(Tổ Quốc) -Những ngày qua, trong khi cả nước đang hướng về nơi người dân phải gồng mình chống chọi với không ít trận lũ quét cướp đi sinh mạng của hàng chục người, thì cũng là lúc trong phòng thi lứa học trò của năm 2000 được “cân não” bàn về “tiềm lực tự nhiên” của đất nước.
Đoạn thơ trích trong đề thi văn của kỳ thi THPT quốc gia 2018 của nhà thơ Nguyễn Duy đề cập đến “tiềm lực tự nhiên” và được ông hoàn thành từ những năm 1980 – 1982, nghĩa là cách đây đã gần 40 năm.
Không phủ nhận đất nước chúng ta có nhiều "tiềm lực tự nhiên” với “rừng vàng biển bạc” từng đi vào thơ ca nhạc họa của không ít văn nghệ sĩ cũng như trong trí nhớ của biết bao thế hệ.
Gần 40 năm kể từ ngày theo quan sát của nhà thơ Nguyễn Duy để một thi phẩm ra đời, cái mốc thời gian của nửa đời người, đủ để một người được sinh ra tại thời điểm ấy trở thành trung niên và có những thế hệ sau nối tiếp… chúng ta thấy những gì?. Chúng ta thấy “tiềm lực tự nhiên” của đất nước đã không còn ngủ yên, đã được khai phá, đã được đưa vào phục vụ cuộc sống con người, đã giúp nhiều người thoát nghèo, đã “cho áo em tôi không còn vá vai/ Cho phần gạo mỗi nhà không còn thay bằng ngô/khoai/sắn…” như mong ước của nhà thơ Nguyễn Duy từ 40 năm trước.
Các sĩ tử sinh năm 2000 bước vào kỳ thi THPT quốc gia năm 2018. Ảnh: Minh Khánh |
Nhưng hôm nay, đất nước vẫn cứ nghèo, vẫn có những cảnh ngộ bần hàn cần đến sự hỗ trợ của nhà nước và cộng đồng.
Và bên cạnh đó, chúng ta cũng phải thẳng thắn thấy rằng “tiềm lực tự nhiên” của đất nước bị khai thác bừa bãi. Nạn chặt phá rừng và khai thác khoáng sản thiếu cẩn trọng… đã dẫn đến những hệ lụy không ngờ từ sự nổi giận của thiên nhiên. Thiên nhiên ưu đãi con người, cho con người môi trường sống, nguồn sống nhưng chính con người lại tàn phá thiên nhiên, không cân bằng tự nhiên để thiên tai ập đến.
Chúng ta đều biết ngọn nguồn của thiên tai và cũng đều biết hậu quả của nó, không chỉ làm trôi đi tài sản, khánh kiệt bao gia đình mà còn làm tan nát, chia lìa bao cảnh đời, là những tai họa không báo trước, là nỗi khiếp sợ của tất cả mọi người. Vậy nhưng, vì sao chúng ta vẫn không giảm hay ngăn được cơn giận dữ của thiên nhiên để cuộc sống đỡ phải gánh chịu hậu quả từ thiên nhiên?. Là bởi chính con người không dừng tay trước những cám dỗ của “rừng vàng biển bạc”, của tài nguyên thiên nhiên sẵn có mà không ý thức được rằng chỉ ăn sẵn của cải thì nhiều đến đâu cũng hết, cũng cạn kiệt. Nếu chỉ khai thác tài nguyên sẵn có mà không biết mở ra cơ hội tái tạo thì tiềm lực tự nhiên có bao la đến mấy cũng lụi tàn. Lúc đó, thiên nhiên sẽ không còn che chở, bảo vệ, nuôi sống con người nữa mà trở nên hung hãn, đe dọa cuộc sống của con người.
Những số liệu về bão lụt, lũ quét, sạt lở gần đây cho thấy đang có xu hướng xảy ra thường xuyên hơn, khó lường và để lại hậu quả khốc liệt hơn. Vậy phải chăng tiềm lực tự nhiên là thứ tài sản đáng quý nhưng nếu con người không biết đánh thức, khai phá, trân trọng, sử dụng hợp lý, hài hòa thì tiềm lực tự nhiên hoặc là ngủ yên, không phát huy được giá trị hoặc là cạn kiệt, và thậm chí còn kéo theo những hệ lụy từ thiên nhiên.
