(Cinet)- Tiền Giang nằm về phía Đông Bắc đồng bằng sông Cửu Long, phía Bắc sông Tiền và nằm giữa 2 thành phố lớn là thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Cần Thơ, sát địa bàn kinh tế trọng điểm phía Nam.
Khái quát chung
Diện tích: 2.481,77 km2
Phía Đông giáp biển Đông, phía Tây giáp tỉnh Đồng Tháp, phía Nam giáp tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, phía Bắc và Đông Bắc giáp tỉnh Long An, thành phố Hồ Chí Minh.
Dân số: 1,677 triệu (Năm 2010)
Dân tộc: Kinh, Hoa, Khmer, Tày.
Đơn vị hành chính: 1 thành phố, 1 thị xã, 7 huyện.
Tài nguyên văn hóa
Di sản văn hóa
Tiền Giang hiện có 21 di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia, trong đó có 10 di tích lịch sử - văn hóa đang thu hút mạnh khách du lịch đến tham quan, nghiên cứu như: di tích Rạch Gầm - Xoài Mút, khu di tích Chiến thắng Ấp Bắc, lăng Trương Định, nhà thờ Trương Định, lăng Thủ Khoa Huân, lăng Hoàng Gia, chùa Vĩnh Tràng, khảo cổ Óc Eo Gò Thành.
Tài nguyên du lịch nhân văn của Tiền Giang bao gồm các di tích lịch sử – văn hoá, di tích cách mạng, các nghệ thuật kiến trúc, các nghề truyền thống, như Chùa Vĩnh Tràng, Di tích mộ và đền thờ Thủ Khoa Huân, Lăng Trương Định, Luỹ pháo đài Trương Định, Lăng Hoàng Gia, Bến đò Phú Mỹ, Nhà Đốc phủ Hải (nhà truyền thống thị xã Gò Công), Đình Long Hưng, di tích văn hoá ốc Eo Gò Thành, di tích lịch sử ấp Bắc; Trại giam tù binh cộng sản Phú Quốc (huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang).
![]() |
Di tích Rạch Gầm- Xoài Mút |
Tiền Giang có kho tàng văn hóa phi vật thể phong phú, gồm khoảng 17 lễ hội lớn nhỏ, bao gồm lễ hội dân gian, lễ hội ngành nghề (rước Cá ông), các nghề truyền thống độc đáo như đóng tủ thờ, chạm trổ… Nghệ thuật chưng nghi, Thờ cúng, tín ngưỡng, Cúng Thần nông, Cúng đất, Giỗ họ, hay còn gọi là cúng Việc lề, Tục thờ thổ thần và Bà Chúa xứ, Tục thờ thổ thần và Bà Chúa xứ, Các thần độ mạng.
Nghệ thuật biểu diễn
Tiền Giang nổi tiếng với các điệu hò. Sự phát triển làn điệu và các hội hò gắn liền với điều kiện, phương thức canh tác và môi trường sinh hoạt, Hò Cai lậy, hò Bản đờn, Hò cấy Gò Công.
Hò Cai lậy, còn gọi là hò đồng, trong những năm đầu thế kỷ 20, phát triển mạnh ở khu vực các xã phía bắc, ven đồng Tháp Mười, nơi cư dân chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa nước. Hò Cai lậy có đặc điểm khá độc đáo là nó được cách tân từ điệu hò mái dài, nguồn gốc từ miền Trung. Về mặt tiết tấu và tiếng hòa có sự khác biệt rõ nét giữa hò cấy Gò Công, hò mái ngắn của giới thương hồ vùng Bánh Tét (Châu Thành) hay điệu hò ở Ba Tri (Bến Tre)…
Hò Bản đờn là giọng hò có tiết tấu nhanh, giàu nhạc điệu, sau mỗi nhịp có tiếng hòa: hò ú liu khoan. Nhịp chót có thêm một đoạn: hò ú liu khoan, tích tịch tang, hỡi bớ nàng(chàng) thê chính thê, thê vân trượng, quan tử tùng, nị kéo dang…
Bên cạnh các điệu hò đặc sắc nói trên, vùng Cai lậy còn có các điệu hò nghi lễ. Còn gọi là hò bả trạo, được diễn xướng trong dịp tang lễ.
Hò cấy Gò Công được chia thành 3 loại: hò đối đáp, hò đậu, hò hội (phải có đông người tham dự hơn).
Điểm đến
Ngoài hệ thống di sản, di tích phong phú, với địa lý vị trí thuận lợi, Tiền Giang còn có những cơ hội thuận lợi cần nắm bắt, là điểm du khách quốc tế dừng chân trong tổng thể du lịch trên vùng sông Mê Kông - đã được tổ chức du lịch thế giới đã xác định là một trong mười điểm du lịch thế giới vào năm 2000.
![]() |
Vẻ đẹp yên bình miền sông nước Tiền Giang |
Du lịch Tiền Giang xác định sự liên kết nối tua với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, miền Đông Nam Bộ để phong phú hoá chương trình tham quan. Đồng thời hợp tác chặt chẽ với thành phố Hồ Chí Minh để khai thác, tiếp cận nguồn khách, trao đổi kinh nghiệm, công nghệ thông tin trong du lịch, tranh thủ sự hỗ trợ và hợp tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch.
CN
(Ảnh minh họa. Nguồn Internet)