• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thương hiệu Việt nằm ở đâu trong chuỗi toàn cầu?

Kinh tế 18/01/2019 08:17

(Tổ Quốc) - Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP chính thức có hiệu lực từ ngày 14/1/2019 tại Việt Nam. Hiệp định đang đặt ra các bài toán cho doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt với nhóm doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nông sản Việt.

Cần chiến lược dài hơi

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0 không cho phép chúng ta tiếp tục có những độ trễ lâu hơn nữa để nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp, đặc biệt trong đó vai trò của công nghiệp hỗ trợ (CNHT) sẽ là nền tảng thiết yếu để nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp.

Chính vì vậy, không chỉ CPTPP mà còn các FTA thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết với 16 FTA đang đặt ra những yêu cầu rất bức thiết mà chúng ta phải đẩy nhanh hơn nữa tốc độ và chất lượng phát triển CNHT.

Thương hiệu Việt nằm ở đâu trong chuỗi toàn cầu? - Ảnh 1.

Sản xuất các linh kiện tại Công ty Cổ phần CNHT Minh Nguyên. Ảnh min họa: Báo Lao động

Theo chuyên gia về giải pháp quản lý năng suất, chất lượng Phạm Mạnh Thắng, các doanh nghiệp CNHT ở Việt Nam hiện nay thiếu chiến lược.

Hiện nay các công ty đều có chiến lược và tầm nhìn nhưng mấu chốt là sự khác biệt của doanh nghiệp CNHT nằm ở sản xuất, quan trọng nhất là chiến lược quản trị vận hành… Chiến lược của doanh nghiệp CNHT phải khác các doanh nghiệp khác.

Điểm yếu thứ 2, theo ông Thắng là thực hành sản xuất kém. Phần lớn doanh nghiệp CNHT đang lạc hậu so với thực hành sản xuất tốt trên thế giới, thể hiện lãng phí trong các nhà máy cao. Cũng sản xuất ra 1 sản phẩm như nhau thì một doanh nghiệp CNHT sử dụng số giờ cao hơn 1,2-1,5 lần so với doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhật ở Việt Nam. Áp dụng thực hành sản xuất chưa được tối ưu hóa, chất lượng kém ổn định hơn.

Điểm thứ 3 là công nghệ sản xuất, kế hoạch sản xuất, quản lý thiết bị, quản lý sản xuất, kho hàng… Tiếp đó là các vấn đề về nhân sự như thiếu cán bộ quản lý, tầng lớp trung gian, cán bộ quản lý yếu, chưa có năng lực cần thiết để hỗ trợ sản xuất thực sự…

Còn theo bà Trương Thị Chí Bình- Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội CNHT Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam đã có nhiều cố gắng, cũng không tệ nhưng số máu me theo đuổi CNHT thì không nhiều.

"Để theo đuổi cuộc chơi này cần chiến lược dài hạn chứ không phải cứ làm rồi tính. Dẫm chân làm mãi xe máy thì đến bước không thể làm được nữa. Doanh nghiệp phải liên tục đổi mới. Doanh nghiệp chúng ta nhỏ, đi sau thì phải chấp nhận không thể làm những thứ to tát, mà phải làm tinh, làm tốt. Doanh nghiệp làm tốt thì không hết việc"- bà Trương Thị Chí Bình nêu.

Nước ngoài đang đầu tư ngày một nhiều vào nông sản Việt Nam nhưng không có thương hiệu nông sản của người Việt

Ông Đỗ Văn Huệ, Chủ tịch Công ty cổ phần Đông trùng hạ thảo Việt Nam (HIMA), TP HCM chia sẻ, CPTPP là cơ hội cho doanh nghiệp vươn xa và cuộc chơi sẽ công bằng hơn.

Tuy nhiên, theo ông Đỗ Văn Huệ, đây sẽ là một hạn chế cho doanh nghiệp vừa và nhỏ khi vươn xa chào hàng do những hạn chế về mặt nhân sự, truyền bá sản phẩm theo gian hàng tại các nước.

Thương hiệu Việt nằm ở đâu trong chuỗi toàn cầu? - Ảnh 2.

Ông Đỗ Văn Huệ, Chủ tịch HIMA.

"Chúng ta cần tháo gỡ việc, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tham gia các triển lãm tại nước ngoài, xong hội chợ, khách hàng nước ngoài đi tìm điểm để mua thì không biết tìm ở đâu" – ông Đỗ Văn Huệ nói.

Một trong những điều khó khăn nhất của các doanh nghiệp nông sản của Việt Nam đó là chưa thể đưa lao động chủ chốt người Việt Nam làm việc tại các thị trường nước ngoài - nơi đặt các gian hàng chào bán nông sản Việt.

"Có rất nhiều sản phẩm nông nghiệp Việt Nam tạo được ấn tượng với người tiêu dùng các nước như sầu riêng, mãng cầu, lá mãng cầu… ngoài ra là các sản phẩm chế biến từ các loại nông sản. Các mặt hàng này bán rất được giá ở thị trường nước ngoài nhưng tôi mong muốn, đó là sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam nên phải thành lập các gian hàng, trung tâm thương mại ở nước ngoài để đưa các mặt hàng này ra. Lợi nhuận mình thu về và mang về cho người Việt. Nếu thuê người nước ngoài làm ở những vị trí cứng cho mình, họ sẽ về Việt Nam tìm kiếm các doanh nghiệp để gia công"- ông Đỗ Văn Huệ chia sẻ.

Tuy nhiên, hiện nay có tình trạng, nhiều doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam thuê nông dân Việt Nam sản xuất sản phẩm thô, các sản phẩm này mang thương hiệu của doanh nghiệp nước ngoài, họ xuất khẩu các thị trường và thu ngoại tệ về cho họ với mức thuế ưu đãi.

"Tôi được biết, ngay sau khi CPTPP có hiệu lực ở Việt Nam, đã có doanh nghiệp Nhật Bản đổ vốn vào cho doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam nhưng chúng ta mới chỉ dừng lại ở việc gia công không mang lại nhiều lợi nhuận. Chúng tôi cũng có những lời đề nghị như vậy nhưng tôi vẫn muốn tự mình làm ra các thương hiệu nông sản Việt Nam và bán ra thị trường nước ngoài"- ông Đỗ Văn Huệ nói.

Và để giải bài toán này, ông Huệ cho rằng, cơ quan chức năng cần đàm phán với các nước để mở cửa cho thị trường lao động Việt Nam sang làm việc tại các nước. Việc này sẽ giúp các doanh nghiệp thực hiện xúc tiến thương mại, làm thương hiệu theo chuỗi khép kín và lợi nhuận mang lại cho đất nước nhiều hơn.

Về phía doanh nghiệp, theo ông Đỗ Văn Huệ, các doanh nghiệp nông sản cần tiếp tục đầu tư công nghệ, chế biến sâu, quảng bá xúc tiến thương hiệu, mở rộng thị trường bằng chính sản phẩm của mình. Nếu không các doanh nghiệp nước ngoài sẽ đẩy hàng vào chính "sân nhà", dùng các sản phẩm nông sản mang thương hiệu của họ và chúng ta sẽ mất cả thị trường nước ngoài lẫn trong nước./.


Thái Linh

NỔI BẬT TRANG CHỦ