• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tiếng lòng của một người thầy giáo (*)

01/07/2017 20:41

(Tổ Quốc) - 25 bài viết là 25 cung bậc cảm xúc mà Hà Kiều muốn “thay lời muốn nói”. Có lẽ những trải nghiệm của nghề và cả những nỗi niềm, sự tâm huyết được anh ký gửi vào đó. Tôi tin, bạn đọc sẽ thích khi đọc cuốn sách Làm sao để khôn ngoan hơn trên đường đời?

Quảng Nam, Quê hương của những người con ưu tú, những bà mẹ anh hùng, những danh sĩ cốt cán, những nhà khoa học, những doanh nhân thành đạt của nước nhà… Nhiều tấm gương vượt khó và trở thành những công dân có ích, góp phần không nhỏ cho sự nghiệp phát triển quê hương, đất nước.

Trong vô vàn những tấm gương vượt khó ấy, có một người mà tuổi thơ của anh đầy chênh chao, biến động. Nhưng bằng ý chí, nghị lực và niềm tin của tuổi trẻ, anh đã vượt qua mọi thử thách. Từ một cậu học trò nghèo, với sức học trung bình có thể bỏ học bất cứ lúc nào, anh đã từng bước vươn lên và đã thực hiện ước mơ cháy bỏng của đời mình là bước vào giảng đường đại học. Và không lâu sau đó, anh trở thành một thầy giáo, một nhà báo với nhiệt huyết, sự năng động, tận tâm với nghề rất đáng được ghi nhận. Anh không ai khác chính là Hà Kiều, tác giả tập bút ký Làm sao để khôn ngoan hơn trên đường đời?

Tập sách là những lời tự thuật của chính tác giả về những năm tháng khó nhọc của đời mình đã đi qua, những gì mắt thấy tai nghe, những suy ngẫm, sự cảm thông, xa xót, lo lắng và cả những đau đáu trước thực trạng giáo dục của nước nhà.

Bìa tập bút ký của tác giả Hà Kiều

Đọc mẩu chuyện nào trong tập sách, tôi cũng cảm thấy ray rứt, xúc động bởi Hà Kiều đã gửi vào đấy cái tình của một con người đã trải qua nhọc nhằn, được thua cơm áo. Con người ấy đã đi qua những cung đường sỏi đá, chông gai, nhiều trải nghiệm và sự tinh tế trong cách nhìn nhận, mổ xẻ các vấn đề, các sự việc liên quan với nghề, đến các mối quan hệ và đạo đức xã hội...

Cuộc đời Hà Kiều đã đi qua là một chuỗi dài những tháng ngày gian nan, vất vả, đầy chông chênh, vui ít buồn nhiều. Chính cuộc đời không mấy bình yên ấy được anh kể lại một cách tự nhiên của người trong cuộc. Ở đó, có những nỗi đau quặn thắt, sự khát khao của một trái tim đa cảm, nhiều thổn thức.

Những dòng tâm sự trong tập sách khiến tôi không cầm được nước mắt, vừa cảm thông cho hoàn cảnh và vừa thán phục nghị lực vươn lên của tác giả. Vì rằng, giờ đây thế hệ trẻ thường hay ỷ lại, phụ thuộc vào bố mẹ, mọi thứ đều có người lớn lo đầy đủ cả. Được sống trong đủ đầy, có bố mẹ chăm lo cho tất mọi thứ là điều đáng mừng, nhưng chính bản thân mỗi người trẻ cần phải biết tự lập, làm chủ bản thân để bước vào đời, để chống chọi, ứng phó trước những va đập và bất trắc của cuộc sống.

