(Tổ Quốc) - Trang Vietnam Briefing đã đánh giá về mối quan hệ Việt Nam – Pháp và những tín hiệu thúc đẩy quan hệ kinh tế hai bên.
Năm 2023 đánh dấu một mốc son quan trọng trong lịch sử quan hệ Việt Nam-Pháp. Đây là năm kỷ niệm 50 năm ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, 10 năm ký kết quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp.
Những dấu mốc này khiến cuộc gặp của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Ngoại thương Pháp Olivier Becht vào ngày 28/2/2023 càng trở nên quan trọng hơn. Đặc biệt, hai quốc gia đã cam kết thúc đẩy hơn nữa thương mại song phương.
Quan hệ thương mại giữa Pháp và Việt Nam
Xét về hoạt động đầu tư, Pháp hiện đứng thứ ba trong số các nước châu Âu đầu tư vào Việt Nam. Việt Nam cũng đứng thứ hai trong số các nước nhận viện trợ phát triển (ODA) của Pháp ở châu Á.
Tổng vốn đầu tư của Pháp vào Việt Nam từ năm 1993 đến nay là hơn 18,4 tỷ USD. Thời gian gần đây, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Pháp đã tăng hơn gấp ba lần, từ khoảng 1,6 tỷ USD năm 2009 lên 5,3 tỷ USD năm 2019.
Hiện có hơn 300 doanh nghiệp Pháp đang hoạt động trong nhiều ngành nghề và lĩnh vực tại Việt Nam. Năm 2021, các doanh nghiệp Pháp có dự án đầu tư tại 35 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Tháng 1/2023, Pháp bổ sung thêm 2 dự án mới với tổng vốn đăng ký 10,65 triệu USD – nâng tổng số dự án FDI của Pháp tại Việt Nam từ trước đến nay lên 660 dự án, trị giá 3,8 tỷ USD.
Các ngành hàng Pháp nhắm đến Việt Nam
Việt Nam có thị trường tiêu dùng lớn với gần 100 triệu dân, thu nhập và sức mua tăng nhanh cũng như tâm lý ưa chuộng hàng cao cấp. Còn Pháp là nước sản xuất nhiều sản phẩm và thương hiệu nổi tiếng thế giới được người tiêu dùng Việt Nam đánh giá cao, bao gồm các sản phẩm từ sữa và mỹ phẩm.
Trước hết, Việt Nam có nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm dược phẩm chất lượng cao. Trong khi đó, Pháp là nơi đặt trụ sở của một số công ty dược phẩm hàng đầu thế giới và nổi tiếng về sản xuất các loại thuốc tân tiến. Nhiều công ty dược phẩm trong số này đã hiện diện tại Việt Nam, thông qua liên doanh, đầu tư trực tiếp hoặc thỏa thuận phân phối như: Sanofi, Servier, Ipsen và Pierre Fabre.
Pháp cũng được biết đến với việc sản xuất đồ nội thất, sàn gỗ và các mặt hàng trang trí khác bằng gỗ chất lượng cao. Người tiêu dùng Việt Nam đánh giá cao sự chú trọng đến từng chi tiết và chất lượng trong các sản phẩm gỗ của Pháp nên các mặt hàng này được săn đón nhiều.
Ngoài ra, Pháp có truyền thống lâu đời về quản lý rừng bền vững, nên gỗ được sử dụng trong các sản phẩm của Pháp thường có nguồn gốc từ các khu rừng được quản lý tốt. Đây là một cân nhắc quan trọng đối với một số người tiêu dùng Việt Nam đang quan tâm đến vấn đề môi trường.
Sản phẩm hóa chất của Pháp cũng đang có lợi thế tại Việt Nam. Các công ty hóa chất của Pháp cung cấp nhiều loại sản phẩm phục vụ cho các ngành công nghiệp và lĩnh vực khác nhau.Vì vậy các sản phẩm từ Pháp có chất lượng cao là lựa chọn hấp dẫn cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Hơn nữa, các công ty hóa chất của Pháp thường đi đầu trong phát triển công nghệ. Họ đầu tư rất nhiều vào nghiên cứu và phát triển giúp các sản phẩm luôn dẫn đầu về công nghệ và ứng dụng.
