• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai có "hồi sinh" đế chế gà rán ở Triều Tiên?

Kinh tế 19/02/2019 11:20

(Tổ Quốc) - Nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đã rơi vào tình cảnh phá sản sau lệnh cấm đầu tư năm 2010 của chính quyền TT Lee Myung-bak.

Năm 2007, doanh nhân Hàn Quốc Choi Won-ho nuôi tham vọng trở thành người đầu tiên đưa món gà rán trứ danh của Hàn Quốc vào Triều Tiên. Mở cửa hàng đầu tiên giữa quận Moranbong, Bình Nhưỡng, ông Choi dự định sẽ thiết lập một chuỗi gồm ít nhất 100 đại lý tại quốc gia láng giềng. Tuy nhiên, giấc mơ của ông sụp đổ chỉ sau một đêm khi mối quan hệ giữa hai miền bất ngờ đổ vỡ với sự kiện tàu hải quân Cheonan Hàn Quốc phát nổ vào tháng 3/2010, khiến 46 thủy thủ đoàn thiệt mạng.

Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai có hồi sinh đế chế gà rán ở Triều Tiên? - Ảnh 1.

Ông Choi Won-ho trong cửa hàng mới mở của mình tại Hàn Quốc (ảnh: SCMP)

Hơn 1.100 người dân Hàn Quốc, bao gồm ông Choi chứng kiến công việc kinh doanh của mình bị chấm dứt khi chính quyền cựu Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak dừng việc đầu tư vào Triều Tiên như một biện pháp trả đũa. Bình Nhưỡng kiên quyết phủ nhận cáo buộc có liên quan tới vụ việc.

Từ chủ một căn hộ bốn tầng ở phía tây Seoul, ông Choi và vợ giờ đây phải tự mình vào bếp và phục vụ khách hàng trong một nhà hàng nhỏ tự mở, chuyên về gà rán và bia tại Hàn Quốc.

Dường như vẫn còn bị sốc bởi những gì đã xảy ra, ông Choi không còn quá tin tưởng vào những đột phát ngoại giao giữa Mỹ và Triều Tiên khi Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un gặp nhau trong thượng đỉnh sắp tới, dự kiến diễn ra tại Hà Nội từ ngày 27-28/2.

"Ngay cả khi mọi thứ cải thiện, tôi cũng không thể quay trở lại Bình Nhưỡng và bắt đầu một lần nữa, đơn giản là vì tôi đã không còn tiền", cựu doanh nhân chia sẻ với tờ SCMP về khoản nợ vẫn chưa trả hết.

Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai có hồi sinh đế chế gà rán ở Triều Tiên? - Ảnh 2.

Thực đơn từng được sử dụng trong nhà hàng của ông Choi tại Bình Nhưỡng (ảnh: SCMP)

Khi mới mở, nhà hàng Rakwon Chicken tại Bình Nhưỡng của ông Choi rất được ưa chuộng. Mỗi ngày ông tiếp đón khoảng 100 khách bất chấp việc giá cả đồ ăn tại nhà hàng hơi đắt hơn so với mức sống bình quân của người Triều Tiên.

Với quyết định của chính quyền Tổng thống Lee Myung-bak, công việc kinh doanh của Choi bị đóng cửa. "Khoản đầu tư tại Triều Tiên của tôi lúc đó là nửa triệu USD biến mất trong một đêm", ông nhớ lại.

Lệnh cấm xuyên biên giới khiến 1.146 doanh nghiệp Hàn Quốc mất trắng tiền đầu tư vào Triều Tiên. Khoảng 500 doanh nghiệp được nhận bồi thường lên tới 110 triệu USD. Tuy nhiên, theo Jeong Sook-kyoung, một người phát ngôn cho 1.146 công ty trên, nhiều doanh nghiệp không được bồi thường đã bị phá sản, còn số tiền bồi thường thực ra không thấm tháp gì so với những gì mà các nhà đầu tư đã bỏ ra.

"Ngay cả khi các lệnh trừng phạt Triều Tiên được dỡ bỏ, tôi cũng sẽ không tới đó nữa", Bang Young-guk, một chủ doanh nghiệp khác cũng bị phá sản sau sự kiện tàu Cheonan, nói. "Người Triều Tiên từ lâu đã không muốn giao thương với người Hàn Quốc nữa. Giờ đây họ muốn giao dịch với người Trung Quốc hơn vì nhận được tiền mặt ngay và có giá cả tốt. Họ cũng chỉ muốn thu hút các nhà đầu tư lớn từ Trung Quốc, châu Âu, Nhật Bản và cả Mỹ".

Hiện vẫn còn duy trì liên lạc với bạn bè ở Triều Tiên, ông Bang cho biết thêm: "Người Triều Tiên mong muốn đàm phán bình đẳng với Mỹ và hy vọng có thể duy trì là một quốc gia sở hữu hạt nhân như Ấn Độ với lời cam kết không gia tăng quy mô".

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