(Tổ Quốc) - Theo Vietnam Briefing, thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) là một trung tâm kinh tế trọng điểm của khu vực phía Nam Việt Nam. Với vị trí chiến lược và lực lượng lao động dồi dào, TP.HCM nổi bật là một trong những đô thị năng động nhất Đông Nam Á.
Theo Chỉ số về đà phát triển thành phố của JLL vào năm 2020, TP.HCM của Việt Nam là thành phố năng động thứ ba thế giới, sau Hyderabad và Bangalore của Ấn Độ. TP.HCM được đánh giá cao nhờ nền tảng nhân khẩu học đa dạng, nền kinh tế định hướng xuất khẩu và chính những yếu tố này đưa TP.HCM trở thành điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Về mặt kinh tế, TP.HCM cho thấy tiềm năng tăng trưởng to lớn trong bốn ngành công nghiệp chính: cơ khí và tự động hóa; điện tử và CNTT; sản phẩm hóa chất; và chế biến thực phẩm. Thành phố có cảng Sài Gòn, cảng loại I, đóng vai trò là cửa ngõ quan trọng cho thương mại quốc tế và vận tải hàng hải của Việt Nam và sân bay Tân Sơn Nhất, một trong năm sân bay quốc tế lớn nhất cả nước.
Ngành cơ khí và tự động hóa
Các ngành công nghiệp tự động hóa và cơ khí là xương sống cho sự phát triển kinh tế của TP.HCM. Tự động hóa đã giúp chuyển đổi nhiều ngành công nghiệp quan trọng trong khu vực, bao gồm chế biến thực phẩm, điện tử và dệt may. Kể từ khi áp dụng tự động hóa, các ngành này đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng từ 11% đến 35% mỗi năm.
TP.HCM cũng nổi tiếng với lực lượng lao động lành nghề trong ngành cơ khí và tự động hóa. Thành phố cũng đặc biệt ưu tiên hỗ trợ tài chính, kỹ thuật cho các trường đại học, khoa đào tạo ngành cơ khí.
UBND TP.HCM cũng đã ban hành Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp cơ khí/tự động hóa giai đoạn 2020-2030, tập trung thúc đẩy nhiều nhiệm vụ như: Xác định danh mục sản phẩm chủ lực, tiềm năng trong lĩnh vực cơ khí/tự động hóa; Chú ý tới đầu tư tư nhân vào ngành; Phát triển lực lượng lao động có tay nghề cao, đặc biệt là kỹ sư có tay nghề cao thông qua đầu tư vào các trường đại học và cơ sở đào tạo; Tìm các phương án kích cầu; Ưu đãi tín dụng để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn lớn hơn, thúc đẩy tiến bộ công nghệ; và đưa ra các ưu đã về thuê đất.
Gần đây còn có sự hỗ trợ của các công ty đa quốc gia trong ngành tự động hóa cho các công ty viễn thông và các trường đại học tại Việt Nam. Siemens – nhà sản xuất thiết bị công nghiệp lớn của Đức – đã hợp tác với các công ty viễn thông Việt Nam VNPT, FPT và Tập đoàn VinGroup để thực hiện chuyển giao công nghệ đồng thời tài trợ cho phòng thí nghiệm của Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM. Trong khi đó, Mitsubishi – nhà sản xuất ô tô nổi tiếng của Nhật Bản – đã tài trợ cho việc nâng cấp phòng thí nghiệm của Đại học Công nghiệp TP.HCM.
Ngành điện tử và CNTT
Tháng 5 năm 2022, TP.HCM ban hành Chương trình nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ giai đoạn 2021-2025. Chương trình nhằm mục đích đẩy nhanh chuyển giao công nghệ để tạo điều kiện phát triển thành phố thông minh. Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cũng kêu gọi các doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực thực hiện chuyển đổi số trong sản xuất và quản lý, đồng thời đảm bảo TP.HCM sẽ hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp CNTT trong hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D).
TP.HCM cũng là điểm nóng về sản xuất điện tử, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nước ngoài. Hiện có tới 90% kim ngạch xuất khẩu điện tử của TP.HCM là từ các doanh nghiệp FDI trong khi các nhà sản xuất trong nước chủ yếu tham gia lắp ráp linh kiện đơn giản. Điều này cho thấy quá trình hiện đại hóa trong ngành còn thấp và cần định hướng nhiều hơn.
Trong khi giai đoạn 2020-2025 tập trung đẩy mạnh sản xuất linh kiện máy tính, thiết bị viễn thông thì đến năm 2025, TP.HCM chú trọng nâng cấp công nghệ sản xuất để đạt được trình độ của thế giới ở ba sản phẩm chính: phần cứng, phần mềm và nội dung số.
Công nghiệp hóa chất
Ngành hóa chất cung cấp nguyên liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp khác và có ý nghĩa quan trọng trong việc duy trì chuỗi cung ứng của TP.HCM.
Tuy nhiên, ngành hóa chất TP.HCM cũng có một số khó khăn. Về mảng dược phẩm, hầu hết các nhà sản xuất trên địa bàn thành phố vẫn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu từ bên ngoài. Trước tình hình này, năm 2021, Sở Y tế TP.HCM đã ban hành Chiến lược phát triển ngành Dược giai đoạn 2020-2025 nhằm thúc đẩy sản xuất nhiều thuốc chuyên biệt, có bằng sáng chế và độc lập về nguồn cung đầu vào.
Đồng thời, TP.HCM cũng khuyến khích đầu tư tư nhân, đặc biệt là FDI, thông qua việc giảm tiền thuê đất, thuế suất ưu đãi và ưu đãi tín dụng cho các doanh nghiệp trong ngành.
Công nghiệp chế biến thực phẩm
Sản xuất công nghiệp thực phẩm là một trong 4 ngành mũi nhọn được TP.HCM ưu tiên.
UBND TP.HCM đã ban hành Chương trình phát triển hỗ trợ doanh nghiệp ngành thực phẩm giai đoạn 2020-2030. Chương trình hướng tới mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng 7%, đồng thời tạo sân chơi thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp thực phẩm trong và ngoài nước trên địa bàn thành phố.
Dù có những dấu hiệu tích cực như vậy nhưng ngành thực phẩm TP.HCM vẫn gặp khó khăn lớn. Chi phí nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu gia tăng mạnh trong khi hậu cần cũng tốn thêm chi phí, ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp chế biến thực phẩm.
Một thách thức khác cần lưu ý là sự cạnh tranh khốc liệt từ các nhà sản xuất thực phẩm Ấn Độ và Thái Lan. Các doanh nghiệp thực phẩm tại TP.HCM hiện đang được khuyến khích nhanh chóng chuyển đổi số để bắt kịp các đối thủ nước ngoài, từ đó mở ra triển vọng hợp tác và hợp tác đầu tư với các bên liên quan.
Có thể thấy TP.HCM đang nổi lên như một trung tâm kinh tế của khu vực ASEAN với tiềm năng tăng trưởng rõ ràng. Với nhiều khu công nghiệp, ưu đãi đầu tư hấp dẫn và lực lượng lao động đông đảo, TP.HCM là điểm đến nổi bật cho các nhà đầu tư muốn đa dạng hóa hoạt động sản xuất.