(Tổ Quốc) - Chú Sáu Nam - tên mật danh của Đại tướng Lê Đức Anh đã cho tôi một tấm gương sáng về nhân cách sống, sự giản dị, tận tâm với nước, tận hiếu với dân. Mong chú yên nghỉ nơi vĩnh hằng. Bên chú luôn có Tổ quốc, Nhân dân và đồng đội.
Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, nguyên cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng qua đời ngày 22/4/2019 tại nhà công vụ (số 5A, phố Hoàng Diệu, quận Ba Đình, TP Hà Nội), hưởng thọ 99 tuổi (01/02/1920-22/4/2019). Trong cuộc gặp gỡ tại Calaval Hạ Long 2019, tôi được nghe một cựu chiến binh người Hạ Long đã từng làm công vụ cho Đại tướng Lê Đức Anh ở Bộ Tư lệnh Miền năm 1976 kể lại những kỷ niệm với Thủ trưởng năm xưa của mình với bao cảm xúc. Anh là cựu chiến binh Nguyễn Xuân Thu – nguyên Phó Trưởng phòng Bảo vệ Xí nghiệp Than Giáp Khẩu - Công ty Than Hòn Gai (thuộc Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam); nhân viên Trung tâm huấn luyện vận động viên cấp cao (Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội) đã nghỉ hưu. Tôi viết theo lời kể của chiến sĩ cần vụ Đại tướng Lê Đức Anh.
Nguyên Chủ tịch nước - Đại tướng Lê Đức Anh (bên trái) trong chiến dịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Quân khu 9
Nghe tin chú Sáu Nam mất - tên mật danh của Đại tướng Lê Đức Anh, tôi vô cùng thảng thốt, xót xa. Vẫn biết sinh – lão – bệnh – tử là chuyện thường, là quy luật của tạo hóa. Vẫn biết chú Sáu ra đi ở tuổi rất thượng thọ. Vẫn biết chú Sáu đã hoàn thành nhiệm vụ lớn lao trước Tổ quốc, Nhân dân ở mọi cương vị từ trong các cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Bộ chỉ huy Miền đến cương vị Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, Cố vấn Ban Chấp hành Đảng Cộng sản Việt Nam cho đến khi nghỉ hưu (4/2001)…Nhưng khi biết chú là người chỉ huy cuối cùng trong Bộ chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh đã vĩnh viễn đi xa, lòng một chiến sĩ đã từng làm công vụ cho chú năm xưa không tránh khỏi sự chống chếnh, hẫng hụt. Những kỷ niệm ít ỏi được vinh dự phục vụ chú Sáu Nam cứ ùa ập về…
Sau Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, mấy anh em Quảng Ninh chúng tôi được điều động về Bộ Tư lệnh Miền. Đây là tên gọi tắt của Bộ Tư lệnh các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam trong 15 năm cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1961-1976). Từ năm 1971, Bộ Chỉ huy Miền được gọi là Bộ Tư lệnh Miền với nhiệm vụ làm tham mưu cho Trung ương Cục miền Nam lãnh đạo phong trào đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang, trực tiếp chỉ đạo và chỉ huy các LLVT nhân dân chiến đấu, góp phần cùng quân và dân cả nước đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, giải phóng hoàn toàn miền Nam tiến tới thống nhất đất nước. Bộ Tư lệnh Miền khi đó nằm ở 4 mặt tiền đường Tú Xương – Lê Quý Đôn – Hùng Vương –Pasteur ở quận 3, TP Sài Gòn (Dinh của Phó Tổng thống Sài Gòn trước đây, giờ là Nhà Thiếu nhi thành phố Hồ Chí Minh). Tháng 4/1976, tôi được cấp trên giao nhiệm vụ làm công vụ cho Trung tướng Lê Đức Anh –Phó Tư lệnh Bộ Chỉ huy Miền - người chỉ huy tài ba được phong quân hàm vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng. Cùng với tôi có 3 chiến sĩ phục vụ ở từng vị trí khác nhau: lái xe, phục vụ, bác sĩ. Khi nhận nhiệm vụ làm công vụ cho Trung tướng Lê Đức Anh - từng Tư lệnh Quân khu 9 (1969), Phó Tư lệnh Bộ chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh (gồm: Đại tướng Văn Tiến Dũng - Tư lệnh, 02 Phó Tư lệnh: Thượng tướng Trần Văn Trà, Chính ủy Phạm Hùng); kiêm chỉ huy cánh quân phía Tây - Tây Nam Sài Gòn, chỉ huy Đoàn 232 (tương đương cấp quân đoàn) tiến vào Sài Gòn, tôi không khỏi lo lắng. Xuất phát điểm trình độ văn hóa hạn chế (nhà nghèo, đi học muộn, nhập ngũ 17 tuổi, chưa học xong cấp II) làm tôi có thiếu tự tin. Tính tôi vốn cẩn thận, ngăn nắp, gọn gàng, chữ viết nắn nót, đều, đẹp. Có lẽ cấp trên nhìn thấy tố chất đó mà tin cậy giao cho tôi làm công vụ. Giây phút băn khoăn qua mau.