Hơn nữa, các công ty hóa chất của Pháp tuân thủ các quy định và tiêu chuẩn nghiêm ngặt, cả ở cấp quốc gia và quốc tế. Điều này đặc biệt quan trọng trong các ngành như dược phẩm và mỹ phẩm, nơi chất lượng và an toàn sản phẩm là tối quan trọng. Một số thương hiệu hóa chất nổi tiếng của Pháp đã thiết lập sự hiện diện mạnh mẽ tại Việt Nam như: Air Liquide, Arkema, BASF, Total Energies và Solvay.
Xuất khẩu của Việt Nam sang Pháp
Nông nghiệp, thủy sản, dệt may, da giày, đồ gỗ, linh kiện điện tử, hàng tiêu dùng là những ngành có thế mạnh của Việt Nam khi xuất khẩu sang Pháp.
Đầu tiên là điện thoại, điện thoại di động và các bộ phận liên quan. Có chi phí sản xuất thấp so với nhiều quốc gia khác, Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn để sản xuất các thiết bị điện tử. Điều này giúp hàng hóa Việt Nam duy trì mức giá hợp lý – một điều rất quan trọng trong một ngành có tính cạnh tranh cao như điện thoại di động.
Ngoài ra, Việt Nam còn có lực lượng lao động lành nghề trong lĩnh vực sản xuất điện tử - một yếu tố quan trọng để sản xuất điện thoại di động và linh kiện chất lượng cao.
Pháp là một thị trường điện thoại di động đang phát triển và nhu cầu về các thiết bị chất lượng cao, giá cả phải chăng đang tăng lên. Các công ty Việt Nam đang tận dụng xu hướng này bằng cách xuất khẩu sản phẩm sang Pháp.
Việt Nam cũng đã có những cải thiện đáng kể về chất lượng hàng dệt may trong những năm qua. Nhiều nhà sản xuất Việt Nam đã đầu tư trang thiết bị, công nghệ hiện đại để sản xuất các sản phẩm chất lượng cao.
Còn ngành công nghiệp thời trang của Pháp nổi tiếng về phong cách và sự sang trọng, và hàng dệt may của Việt Nam rất phù hợp để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Pháp.
Các nhà sản xuất giày dép Việt Nam cũng đang sản xuất nhiều loại sản phẩm, bao gồm giày thông thường, giày thể thao, xăng-đan và ủng. Những sản phẩm này thường được sản xuất cho các thương hiệu lớn có trụ sở tại Pháp chọn sử dụng lao động lành nghề, chi phí thấp của Việt Nam.
Tương lai thương mại giữa Việt Nam và Pháp
Gần đây nhất, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ tháng 8/2020 đã là động lực thúc đẩy tăng trưởng to lớn giữa Pháp và Việt Nam. Với biểu thuế được nêu trong hiệp định, thuế tiếp tục giảm và sẽ thúc đẩy thêm tăng trưởng giữa hai bên.
Ngoài ra, để tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và Pháp, các quan chức tại Việt Nam đang thúc đẩy Pháp phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA).
EVIPA là một thỏa thuận giữa EU và Việt Nam nhằm bảo vệ các nhà đầu tư và các khoản đầu tư giữa hai bên, đồng thời đảm bảo các nhà đầu tư được đối xử công bằng. Sau khi được phê chuẩn, thỏa thuận này sẽ là một sự thúc đẩy tích cực đối với đầu tư xuyên biên giới thông qua việc bảo vệ các nhà đầu tư và các khoản đầu tư của họ.
Thương mại hai chiều giữa Pháp và Việt Nam không ngừng tăng trưởng trong những năm qua. Với những nỗ lực không ngừng nhằm tăng cường hợp tác kinh tế và thương mại, cả hai nước được kỳ vọng sẽ chứng kiến sự thịnh vượng hơn nữa và hội nhập kinh tế sâu rộng hơn.