Tiệm bánh mì hơn 70 năm tuổi gắn liền với tuổi thơ của nhiều người Sài Gòn: Từng xác lập Kỷ lục Việt Nam, mỗi sáng nhẹ nhàng bán 500 ổ
(Tổ Quốc) - Chiếc bánh mì kẹp các loại giò chả, cũng chẳng có bơ, pate hay đồ chua mà chỉ thêm hành tây, dưa leo rồi cuối cùng rắc chút muối tiêu, xì dầu. Đơn giản và mộc mạc như vậy mà chiếc bánh mì Cụ Lý được biết bao người yêu thích.
Khoảng chừng hơn 7 giờ sáng, chúng tôi ghé qua quầy bánh mì Cụ Lý nằm ngay trên mặt đường Hai Bà Trưng, Quận 3, TP.HCM. Gọi là quầy nhưng đây đơn giản chỉ là một cái mẹt lớn đựng đủ các loại giò chả với 3 người liên tục làm đồ cho khách. Hoá ra, quầy bánh mì nho nhỏ đó có tuổi đời lên đến hơn 70 năm.
Từ chuyện cụ Lý mưu sinh bằng nghề bánh mì dạo đến quầy bánh mì Kỷ lục Việt Nam
Đúng như cái tên, quầy bánh mì này có "cha đẻ" chính là cụ Lý. Cụ Lý vốn là người gốc Bắc và chuyển vào Sài Gòn từ những năm 1950. Khi đó, cụ Lý mưu sinh bằng nghề bán bánh mì dạo. Cụ Lý cùng những chiếc bánh mì và giò chả được đựng trong chiếc giỏ tre phủ lá chuối đã rong ruổi suốt các con đường ở Sài Gòn.
Trong sách Sài Gòn 100 quán ngon được Nhà xuất bản Trẻ xuất bản năm 1996 có viết về cụ Lý như này: "Sau hơn ba mươi năm liên tục bán bánh mì dạo với một giỏ tre lớn và di chuyển bằng xe Mobylette, cụ Lý dừng chân ở đầu hẻm 191 Hai Bà Trưng (Quận 3). Đó là giỏ bánh mì thịt của một người quê Bắc vào Nam sinh sống".
Đến khoảng năm 2003 thì cụ Lý nghỉ bán và tiếp quản là người bà con của cụ. Đến bây giờ, bánh mì cụ Lý đã được truyền đến đời thứ 3 là anh Nguyễn Hoàng Quốc Thiện, cháu cụ Lý. Dù đã hơn 70 năm nhưng những chiếc bánh mì tại đây vẫn giữ được hương vị thơm ngon trọn vẹn qua năm tháng. Đến nay, anh Thiện đã tiếp quản tiệm bánh mì của gia đình được gần 20 năm.
Anh Nguyễn Hoàng Quốc Thiện là đời thứ 3 tiếp quản bánh mì Cụ Lý.
Đối với anh Thiện, bánh mì là một món ăn gần gũi và quen thuộc với người Việt nên bản thân anh cũng rất gắn bó và yêu công việc mình đang làm. Trải qua 3 thế hệ, bánh mì cụ Lý vẫn được bán ở địa điểm cũ, khách hàng vì thế đến mua như một thói quen, có những người ăn bánh mì ở đây từ khi còn nhỏ đến giờ con cái cũng đã lớn.
Mới đây, vào năm 2023, bánh mì Cụ Lý đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam vinh danh TOP 10 thương hiệu bánh mì nổi tiếng và lâu đời, hoạt động trên 50 năm tại Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam, như một cách khẳng định chất lượng của bánh mì tại đây.
Bánh mì Cụ Lý được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam vinh danh và được nhắc đến trong sách Sài Gòn 100 quán ngon được Nhà xuất bản Trẻ.
Chiếc bánh mì 5 loại giò chả, chẳng có bơ hay pate nhưng vẫn nhiều người yêu thích
Bánh mì Cụ Lý ban đầu bán ba loại nhân gồm chả bò, chả bì và giò lụa theo kiểu Bắc. Chiếc bánh mì chỉ kẹp các loại giò chả, cũng chẳng có bơ, pate hay đồ chua mà chỉ thêm hành tây, dưa leo rồi cuối cùng rắc chút muối tiêu, xì dầu. Đơn giản và mộc mạc như vậy mà chiếc bánh mì Cụ Lý được biết bao người yêu thích.
Hiện giờ ở đây có 5 loại giò chả, bao gồm chả lụa, chả chiên, chả bò, chả quế, giò thủ.
