(Cinet)- Không ít người phải giật mình khi nghe những cuộc nói chuyện của giới trẻ hoặc đọc những đoạn trò chuyện trên mạng (chat) hay tin nhắn điện thoại của các “teen”. Không hiểu đã là một nhẽ, nhưng cũng cần phải suy nghĩ một cách nghiêm túc, bởi đằng sau những ngôn ngữ thời @ ấy là một khoảng trống lớn lao về văn hoá, về lòng tự hào dân tộc.
(Cinet)- Không ít người phải giật mình khi nghe những cuộc nói chuyện của giới trẻ hoặc đọc những đoạn trò chuyện trên mạng (chat) hay tin nhắn điện thoại của các “teen”. Không hiểu đã là một nhẽ, nhưng cũng cần phải suy nghĩ một cách nghiêm túc, bởi đằng sau những ngôn ngữ thời @ ấy là một khoảng trống lớn lao về văn hoá, về lòng tự hào dân tộc.
Ngôn ngữ độc nhất vô nhị
Xưa, nhà văn hoá Phạm Quỳnh đã từng thốt lên rằng “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn” để nói lên tầm quan trọng của ngôn ngữ - tiếng mẹ đẻ. Bởi ngôn ngữ không đơn thuần chỉ là thứ để giao tiếp, để truyền tải thông tin, mà hơn thế, nó còn là lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Khi tiếng ta vang lên, ấy là khi ta chứng minh sự tồn tại của mình. Điều đó đã được khẳng định trong lịch sử.
Hơn 1000 năm Bắc thuộc, với mưu đồ đồng hoá để hoàn toàn thôn tính nước ta, nhưng rút cuộc, vẫn mãi chỉ là những lần thất bại, lần sau thua đau hơn lần trước. Bởi, người Việt xưa đã thực sự giữ được những vốn quý của cha ông, xây dựng cho dân tộc mình một nền tảng văn hoá vững chắc, để có thể trụ vững trước “cơn sóng đồng hoá” văn hoá . Tất cả những thứ được gọi là văn hoá mà chế độ phong kiến phương Bắc đưa sang nhằm làm biến đổi văn hoá của người Giao Chỉ, cuối cùng cũng được người Việt “tiếp thu” một cách có chọn lọc và biến đó thành văn hoá của mình. Ngay cả đến ngôn ngữ, thứ được coi là “tinh hoa” của mỗi dân tộc, cũng được người Việt “tận dụng tối đa” trong việc chống lại sự đồng hoá với sự ra đời của chữ Nôm trên cơ sở chữ Hán.
Đó là chuyện xưa!
Nay, với cách “hành văn” của “teen”, khó có cha mẹ nào hiểu được vì tiếng lóng của họ bây giờ không theo bất cứ quy luật, nguyên tắc nào. Đây là kết quả của thói quen blog, chat trên mạng, nhắn tin qua điện thoại di động. Và dường như cách xài tiếng lóng của giới trẻ hiện nay đang là mốt.
Giả sử, nếu ai đó đọc được dòng tin nhắn như thế này của “teen” gửi cho bạn thì sẽ dịch như thế nào: “Hum ni hok bit lem j, đg ngoi pun. Mi đen chỏ đéy rui doi tau” (hôm nay không biết làm gì, đang ngồi buồn. Mày đến chỗ đấy rồi đợi tao). Tất nhiên, nếu nắm được quy tắc xài tiếng lóng là giữ nguyên chữ cái đầu rồi nói chệch đi các nguyên âm, phụ âm đi sau (như “hok” là hông, “bit” là biết...) thì sau đó phụ huynh cũng có thể giải mã được nội dung câu chữ, nhưng khi các “teen” xài tiếng lóng bằng ngoại ngữ thì cha mẹ cũng phải “bó tay”, như: “No have water mother” (Chẳng có nước mẹ gì); “Give me beg a word soldier black peace” (Cho tôi xin một chữ binh huyền (bình) yên)… Đến mức này thì bất cứ vị phụ huynh nào cũng phải toát mồ hôi hột, bởi mớ tiếng lóng quá “siêu hiện đại” của tuổi teen thế hệ 9X. So với những tiếng lóng mà teen thế hệ 8X hay dùng như Like afternoon - thích thì chiều, No four go - vô tư đi, Know die no - biết chết liền... thì quả 8X chưa bõ bèn gì so với 9X.
![]() |
Tuy nhiên, tiếng lóng của tuổi teen không chỉ dừng lại ở chừng mực đó. Để hoàn toàn thoát khỏi sự kiểm soát của cha mẹ, các teen thỏa thuận những qui ước ngầm như đổi chữ cái tiếng Việt sang con số (A=1, B=2, C=3...), thay chữ bằng biểu tượng, thậm chí viết tắt cả tiếng Anh như “hello (xin chào)” thì viết thành số “2”, U là viết tắt của chữ you (anh), “G9” là viết tắt chữ “good night”... Vì vậy khi đọc hàng chữ “Ilu, Sul, G9” thì phụ huynh đừng nghĩ là con mình đang học toán với những mệnh đề mà hàng ký tự trên có nghĩa là: “I love you, see you later, good night” (Em yêu anh, hẹn gặp lại, ngủ ngon nhé”!)
