(Tổ Quốc) - Thương lái lùng sục thu mua cau không chỉ có ở Thừa Thiên -Huế mà còn xuất hiện ở nhiều tỉnh thành khác. Việc này tạo ra thu nhập cao cho nhiều người nhưng cũng ẩn chứa nhiều rủi ro.
Cau tươi được giá
Nhiều ngày qua, hình ảnh các lái buôn tìm về các xóm làng để hỏi mua quả cau tươi với giá cao đã không còn xa lạ với nhiều người. Việc cau bán được giá khiến nhiều gia đình trồng cau trong vùng không khỏi vui mừng.
Vườn nhà ông Đoàn Nam (xã Phú An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế) có khoảng hơn 20 cây cau. Cách đây 2 tuần, các thương lái đến nhà ông hỏi mua cau với giá khoảng 16 nghìn/kg. Bán hết cả vườn cau của mình ông Nam thu về được gần 2 triệu đồng.
Nhiều thương lái lùng sục thu mua mua cau với giá cao. Ảnh: Thế Trung |
Theo ông Nam, đây không phải là lần đầu tiên gia đình ông thu lợi từ loại cây này. Mùa cau trước ông và nhiều hộ có trồng cau khác tại địa phương cũng có được nguồn thu nhập từ loại nông sản này. Trước đây người trồng cau chỉ bán được mỗi dịp cuối năm khi Tết đến nhưng giá thành không cao như thời điểm bây giờ.
Việc các thương lái lùng sục thu mua khiến giá cau gần đây bất ngờ được “đội” lên cao. Nhiều người thấy lợi cũng tự bỏ vốn ra đi lùng mua cau rồi về bán lại cho các thương lái ăn chênh lệch.
Có mặt tại một điểm thu mua cau ở gần cầu Dã Viên (TP. Huế), theo ghi nhận cứ tầm giữa giờ chiều lại đông đúc các con buôn lẻ gom cau từ nhiều địa phương về bán lại cho các thương lái. Bình quân mỗi ngày điểm thu mua này nhập khoảng 2 tấn cau từ khắp nơi trên địa bàn tỉnh.
Một thương lái cho biết, trung bình mỗi kg cau sẽ được thu mua với giá khoảng 16 nghìn đồng. Thường thì việc thu mua cau đã kết thúc vào cuối tháng 9 nhưng do năm nay nhu cầu của các đầu nậu vẫn còn cao nên các điểm thu mua vẫn tỏa đi khắp nơi để gom hàng về.
Cau sau khi thu mua được bẻ ra để đem đi luộc, công việc này cũng mang lại thu nhập cho nhiều người. Ảnh: Thế Trung |
Thương lái trên cũng cho hay, số cau sau khi thu mua sẽ được phân loại rồi đưa đến các cơ sở lớn hơn để bán lại cho các đầu nậu. Các đầu nậu sẽ sơ chế rồi xuất sang Trung Quốc theo đường cửa khẩu.
Thương lái mua cau để làm gì?
Được biết, hiện ở Thừa Thiên – Huế, huyện Nam Đông là địa phương có diện tích trồng cau lớn nhất tỉnh với khoảng 60ha. Tại đây, việc thu hoạch cau bán lại cho các thương lái cũng diễn ra từ tháng 9 cho đến nay.
Theo sự chỉ dẫn của các thương lái thu mua cau, chúng tôi tìm đến một cơ sở lớn là đầu nậu chuyên thu mua cau của các thương lái nằm trên địa bàn thị xã Hương Trà. Đây cũng là xưởng chế biến cau trước khi đưa sang Trung Quốc.
Cau được luộc trước khi đem đi sấy. Ảnh: Thế Trung |
Anh Hoàng Văn Khánh (quê Hải Phòng) người trực tiếp điều hành tại xưởng chế biến này cho biết, trung bình mỗi ngày xưởng thu mua khoảng 7 tấn cau từ các thương lái. Số cau sau khi thu mua sẽ được bẻ ra từng trái một, sau đó đem đi luộc. “Sau khi luộc xong, cau được đem đi sấy ở lò. Số cau khô gom lại sau khi sấy có thể lên đến gần 15 tấn”, anh Khánh cho hay.
Anh Khánh cũng cho biết thêm, trung bình mỗi kg cau sau khi sấy xong có giá 18.500 đồng/kg. Toàn bộ số cau này sẽ được đóng thành từng bao lớn và được vận chuyển bằng xe tải qua cửa khẩu Tân Thanh để nhập vào tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc). Khi vào đến đây, số cau này sẽ tiếp tục được các thương lái Trung Quốc đưa sang châu Âu, đặc biệt là các nước có khí hậu lạnh để làm kẹo cau ăn nhằm chống rét.
Theo tìm hiểu được biết, thực trạng thương lái lùng sục thu mua cau không chỉ có ở Thừa Thiên - Huế mà còn xuất hiện ở nhiều tỉnh thành khác. Công việc này tạo ra thu nhập cao cho nhiều người nhưng cũng ẩn chứa nhiều rủi ro. Lo ngại lớn nhất là thị trường hoàn toàn phụ thuộc vào các thương lái Trung Quốc.
“Loại nông sản như cau có thị trường phụ thuộc vào Trung Quốc, luôn đứng trước tình cảnh “mua một năm và bỏ một năm”. Trung Quốc không thu mua thì hàng tồn lại, phá sản là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Giá cả thế nào đều do phía thị trường Trung Quốc quyết định”, anh Khánh chia sẻ.
Số lượng lớn cau được sấy khô tại lò trước khi xuất sang Trung Quốc. Ảnh: Thế Trung |
Một chủ đại lý cũng cho hay đối với các tiểu thương đi mua cau tại vườn của dân thì ít bị ảnh hưởng, nhưng đối với các đầu nậu mở các lò sấy thì luôn bấp bênh vì phải vay vốn kinh doanh, doanh thu tùy thuộc vào sức tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc nên rủi ro cũng rất cao.
Ông Phạm Tấn Son – Trưởng phòng NN&PTNN huyện Nam Đông (tỉnh Thừa Thiên – Huế) cho hay, việc thương lái Trung Quốc thu mua cau đã có từ nhiều năm nay. Thông thường cau có hai nguồn tiêu thụ chính, một là phục vụ nhu cầu trong nước tại các phong tục truyền thống của dân tộc và nguồn thứ hai là xuất khẩu cho Trung Quốc. Ông Son cảnh báo rằng, tuy có nguồn tiêu thụ lớn nhưng vẫn tồn tại những rủi ro nếu thương lái Trung Quốc bất ngờ ngừng mua.
“Tuy cây cau có hiệu quả kinh tế hơn so với một số nông sản khác nhưng không nên chuyển đổi từ các loại nông sản khác sang trồng cau mà chỉ nên duy trì diện tích như hiện có. Người dân cũng nên biết lựa thời điểm để thu hoạch, không vì giá cau cao mà bán luôn cả cau non”, ông Son khuyến cáo.
Thế Trung