(Tổ Quốc) - Tết về! Khác hẳn cái náo nức đợi chờ của con trẻ, người già có lắm lo toan và tất bật. Đã là quy luật rồi ai cũng sẽ trải qua. Mỗi thời mỗi khác. Nhưng hai chữ sum vầy luôn nhắc chúng ta không được lãng quên.
Khi gió heo may kéo về, cái se se lạnh của mùa đông tràn qua khe cửa ta co ro trong chăn ấm và khe khẽ: “Chao ôi! Lạnh”. Biết đâu ngoài sương giá có bao người tất bật mưu sinh? Đó có thể là những người vợ, người chồng, người mẹ, người cha, cũng có thể là những đứa con phải xa nhà đang lao động kiếm tiền phụ giúp gia đình. Đó có thể là anh những anh bộ đội đang canh giữ biên giới, biển đảo quê hương, những anh công an đang làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự, những chị công nhân đưa từng nhát chổi làm sạch phố phường…?
Mẹ già, bên bếp lửa bập bùng Chiều ba mươi Tết nhìn những sợi khói len qua từng khe lá bay lên, ngóng trông những đứa con xa trở về cùng mẹ bày thức ăn lên cúng kiến ông bà. Không mâm cao cỗ đầy, mẹ chỉ có tấm lòng thơm thảo với người đã khuất, cháu con quây quần bên mẹ là đủ vui. Năm ba ngày tết bây giờ, với mẹ là cả một sự chắt chiu, quí giá. Mẹ cười, đôi mắt rưng rưng, những sợi thời gian lua tua màu khói đón con vừa về tới ngõ. Trong nỗi nhớ niềm thương, mẹ nghĩ, còn được bao lần như thế?
Tết sum vầy - Tranh của họa sĩ Kim Thái (ảnh TL)
Những đứa con của mẹ: Trung, Hiếu, Vẹn, Toàn… đứa nào mẹ cũng muốn ôm trọn vào lòng cho thỏa nỗi nhớ mong. Nó sà vào vòng tay mẹ như thuở chưa xa. Còn các cháu, những chú chim non cứ tíu tít lăn xăn ngày trở về bên tổ ấm. Bếp lửa chiều nay sẽ không làm cay mắt mẹ, lòng mẹ rộn ràng theo tiếng cười nói của cháu con.
Thật lạ! Chiều ba mươi Tết không giống bất cứ chiều nào trong năm. Chiều ấy, con nước dâng đầy, trong veo, hiền hòa, chậm rãi chảy. Chiều ấy, nhà ai cũng sạch tinh tươm từ trong ra ngõ. Ai cũng tắm gội thật sạch để đón cái tươi mới, hân hoan. Dù nghèo hay giàu nhà ai cũng phải có bữa cơm để cúng ông bà. Chiều ấy, ai đi xa cố gắng trở về nhà sớm hơn, cố gắng có mặt để kịp đón giao thừa. Ký ức của mẹ là những câu chuyện kể ngày xửa, ngày xưa cho con cháu nghe. Lắng đọng, in sâu gói ghém kỷ niệm trở thành hành trang để bước vào đời. Mỗi khi nhớ mẹ, nhớ quê lại lần giở từng trang, từng chương của quyển sách quí. Ai biết trân trọng gìn giữ nó trở thành vốn sống, thành một món quà vô giá mẹ để lại cho mỗi người.
Chiều ba mươi Tết không giống bất cứ chiều nào trong năm. Ai còn mẹ, nhớ nghe, mẹ đang mong ngóng! Mắt mẹ mờ rồi không còn xâu kim may áo mới. Tay mẹ yếu rồi không còn siết nổi sợi dây buộc từng đòn bánh. Lưng mẹ còng rồi không còn ngồi cắt từng củ kiệu nữa đâu. Nồi thịt kho mẹ chờ đứa con dâu, mấy món mứt con gái làm mẹ có ăn được mấy.
Mẹ đã già đang ngồi bên bậc cửa, mắt chờ trông những đứa con xa. Mẹ của ta! Thương lắm chiều ba mươi!