Tốt nghiệp Đại học, Hà Kiều trở thành thầy giáo đứng trên bục giảng. Những năm tháng gắn với bảng đen, phấn trắng đã để lại cho anh những vui buồn, trăn trở, suy tư về đời, về người và nghề. Anh hăm hở bước vào nghề giáo với niềm tin yêu và hi vọng tràn trề. Đó là niềm vui, sự hãnh diện cho chính bản thân, gia đình, hàng xóm khi mình được làm “ông giáo”- truyền lửa cho các thế hệ học trò. Ấy vậy mà thực tế không như anh nghĩ. Bản thân anh phải đối diện với nhiều thử thách và mối lo âu trong khoảng thời gian không dài đi dạy. Từ đó, anh đã có nhiều những trải nghiệm về nghề, về những mặt trái và hệ lụy của nó. Chính bằng cái tâm và cái nhìn đầy trách nhiệm công dân, anh vô cùng đau đớn, xót xa trước những bất cập của ngành. Sự lệch chuẩn, thờ ơ, vô cảm… của một bộ phận không nhỏ đã và đang diễn ra gây nên những hệ quả khó lường. Tất cả những điều đó được anh phản ánh trong nhiều bài viết với một cái nhìn thẳng thắn, trung thực của một người trong cuộc.

Những câu chuyện một thời đứng lớp được Hà Kiều kể bằng cái giọng tâm tình, thủ thỉ, người đọc cảm thấy xót xa trước những sự thật đang diễn ra trong ngành giáo dục và phải chăng nó đã trở thành căn bệnh mãn tính? Câu hỏi lớn đặt ra cho các cấp, các ngành, cho những người quản lý nói chung và cho những người “cầm chịch” mảng giáo dục đào tạo nói riêng. Họ cần, nên và phải làm gì để kịp ngăn chặn, đẩy lùi những căn bệnh, những thói hư tật xấu mà lẽ ra sẽ không có và không bao giờ có trong giáo dục. Đó là môi trường cần phải được lành mạnh, tinh khiết - nơi đào tạo con người không chỉ kiến thức mà còn ở giá trị nhân cách, đạo đức…

Mẩu chuyện Thầy cũng đã rơi vào tâm trạng như thế! là những lời giãi bày đầy tâm huyết, gan ruột của thầy giáo Hà Kiều. Đó như là lời nhắn gửi, khích lệ, động viên cho các em học sinh trong việc thực hiện những ước mơ, hoài bão của cuộc đời mình. Từ câu chuyện của thầy, từ những nỗi lo lắng, ngỡ ngàng, căng thẳng, nôn nao... trong việc xác định mục tiêu để phấn đấu vươn lên trước cánh cửa đường đời, phải trải qua nhiều khó khăn và thử thách. Đó cũng là tâm lý chung của tuổi trẻ, là những thách thức lớn đòi hỏi mỗi chúng ta phải vượt qua. Để đạt được mục tiêu đề ra, không có cách nào khác hơn, bản thân mỗi người phải có một niềm tin, sự nỗ lực, cố gắng bền bĩ; không nản chí trước thất bại, không tự mãn trước những thành công. Và chỉ có sự phấn đấu không mệt mỏi mới đem lại thành công thực sự.

Thầy giáo có tâm là người luôn cầu thị và muốn giáo dục hiệu quả thì phải gần gũi, tìm hiểu rõ hoàn cảnh của từng học sinh, gia đình các em để có cách giáo dục, giúp đỡ, động viên kịp thời cho các em. Đặc biệt là đối với những học sinh cá biệt, theo Hà Kiều người giáo viên phải thực hiện phương thức “bớt lời, nới tay” - không chỉ “dạy” mà còn “dỗ”. Tâm huyết và sẵn sàng sống chết với nghề. Nhưng rồi, hình như thiên chức “gõ đầu trẻ”, cái duyên với nghề đưa đò cho khách sang sông của anh cũng đến lúc phải gác lại. Rời bục giảng, anh bước vào nghề báo với bao hoài bão, ấp ủ và bao dự định lớn lao với nghề. Bằng cái tâm nghề nghiệp và sự tự thức của người cầm bút chân chính Hà Kiều có nhiều bài viết phản ánh các vấn đề thời sự, văn hóa, đạo đức… gây được sự cảm tình đối với độc giả.

Hầu hết những câu chuyện trong tập sách này được tác giả viết trong hai năm sống và làm việc ở Sài Gòn. Xa quê, nỗi nhớ nhà, nhớ người thân lại cồn cào, da diết hơn. Trong đó, hình ảnh về cha, về mẹ, về những năm tháng đã qua với bao đắng cay, thiếu thốn; bao kỉ niệm, suy tư về thời đi dạy lại ùa về và cả sự xót xa, thương cảm với những mảnh đời kém may mắn.

