. Vậy hiện nay, lực lượng nghệ sĩ thế nào, sàn diễn ra sao mà sân khấu cải lương vẫn mãi lao đao suốt một thời gian dài?
Những người lôi cuốn, gắn kết khán giả đến với cải lương không ai khác chính là nghệ sĩ. Và nơi để các nghệ sĩ thể hiện tài năng thực sự của mình phục vụ công chúng không đâu khác là những sàn diễn. Vậy hiện nay, lực lượng nghệ sĩ thế nào, sàn diễn ra sao mà sân khấu cải lương vẫn mãi lao đao suốt một thời gian dài?
“Vàng”: Ngày càng nhiều
Từ nhiều năm qua, sân khấu cải lương (SKCL) luôn được bổ sung lực lượng trẻ qua các cuộc thi: Triển vọng Trần Hữu Trang, Diễn viên xuất sắc, Tài năng trẻ cải lương toàn quốc, Chuông vàng vọng cổ… Đến nay, nếu chỉ tính riêng số lượng các gương mặt diễn viên từng đoạt huy chương vàng các giải thưởng, có hơn 60 người. Thế nhưng, trên thực tế, số lượng diễn viên trẻ trụ được với nghề ngày càng ít.
Thậm chí có người từng giành nhiều huy chương vàng nhưng rốt cuộc chỉ dừng lại ở danh hiệu chứ chưa thể tỏa sáng ở một sân khấu nào. Còn với những huy chương vàng may mắn có được sàn diễn như: Mỹ Hằng, Lê Tứ, Thy Trang, Quỳnh Hương, Lê Hồng Thắm… ở Nhóm Thắp sáng niềm tin cũng chỉ đang hoạt động cầm chừng. Bởi, tuy có sàn diễn, nhưng các diễn viên này chưa được sự đầu tư thỏa đáng để có thể bật lên qua những vai diễn, vở tuồng mới.
Bên cạnh đó, có một nghịch lý đang tồn tại trong suốt mấy năm qua, là hầu hết gương mặt đoạt huy chương vàng đa phần rơi vào các cô đào và những… kép nhì, hiếm khi có một diễn viên nào có thể đảm nhận những vai kép chính, kép độc, đào lẳng hoặc vai diễn hài. Có lẽ, điều này đã khiến SKCL rơi vào tình trạng lực lượng diễn viên thừa vẫn thừa, thiếu vẫn thiếu là vậy!
Sàn diễn: Ngày càng ít
Nếu như trước đây, khi nhắc đến SKCL, người xem có thể kể tên hàng chục đoàn hát với nhiều phong cách khác nhau để tha hồ lựa chọn thưởng thức, như Sài Gòn 1, Sài Gòn 2, Sài Gòn 3, Hương Mùa Thu, Dạ Lý Hương, Phước Chung, Văn Công, Trung Hiếu… Nhờ có nhiều đoàn hát, nhiều sàn diễn, nên các nghệ sĩ thoải mái bộc lộ tài năng của mình.
Thế nhưng, hiện nay, cả thành phố chỉ còn duy nhất đơn vị công lập - Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang tồn tại, vì thế sàn diễn của các nghệ sĩ đã bị thu hẹp đáng kể.
Trước thực tế ấy, có nhiều nghệ sĩ linh động đứng ra thành lập những nhóm hát, đầu tư thực hiện chương trình, vở diễn theo phương thức xã hội hóa để hoạt động, hầu mong thoát qua cơn bĩ cực.
Trong số ấy, có thể kể đến Nhóm Thắp sáng niềm tin của Hoàng Song Việt, Hữu Quốc; Nhóm Sân khấu Vàng của đôi nghệ sĩ tài danh Minh Vương, Lệ Thủy; rồi các nhóm của nghệ sĩ Kim Tử Long, Vũ Luân, Tú Sương… thay nhau thắp sáng đèn ở rạp Hưng Đạo. Tuy nhiên, sự cố gắng ấy của các nghệ sĩ cũng đang gặp nhiều khó khăn trong việc kéo khán giả đến rạp xem hát. Đó là một thực tế rất đáng lo ngại.
Theo NSƯT Lệ Thủy, trước đây, một suất hát nếu bán chỉ một vài trăm vé là nghệ sĩ không muốn diễn, “bầu hát” phải trả vé, nhưng giờ thì chỉ mong đều đặn mỗi suất có vài trăm khán giả đến xem là mừng lắm rồi!
Khán giả: Thưa dần, tại sao?
Chắc chắn một điều, khán giả không bao giờ quay lưng với cải lương! Chẳng nói đâu xa, ngay như Cuộc thi “Chuông vàng vọng cổ” do Đài Truyền hình TPHCM và Công ty Kiết Tường phối hợp tổ chức, thu hút rất nhiều khán giả quan tâm, theo dõi. Trước đó, những vở cải lương Kim Vân Kiều hay Chiếc áo thiên nga do Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang thực hiện, trình làng tại Nhà thi đấu Quân khu 7 cũng thu hút hàng ngàn lượt khán giả đón xem.
Rõ ràng, khán giả cải lương luôn đòi hỏi nghệ thuật cải lương phải luôn có cái mới – hay – lạ để họ thưởng thức chứ không thể nào sống hoài với cái cũ – đành rằng cái cũ hay chứ không dở – nhưng dù thế nào cũng vẫn chỉ là cái cũ mà thôi! Cho nên, chẳng trách, tại sao, thời gian qua, mỗi khi các nhóm hát thực hiện vở cũ dựng lại, diễn ở rạp Hưng Đạo cũng chỉ thu hút không quá đông khán giả là vậy.
Bên cạnh yếu tố không có vở diễn mới mang hơi thở thời đại, phù hợp với công chúng trẻ hôm nay, SKCL đang thiếu hấp dẫn khán giả vì thiếu những đôi đào kép diễn ăn ý. NSND Diệp Lang nói: “SKCL ngày xưa có những đôi đào kép rõ ràng, đó là linh hồn của đoàn hát, quyết định sự thành bại của một vở diễn.
Nhưng hiện nay, SKCL đang quá thiếu vắng những đôi đào kép như thế!”. SKCL hiện nay cũng hoàn toàn thiếu hụt những kép độc, đào lẳng. Nếu như trước đây, khán giả không thể nào quên vai diễn của các kép độc: Diệp Lang, Hoàng Giang, Hùng Minh thì nay, mỏi mắt tìm cũng chẳng thể nào thấy được một gương mặt trẻ kép độc cho SKCL tương lai. Đó là chưa kể thực trạng thiếu các danh hài mang lại tiếng cười sảng khoái, ý nhị cho công chúng.
Chưa kể, đội ngũ tác giả – thầy tuồng, các danh cầm – nhạc sư cũng đang ngày càng mai một, hụt hẫng… Theo đạo diễn – NSƯT Trần Minh Ngọc: “Đó là do công tác đào tạo chưa có một tầm nhìn chiến lược, phát triển đồng bộ. Dù tôi là một thành viên trong ban nâng cấp cải lương, được giao viết đề án phát triển nhà hát và giao Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang thực hiện đề án này, thế nhưng, dường như đến nay công việc này đã đi vào quên lãng, không nghe nhắc đến nữa và cải lương cứ sống hoài với cái cũ…”.
Theo SGGP