(Tổ Quốc) - Thành quả của hai tháng nói chuyện liên tục, nhiều khi đến tận nửa đêm, mới đây hai nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Minh và Ngô Hương Giang ra mắt độc giả cuộc đối thoại "Giải mã văn hóa từ đối thoại" tại Hà Nội.
Văn hóa là một phạm trù rộng lớn, bao trùm lên mọi mặt của đời sống xã hội. Trong bất kỳ lĩnh vực nào cũng thấy liên quan đến văn hóa, tuy nhiên tiếp cận và làm rõ khía cạnh văn hóa trong các lĩnh vực này và thể hiện ra bằng dạng đối thoại như hai nhà nghiên cứu làm trong cuốn sách tham khảo mới này là việc dường như chưa ai làm.
Những ngày lập thu Hà Nội, hai nhà nghiên cứu ra mắt độc giả cuốn sách ngõ hầu qua cuộc đối thoại để đơn giản hóa những quan niệm về văn hóa thành những gì gần gũi với cuộc sống, giúp mọi người tiếp cận dễ dàng hơn về phạm trù này.
Những câu chuyện cũng nằm trong xu thế vận động của cuộc sống hiện tại nên tương đối dễ hiểu. Người đọc sẽ tìm thấy mình ở đâu đó trong những cuộc đối thoại nhỏ trong từng chương của cuốn sách. Cuốn sách chia làm 12 chương, mỗi chương giải quyết một vấn đề, giúp mọi người hiểu được các giá trị văn hóa.
Cuộc đối thoại thú vị giữa hai nhà nghiên cứu là những câu chuyện giữa hai thế hệ: một già một trẻ; giữa hai nền văn hóa: phương Đông với phương Tây; giữa hai đối cực: mặt trăng và mặt trời... Là tổng hòa những đối nghịch nhưng họ đã vượt qua được ranh giới giữa những chênh lệch này tìm được một lời giải đáp chung cho những vấn đề đề cập đến trong mỗi câu chuyện.
Hai tác giả của cuốn sách "Giải mã văn hóa từ đối thoại"
Cuộc trò chuyện cũng giúp chúng ta có thêm căn cứ để suy xét rõ ràng hơn các vấn đề được xem như là nguồn gốc của các sự vật, hiện tượng như Tìm trong di sản, Tư tưởng và triết lý, Giao thoa văn hóa hay là câu chuyện thời cuộc, Về bản chất của tôn giáo, Gốc của lễ và hội...
Thậm chí đó còn là những vấn đề rất cụ thể, liên quan trực tiếp tới từng con người trong xã hội như: Giáo dục- những ẩn số, Hiểu như thế nào cho đúng về tín ngưỡng thờ mẫu?, Yếu tố kinh tế trong văn hoá, Văn hóa số hay là câu chuyện "Dùng tai chơi nhạc"...
Dùng sự vật, hiện tượng để lý giải thực tế, đó là cách tác giả cuốn sách cụ thể hóa hay thực tế hóa những gì chúng ta chưa rõ trong quy luật vận hành của cuộc sống.
Hai nhà nghiên cứu cũng là đồng tác giả cuốn sách "Giải mã văn hóa từ đối thoại" sẽ mở những nút thắt từ trong câu chuyện của mình. Từng chương trong cuốn sách sẽ đưa cho chúng ta những chìa khóa để mở ra những cánh cửa - những giá trị văn hóa trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Giá trị của văn hóa hay nói ở phạm vi hẹp hơn, chính là giá trị của cuốn sách, sẽ củng cố thêm những gì chúng ta đang tin tưởng vào tương lai qua trải nghiệm của nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Minh. Với hơn 40 năm nghiên cứu văn hóa, những trải nghiệm, tri thức của ông sẽ là những gợi ý để giải mã các lớp khóa văn hóa, đưa tri thức văn hóa đến gần hơn với độc giả, kiến giải những cách hiểu văn hóa từ gốc rễ của vấn đề.
Còn theo tác giả Ngô Hương Giang, những cuộc đối thoại giải mã văn hóa đều minh chứng cho một tình yêu văn hóa dân tộc và khao khát muốn chú giải sáng rõ tri thức, nhằm định danh chính xác các thuật ngữ, phạm trù văn hóa để mọi người có thể hiểu đúng mà có những hành vi phù hợp.
Từ những cuộc đối thoại trực tiếp giữa hai nhà nghiên cứu, với quan điểm không chê, không phê mà chỉ nói về những điều tích cực, đã tạo ra không gian đối thoại rất cởi mở, bình đẳng. Những vấn đề dẫu được nhìn nhận ở khía cạnh nào đi chăng nữa thì đó là thành quả của việc tiếp nhận kiến thức, giao lưu văn hóa thành công. Tất cả là nhằm xây dựng một nền văn hóa tích cực hơn, nhất là trong xã hội này khi chúng ta đã và đang phải trải qua nhiều biến động về văn hóa.