Sống trên đất khách, Hà Kiều mới thấm thía và nhận ra cái quý giá của thời gian, của những bữa cơm gia đình, của tình thân, tình người… giữa cuộc sống bộn bề, tất bật. Mà ở đó, bao gian dối, lọc lừa, trắng - đen, thật - giả, nhiều thang bậc đạo đức bị xáo trộn. Tuy vậy, người tốt - lòng tốt vẫn luôn hiện hữu quanh mình.

Điều đặc biệt, trong tập sách này, Hà Kiều có những bài viết cảm động về người mẹ và người cha đáng kính của mình. Người cha tàn tật, người mẹ lại triền miên trong những cơn đau nhưng họ vẫn cố gắng tảo tần hôm sớm, chắt chiu từng đồng nuôi cả gia đình. Và giờ đây, khi anh đang ở mảnh đất phương Nam, phải đối diện với bao thử thách, bon chen, chạy đua với công việc và cuộc sống; anh lại nhói lòng và lo lắng cho người cha sống ở quê nhà không có anh bên cạnh trong những lúc ốm đau, trái gió trở trời. Những giọt nước mắt mặn chát, cay xè lại chảy và thấm tận vào tâm can anh khi nghĩ về mẹ: “Con không muốn mất má, không muốn trôi theo dòng chảy nghiệt ngã của thời gian. Con muốn ở bên má, được nghe tiếng nói cười và thậm chí là cả lời la mắng mỗi khi con mắc sai lầm… Mất má, con mới biết quý má chừng nào…”.

Là đứa con trai hiếu nghĩa, Hà Kiều tự thức rằng mình chưa làm gì để đáp đền xứng đáng cho mẹ thì mẹ đã về với cỏ xanh, mây trắng. Nhưng tôi tin, ở dưới nấm mộ sâu người mẹ của anh cũng cảm thấy ấm lòng vì có đứa con trai tình nghĩa, sống hết mình bằng cái tâm và tinh thần trách nhiệm công dân. Vốn là người nhạy cảm, dễ xúc động nên điều gì xảy ra xung quanh cũng điều để lại cho Hà Kiều những nỗi niềm trắc ẩn. Anh trân trọng những tình cảm thiêng liêng của gia đình, người thân. Cảm thông, xót thương cho những mảnh đời bất hạnh, những gia đình nghèo, các em có hoàn cảnh khó khăn trong việc thực hiện ước mơ, hoài bão của mình.

Một thời anh cũng có những bất an và mất niềm tin trong việc định hướng nghề nghiệp nhưng bằng ý chí, niềm tin, Hà Kiều đã chọn cho mình con đường đi theo đúng sở thích và năng lực của bản thân. Dẫu biết rằng: “Con đường đó không trải hoa hồng mà phải trả bằng chính sức lực của bản thân”.

Đọc tập sách Làm sao để khôn ngoan hơn trên đường đời? người đọc bắt gặp một con người trẻ nhưng giàu suy tư, nhiều trăn trở. Bằng lối viết tự nhiên, hồn hậu, với những hình ảnh gần gũi, sự việc “quen thuộc” nhưng đầy bất ngờ, để lại ấn tượng và có sức ám gợi với độc giả. Đó chính là tiếng lòng của một người trẻ tuổi với những khao khát, sự hoài nghi, lo lắng trước cuộc đời. Những câu chuyện nhẹ nhàng, man mác như tiếng thở dài của lòng mình nhưng dưới con mắt nhìn đời đầy nhân văn, nhân ái Hà Kiều đã làm sáng tỏ ý nghĩa triết mỹ của nó.

25 bài viết trong tập sách là 25 cung bậc cảm xúc mà Hà Kiều muốn “thay lời muốn nói”. Đọc hết thẩy, tôi lại càng trân quý cái tình của người viết. Có lẽ những trải nghiệm của nghề và cả những nỗi niềm, sự tâm huyết được anh ký gửi vào đó. Tôi tin, bạn đọc sẽ thích khi đọc cuốn sách Làm sao để khôn ngoan hơn trên đường đời?

Nguyễn Văn Hòa

----------------

(*) Tập bút ký “Làm sao để khôn ngoan hơn trên đường đời?” của Hà Kiều, NXB Hội Nhà văn, 2017

NỔI BẬT TRANG CHỦ