Nhìn rộng hơn, ở nhiều đất nước khác, khi thiên nhiên không ưu đãi, họ buộc phải đối mặt với những thiên tai do địa hình địa lý. Nhưng họ vẫn vươn lên trở thành những quốc gia đáng học hỏi ngưỡng mộ, như một dấu hỏi đầy trăn trở cho chúng ta. Vì sao, là bởi họ không trông chờ, ỉ lại vào cái gọi là “tiềm lực tự nhiên” . Họ chấp nhận hoàn cảnh để vượt qua bằng tiềm lực con người, lấy tiềm lực con người là điều tiên quyết để giữ gìn, bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Biết khơi dậy tiềm lực con người từ mỗi cá nhân thì sẽ chiến thắng thiên tai, sẽ tạo ra của cải vật chất.
Nếu chúng ta chỉ trông chờ thụ động vào tiềm lực tự nhiên thì đất nước không bao giờ phát triển. Nếu chúng ta không khơi dậy và phát huy tiềm lực con người thì câu trả lời cũng không khác là bao so với giả định ở câu trước.
Hình ảnh sau lũ quét tại Tam Đường, Lai Châu tháng 6/2018. Ảnh: Bắc Nam |
Để phát huy tiềm lực của con người phải là sự nỗ lực của mỗi cá nhân trong xã hội từ những đòn bẩy hữu hiệu như thu hút người tài, không để chảy máu chất xám với những cơ chế, chính sách giữ chân họ, luôn kích thích những sáng tạo, tri thức để được phát huy tối đa, hiệu quả của tất cả mọi người, mọi tầng lớp. Bên cạnh đó, ngoài trân trọng “tài” thì cũng phải chú trọng “đức”. Bởi nếu tài mà không đi đôi với đức thì chẳng khác gì cảnh người xây, người phá, mà thường phá thì luôn nhanh và dễ hơn gấp nhiều lần so với xây. Quyết liệt chống tham nhũng, chống giặc nội xâm, loại bỏ những sâu mọt đang ẩn mình ngày đêm đục khoét làm mục ruỗng cũng là cách để tạo niềm tin cho tiềm lực con người được phát huy.
Từ một đề thi văn dành cho các em sắp rời ghế nhà trường, chấm dứt đời học sinh tinh nghịch, trong sáng nhưng cũng đầy trăn trở với hoài bão, ước mơ khi đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời cũng làm không ít người lớn phải day dứt, suy ngẫm, tự vấn và nhìn lại bản thân.
Xin tạm gác và không bình luận độ đúng sai, hay dở của đề thi văn, chỉ hi vọng vấn đề “tiềm lực tự nhiên” cũng sẽ là những trăn trở của lứa học sinh mà mọi người vẫn thường kỳ vọng khi những năm cuối cùng của thế kỷ cũ trôi qua – thế hệ 2K hay 10X đã và đang bắt đầu. Có thể những trăn trở thật lòng “không” hay “chưa” xuất hiện trong bài thi quan trọng, có ảnh hưởng đến 12 năm miệt mài đèn sách nhưng sẽ theo các em, sẽ là hành trang trong suy nghĩ của các em – những chủ nhân tương lai của đất nước. Hoặc có thể những suy nghĩ mạnh dạn, thật lòng này có trong bài thi mà đáp án mở cho phép nhưng người cầm bút chấm còn chút đắn đo thì hi vọng họ đặt quyết định những điểm số đúng với lương tâm người thầy, người làm giáo dục nhằm đánh giá đúng “tiềm lực học sinh” - tiềm lực của con người. Bởi chúng ta luôn trân trọng "tiềm lực tự nhiên" nhưng vốn quý hơn lại là "tiềm lực con người" - “Bàn tay ta làm nên tất cả/ Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”.