Trung tướng Trần Văn Trà - Tư lệnh Bộ Chỉ huy miền Nam (người đang chỉ tay trên bản đồ) và Tham mưu trưởng Lê Đức Anh (người ngồi bên phải Trung tướng Trần Văn Trà) trong cuộc họp Bộ Chỉ huy miền Nam tại Căn cứ Lộc Ninh (Bình Phước) năm 1972. Ảnh tư liệu
Tôi xác định phải quyết tâm làm tròn nhiệm vụ quan trọng này. Hàng ngày, nhận công văn, báo chí, giấy tờ, tôi chia ra thành từng loại để Thủ trưởng tiện xử lý công việc. Khi chú Sáu không ở phòng, tôi đặt công văn gọn gàng lên bàn làm việc của Thủ trưởng. Khi có công văn hỏa tốc, tôi mang đến nhà cho chú ngay. Vì thế, gia đình chú quen với sự hiện diện của tôi. Khi chú có mặt trong phòng làm việc thì sau khi gửi công văn, tôi thường ngồi đợi lệnh của chú. Các loại giấy tờ, công văn được chú đọc, nghiên cứu rất kỹ lưỡng. Đôi lúc đôi mày chú nhíu lại. Hẳn vầng trán đang cháy rực nghĩ suy. Công việc của một Tư lệnh rất bận. Hình ảnh quen thuộc tôi thường thấy ở chú là sự tận tâm, chuyên chú, tập trung rất cao độ cho công việc đòi hỏi phát huy cao nhất nội lực, tâm tuệ, sự quyết đoán, vững vàng. Công việc dẫu bận là thế, có lần chú hỏi tôi về gia đình riêng. Tôi xúc động khi thấy một Tư lệnh bận trăm công ngàn việc vẫn dành thời gian hỏi chuyện với một anh lính quèn như tôi. Tôi khẽ khàng kể cho chú nghe một cách vắn tắt về hoàn cảnh gia đình, quê hương, về việc xung phong nhập ngũ chưa đủ tuổi. Tôi kể rất vắn tắt, vì sợ mất thời gian của chú. Nghe tôi nói về quê hương, về hoàn cảnh gia đình (nhà nghèo, 8 chị em, gần như là lao động chính trong nhà…) thì chú nói nhà chú có 9 anh em. Quê chú ở xứ Truồi nghèo lắm. Chú đi học trường xa, thường xuyên phải nhịn đói. Đến được trường học phải qua trảng cát bỏng. Chú và bạn bè không có dép đi trân trần trên cát. Thế là các chú nghĩ ra cách làm dép bằng bẹ tre. Cháu chắc không tưởng tượng ra dép bẹ tre như thế nào. Các chú đã đi đôi dép đó đi học. Quê cháu có Vịnh Hạ Long rất đẹp. Con sông Truồi quê chú cũng đẹp lắm…". Chợt chú im lặng, nhìn xa xăm. Tôi biết chú đang nhớ lắm quê hương Phú Lộc. Sinh Thừa Thiên – Huế, nhưng cả đời chú gắn bó máu thịt với vùng đất Nam bộ.
Có lần tôi nghe thấy chú ca mấy câu hò Huế "Trước bến Văn Lâu, ai ngồi, ai câu, ai sầu, ai thảm, ai thương, ai cảm, ai nhớ, ai mong". Có lần chú gọi tôi cắt tóc cho chú. Tôi run bắn người lên. Tôi được anh em trong Bộ Tư lệnh Miền khen tay kéo, khéo tay cắt. Cắt tóc cho đồng đội thì vặt đầu, bứt tai, bắt quay ngang, quay dọc thoải mái, chứ Thủ trưởng thì…Quả là áp lực với tôi. Tôi lo run tay nhỡ cắt hỏng tóc chú…Thấy sự bối rối trên nét mặt tôi, chú cười hiền vỗ vỗ vào vai tôi "Làm chi mà xanh mặt rứa? Hớt tóc cho chú đi hề". Nhìn vào gương, chú gật gật đầu. Rồi nhớ ra điều gì, chú chợt hỏi "Răng 17 tuổi mà con chưa học xong lớp 7?". Nghe tôi trả lời, chú nhìn anh chiến sĩ công vụ của mình đầy cảm thông "Nước nhà có giặc dã, ai cũng phải đứng lên bảo vệ Tổ quốc. Hòa bình lại càng cần phải học nhiều hơn. Không chỉ cầm súng mà cầm bút cũng là một nhiệm vụ quan trọng bảo vệ, dựng xây đất nước. Cháu cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và tranh thủ học tập…". Một số anh em trình độ lớp 10 trong đơn vị tôi được cử đi ôn thi đại học ở các Trường Văn hóa Quân đội. Tôi khắc ghi lời dặn của chú và giờ đã hiện thực hóa lời căn dặn của chú.
