(Tổ Quốc) - Trong thực tế việc tặng quà để giải quyết công việc, hối lộ bằng hình thức tặng quà vẫn còn diễn ra rất phức tạp, dưới nhiều hình thức.
Sáng nay (19/9), tiếp tục chương trình làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo (tóm tắt) về công tác phòng chống tham nhũng.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo (tóm tắt) về công tác phòng chống tham nhũng (Nguồn: quochoi.vn). |
Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tư pháp cho biết, cơ quan thẩm tra đồng tình với đánh giá của Chính phủ về những kết quả đã đạt được trong việc phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng.
Dưới sự chỉ đạo kịp thời, kiên quyết của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, một số vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp đã được điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh…
Dù vậy, cơ quan thẩm tra cũng đánh giá một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn hình thức, hiệu quả thấp. Trong năm 2017 số lượng bản kê khai là rất lớn, nhưng chỉ xác minh đối với 77 người/1.113.422 người đã kê khai (chiếm 0,007%). Ngoài ra, theo phản ánh của báo chí, cử tri cho thấy còn có nhiều trường hợp kê khai tài sản, thu nhập không trung thực nhưng không được phát hiện, xử lý; việc giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm trong một số trường hợp còn chưa hợp lý, gây bức xúc trong dư luận.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, việc tặng quà để giải quyết công việc, hối lộ bằng hình thức tặng quà vẫn còn diễn ra rất phức tạp, dưới nhiều hình thức và việc nộp lại quà tặng hầu như chỉ được thực hiện sau khi có phát hiện sai phạm.
Đơn cử là việc tặng quà “khủng” hàng tỷ đồng của Ngân hàng Oceanbank, chi hoa hồng cho bác sỹ của Công ty Cổ phần VN Pharma…
Cụ thể, báo cáo cũng dẫn thông tin từ báo chí cho biết, trong vụ án buôn lậu xảy ra tại Công ty Cổ phần VN Pharma, các bị cáo khai nhận đã chi tiền "hoa hồng" cho bác sĩ tại nhiều bệnh viện lên tới 7,5 tỷ đồng để được bác sĩ kê đơn thuốc cho bệnh nhân….
Uỷ ban Tư pháp cũng tán thành với đánh giá của Chính phủ về những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân trong công tác PCTN và cho rằng, hiện nay việc thực thi pháp luật nói chung và pháp luật về PCTN nói riêng còn chưa nghiêm.
Ý thức, đạo đức công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức còn hạn chế; việc nhũng nhiễu, tiêu cực. Một số cán bộ, công chức còn có dấu hiệu tiếp tay, bảo kê cho doanh nghiệp.
“Nếu như trước đây, tình trạng “lợi ích nhóm”, “sân sau” mới chỉ là nghi ngờ của dư luận cử tri nhưng qua một số vụ án lớn được đưa ra xét xử gần đây, qua kết quả kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho thấy những nghi ngờ của dư luận cử tri là có căn cứ” – báo cáo đánh giá.
Từ các nhận định trên, Uỷ ban Tư pháp kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần xây dựng quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của mọi người trong toàn xã hội; tiếp tục hoàn thiện các quy định về minh bạch, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ… đồng thời quy định rõ chế tài xử lý đối với người kê khai tài sản không trung thực./.
Hà Giang