Tưởng rằng, chỉ khi sử dụng điện thoại di động, do yêu cầu giới hạn về số từ và để tiết kiệm thời gian, nhưng xem ra, khi sử dụng máy tính (chat), việc sử dụng ngôn ngữ của “teen” cũng không khác nhau là mấy. Với phương pháp rút gọn về ngữ pháp và từ vựng, “ngôn ngữ chat” đã đáp ứng nhu cầu về tốc độ cũng như sự tinh quái của thế hệ @.
“2! hoc han nan ne wa a ui. hom wa lai bi me la. k bit lam ji de het bun day”, (tạm dịch là: Chào! Học hành nặng nề quá anh ơi. Hôm qua lại bị mẹ la. Không biết làm gì để hết buồn đây). Bậc phụ huynh nào nhìn thấy những dòng chat như thế này của teen hẳn sẽ thật sự choáng váng và rối mắt với một thứ ngôn ngữ không có trong từ điển của bất cứ tiếng nước nào. Chữ nghĩa đã được đơn giản hóa đến mức tối đa theo cách phát âm, viết tắt và theo... quy luật tuổi teen.
Hệ luỵ khôn lường
Dẫu rằng, sáng tạo là cần thiết, nhất là ở lứa tuổi đang khát khao khám phá thế giới, tích luỹ tri thức để hoàn thiện mình, tuy nhiên, sự biến tướng của “ngôn ngữ chat” đã làm méo mó tiếng Việt và ảnh hưởng không nhỏ đến nhận thức, nhân cách của thanh thiếu niên mà nếu không kịp ngăn ngừa thì rất dễ dẫn đến những hệ quả xấu trong lối suy nghĩ và ứng xử của các em.
Dù để nói nhanh, viết gọn hay vì lý do nào đi nữa thì mục đích cuối cùng của giao tiếp là để người khác hiểu được thông tin mà mình muốn truyền đạt. Thế nhưng với “teen”, ngoài đạt tốc độ nhanh, từ ngữ nào càng lạ, càng khó dịch nghĩa thì các em càng ưa chuộng, mặc cho người đọc, người nghe phải đoán già, đoán non và việc nói một đằng, hiểu một nẻo là thường xuyên xảy ra.
Một số em còn thấy mình “lạc hậu” nếu không dùng theo lối chat của bạn bè. Và cứ thế, hiện tượng sử dụng tiếng Việt theo kiểu “ngôn ngữ @” đã lan ra khắp giới trẻ và trong cộng đồng dân cư mạng như một mốt thời trang mới.
Chính vì những suy nghĩ nông nổi như thế mà các em đã làm cho tiếng Việt bị xâm hại một cách nghiêm trọng. Việc biến tấu tiếng Việt như vậy không những không làm phong phú thêm kho từ vựng, mà còn khiến tiếng Việt bị tối tăm! Các em sử dụng tiếng Việt một cách bừa bãi, cẩu thả và không đúng nghĩa trong sáng của nó.
![]() |
Việc sử dụng “ngôn ngữ chat” thường xuyên sẽ làm các em không ý thức được trách nhiệm giữ gìn, phát triển ngôn ngữ dân tộc, quên đi bài giảng về sự trong sáng của tiếng Việt mà thầy cô đã dày công dạy bảo. Theo đà này thì thật khó để tìm những ngôn từ đẹp, lời văn hay trong lứa tuổi thanh thiếu niên. Và lo ngại hơn là cách viết, cách suy nghĩ như thế sẽ hình thành thói quen lười tư duy, thiếu kiên trì, nhẫn nại trong công việc, ảnh hưởng đến nhận thức, nhân cách của các em sau này. Tác hại dễ thấy nhất đó là những câu trả lời cộc lốc, vô cảm như “biết chết liền”, “hên xui”, “pó tay”... đã trở nên phổ biến.
Hiện nay, với sự phát triển như vũ bão của công nghệ, việc “lây truyền” những thói hư tật xấu thật sự nhanh hơn suy nghĩ của bất cứ cá nhân nào. Bởi vậy nếu như không biết tự bảo vệ mình, tự xây dựng ý thức “miễn dịch” cho mình, sẽ rất khó để thoát khỏi vòng xoáy của nó. Gia đình là yếu tố quan trọng nhất tác động đến các em, từ suy nghĩ, lời nói đến hành vi. Cha mẹ là người dạy các em ngay từ tiếng nói đầu tiên và văn hóa giao tiếp ở các em chịu ảnh hưởng rất lớn từ gia đình. Chính vì vậy, cha mẹ phải làm gương và thường xuyên giáo dục con cái về sự chuẩn mực của ngôn ngữ, từ giao tiếp trong gia đình đến ngoài xã hội. Bên cạnh đó, nhà trường là nơi để các em rèn luyện về ngôn ngữ, nói đúng, viết đúng, đúng nghĩa, đúng chuẩn và kể cả đúng chính tả. Đó cũng chính là góp phần hình thành nhân cách, nuôi dưỡng tâm hồn, ý chí và nghị lực của các em để hướng tới những mục tiêu cao đẹp.
“Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”, không phải cho hôm nay, mà cho mãi mãi muôn đời sau, để Việt Nam thực sự sánh vai với cường quốc năm châu như mong muốn sinh thời của Bác Hồ kính yêu.
Nguyên Hà