Trong thời gian làm công vụ ở Bộ Tư lệnh Miền, tôi có nhiều dịp tiếp xúc với các thành viên gia đình Thủ trưởng. Cô Lê – vợ chú là bác sĩ tính tình hiền thục. Cô chú có 4 người con: 3 gái và một trai đều thông minh, học giỏi. Chị Xuân Hồng học ngành Tâm lý. Chị Hạnh là kỹ sư. Anh Lê Mạnh Hà bằng tuổi tôi đang học đại học. Cô con gái út đang học cấp III. Một hình ảnh tôi luôn thấy trong cuộc sống đời thường của chú là người sống giản dị, chan hòa, gần gũi, chân tình nhưng rất sâu sắc và luôn nặng tình với quê hương.
Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Quân khu 8 và Quân khu 9 sáp nhập thành Quân khu 9. Chú Sáu Nam được điều về làm Tư lệnh Quân khu 9. Tôi theo chú về Quân khu 9 ở Cần Thơ làm Công vụ chừng 3 tháng. Đúng là ở gần mặt trời thấy mình sáng láng thêm. Tôi nhận thấy tài năng quân sự của chú còn được thể hiện ở tư tưởng lấy dân làm gốc, chủ động gần dân, sống trong dân, tạo thế trận lòng dân vững chắc, làm chỗ dựa cho dân; phối hợp với dân tạo thành sức mạnh tổng hợp bộ đội chủ lực cùng phối hợp chặt chẽ bộ đội địa phương và dân quân du kích tiến công của địch đánh kẻ thù xâm lược…
Do điều động của tổ chức, cuối năm 1976, tôi trở lại Quân khu 7 và xa chú Sáu Nam kể từ ngày đó. Năm 1982, sau khi chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, tham gia quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia, tôi ra quân về Quảng Ninh công tác. Khắc khi lời dặn dò, động viên của chú Sáu, tôi vừa đi làm, vừa học bổ túc văn hóa ban đêm, học hàm thụ đại học thể dục thể thao…
Đại tướng Lê Đức Anh và phu nhân cùng các con, cháu tại nhà riêng ở TP.HCM năm 2008. (Ảnh trong cuốn Hồi ký).
Chuyện tôi từng làm công vụ cho Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh ngoài vợ con tôi và mấy người bạn Quảng Ninh nhập ngũ ngày 19/5/1974 hầu như không ai biết. Trở về địa phương khi chưa có Bằng tốt nghiệp cấp II (hệ 10 năm), tôi gặp không ít khó khăn khi xin việc. Sau 6 tháng xin việc, tôi đành bỏ lỡ cơ hội chuyển ngành. Thương tôi, có người bạn đã từng ở cùng Bộ Tư lệnh Miền gợi ý tôi nhờ chú Sáu Nam. Nhưng tôi không nghe theo bạn. Khó khăn tự mình phải giải quyết. Tôi cảm thấy may mắn cuộc đời binh nghiệp đã cho tôi gặp chú và nhất là được học hỏi từ chú đức tính tốt đẹp. Tấm gương hiếu học của chú, sự chịu đựng gian khổ, chịu đói, chịu cát bỏng đi học…đã làm tôi luôn nhớ ghi, xúc động. Chú Sáu Nam đã truyền cho tôi cảm hứng về cái Đẹp, nhân cách, ý chí, nghị lực vươn lên.
Kể từ cuối năm 1976 đến nay, tôi vẫn dõi theo và tự hào về chú. Thời gian lùi xa 43 năm, nhưng trong tâm trí tôi hình ảnh chú Sáu Nam vẫn in đậm. Chú là một trong những vị tướng lĩnh tài năng, uyên bác; nhà lãnh đạo dày dạn kinh nghiệm, có tầm, có tâm với nhiều cống hiến quan trọng cho sự nghiệp cách mạng dân tộc. Tôi tự hào được gần ở gần chú. Dẫu thời gian ngắn, nhưng chú đã cho tôi một tấm gương sáng về nhân cách sống, sự giản dị, tận tâm với nước, tận hiếu với dân. Mong chú yên nghỉ nơi vĩnh hằng. Bên chú luôn có Tổ quốc, Nhân dân và đồng đội.
(Theo lời kể của cựu chiến binh đã từng làm công vụ cho Đại tướng Lê Đức Anh năm 1976)