(Tổ Quốc) - Hơn 7 năm qua, tại khoa Ung bướu - Huyết học, BV Nhi đồng 2 có một căn phòng luôn ồn ào bởi tiếng nói cười của những đứa trẻ "đầu trọc". Đó là lúc "Lớp học vui vẻ" diễn ra, nơi tụi nhỏ tạm gác lại nỗi đau của mũi kim tiêm, dây truyền máu để tìm lại nụ cười.
Có một lớp học đặc biệt giữa lòng Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM.B
Dù căn phòng chỉ vỏn vẹn 16m2 nhưng vô cùng đặc biệt bởi cứ vào tối thứ 4, 6 và chủ nhật hàng tuần, những đứa trẻ lại được làm toán, viết chữ, vẽ tranh, tô màu. Học sinh đến lớp là những đứa trẻ đang mang trong mình căn bệnh ung thư quái ác. Có đứa đã từng đi học, có đứa vừa chào đời đã phải vào viện, tập làm quen với mũi kim tiêm thay vì tập vở. Lớp học vui vẻ như một món quà tinh thần đặc biệt, giúp tụi nhỏ vượt qua chuỗi ngày chông chênh trên hành trình tìm lại sự sống.
Chia sẻ về lớp học, chị Lê Thị Mai (chủ nhiệm) cho biết sau 7 năm duy trì lớp học và 13 năm đồng hành cùng các bé bệnh nhi ung thư, bản thân chị Mai thật sự hạnh phúc khi nhìn thấy được những nụ cười, niềm vui của các con khi đến lớp.
Tạm quên đi những nỗi đau bệnh tật, những bệnh nhi ung thư thật sự tìm lại "tuổi thơ" khi được vui chơi, trò chuyện cùng nhau. Nhìn ánh mắt hạnh phúc, nụ cười luôn hiện hữu trên những khuôn mặt bé nhỏ, chị Mai và các TNV của lớp học vui vẻ vô cùng hạnh phúc.
Nhìn thấy con trai 3 tuổi đang cặm cụi tập tô màu, trên tay vẫn còn truyền hóa chất, chị Ngô Thị Sao (quê Kon Tum) không giấu được sự xúc động, chính "lớp học vui vẻ" đã tạo thêm niềm tin, động lực để chị và con trai cùng nhau chiến đấu với căn bệnh ung thư quái ác.
Sự hồn nhiên, vô tư của tụi nhỏ khiến các thầy cô ở "lớp học vui vẻ" nhói lòng. Có lẽ, mũi kim tiêm hay những đợt ra vào hóa chất chẳng còn là nỗi sợ, chỉ sợ một ngày nào đó, lớp học sẽ phải chia tay một thành viên nào đó...
Bên ngoài lớp học là cửa phòng cấp cứu, là những chiếc giường bệnh với đầy những mũi kim tiêm, dây truyền hóa chất để cùng tụi nhỏ tiếp tục với cuộc chiến tử thần. Hi vọng những ngày tháng sắp tới, lớp học vui vẻ mãi là trạm dừng chân bình yên, tiếp thêm nguồn năng lượng để những đứa trẻ kém may mắn kiên trì chiến đấu. Và biết đâu, điều kỳ diệu sẽ đến, những đứa trẻ "trọc đầu" chiến thắng được bệnh tật để trở về bên vòng tay của gia đình.