Đến nay, bánh mì Cụ Lý có thêm chút thay đổi và mở rộng về phần nhân. Hiện giờ ở đây có 5 loại giò chả, bao gồm chả lụa, chả chiên, chả bò, chả quế, giò thủ, chả bì như hồi xưa đã không còn nữa. Điều thú vị là quầy bánh mì cũng vẫn giữ cách sắp xếp giống cụ Lý. Các loại giò chả được đặt trên một chiếc mẹt lót lá chuối. Việc lót lá chuối không chỉ mang đến cảm giác sạch sẽ mà còn góp phần giữ trọn vẹn thơm ngon của giò chả.
Được biết, các loại giò chả do gia đình tự làm theo công thức riêng. Món chả bò ở đây đặc biệt là được trộn với rau thì là rồi đem nướng. Vì thế chả bò ở bánh mì Cụ Lý có hương vị khác hẳn các loại chả bò ở miền Nam. Các loại giò chả khác ở đây cũng được đánh giá là ngon và chất lượng, khi ăn thấy được vị thơm ngon vừa vặn.
Bánh mì được mang đến khoảng 30 phút một lần để đảm bảo độ nóng giòn, các loại giò chả hay dưa leo cũng được lấy ra liên tục.
Còn với bánh mì thì quán lấy ở lò bánh mì quen. Để bánh mì giữ được độ nóng giòn thì lò bánh mì sẽ liên tục mang bánh mì ra, cứ khoảng nửa tiếng một lần. Còn các loại chả cũng được quán thêm vào liên tục, cứ hết lại đổ ra. Đấy là lý do mà khách ăn bánh mì tại đây sẽ cảm thấy bánh và chả lúc nào cũng nóng hổi, thơm ngon.
Cận cảnh chiếc bánh mì thập cẩm có giá 30.000VNĐ.
Mỗi sáng bán 3 tiếng được hơn 500 ổ bánh mì, doanh thu lên đến gần 15 triệu đồng?
Buổi sáng ghé qua bánh mì Cụ Lý, có lẽ bạn sẽ khó mà bắt gặp được cảnh vắng khách ở đây. Khách cứ đến mua liên tục, người 1 ổ, người 2 ổ, lại có người cả 5-6 ổ. Anh Thiện là người trực tiếp làm bánh mì cho khách. Những người còn lại sẽ hỗ trợ các công việc khác như gói bánh cho khách hay thu tiền. Mọi việc cứ thế diễn ra nhịp nhàng, bởi vậy dù đông khách là thế nhưng người mua cũng không phải đợi quá lâu.
Bánh mì Cụ Lý mở bán khoảng hơn 3 tiếng mỗi ngày.
Vào khoảng hơn 6 giờ sáng mỗi ngày, anh Thiện lại dọn ra vài chiếc ghế, đặt chiếc mâm tre lớn lên trên, cẩn thận xếp những chiếc lá chuối và cho các loại chả nóng hổi ra. Mỗi ngày quầy bánh mì nhỏ có thể bán lên đến 500 cái chỉ trong vòng vỏn vẻn có hơn 3 tiếng đồng hồ. Đôi khi hết sớm thì tiệm cũng đóng cửa sớm.
Với mỗi một ổ bánh mì có giá 25.000 - 30.000VNĐ, có thể dễ dàng tính doanh thu trong một buổi sáng của bánh mì Cụ Lý có thể lên tới gần 15 triệu đồng. Không chỉ mua bánh mì mà nhiều khách còn mua giò chả riêng. Tại đây, các loại chả bò, chả quế được bán với giá 300.000VNĐ/kg, chả lụa 220.000VNĐ/kg, giò thủ 200.000VNĐ/kg.
Đến đây bạn sẽ được xem anh chủ thoăn thoắt làm bánh mì cho khách.
Chị Bích Ngọc, 38 tuổi, chia sẻ: "Hồi mình còn bé, mình đã được bố mẹ dẫn ra đây để ăn bánh mì. Vì thế khi bây giờ đã lớn, lập gia đình và có con nhưng mình vẫn ghé đây mua bánh mì ăn sáng như một thói quen. Bánh mì ở đây đơn giản nhưng hợp khẩu vị với nhà mình. Thỉnh thoảng mình cũng mua riêng giò chả về ăn cùng cơm".
Cứ thế, suốt hơn 70 năm qua, bánh mì Cụ Lý như một ký ức đẹp đối với người dân Sài Gòn. Đôi khi đối với nhiều người chẳng phải ăn vì ngon mà bởi đó như một thói quen, và cũng là thanh xuân với biết bao người.
Khách ghé quầy bánh mì Cụ Lý liên tục, mọi người làm không ngơi tay.