(Cinet)- Ngày 11/5, lễ tiếp nhận tư liệu “Bản gốc dịch tiếng Anh đầu tiên của Nhật ký Đặng Thùy Trâm”, giao lưu và giới thiệu tác phẩm do Đại tá-nhà văn Đặng Vương Hưng trao tặng đã diễn ra tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (Thành phố Hồ Chí Minh).
Hình ảnh tại buổi lễ (nguồn: vietnamtoday.net) |
(Cinet)- Ngày 11/5, lễ tiếp nhận tư liệu “Bản gốc dịch tiếng Anh đầu tiên của Nhật ký Đặng Thùy Trâm”, giao lưu và giới thiệu tác phẩm do Đại tá-nhà văn Đặng Vương Hưng trao tặng đã diễn ra tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (Thành phố Hồ Chí Minh).
“Bản gốc dịch tiếng Anh đầu tiên của Nhật ký Đặng Thùy Trâm” do vợ chồng ông Carl W.Greifzu - một cựu binh trong chiến tranh Việt Nam cung cấp. Hơn thế, ông còn phối hợp với người vợ mình là bà Trần Thị Kim Dung dịch cuốn sổ tay đó ra tiếng Anh từ nhiều năm trước. Nhờ vậy mà các cựu binh Mỹ có thể hiểu được giá trị, ý nghĩa của cuốn sổ tay nhật ký và họ đã tìm mọi cách để chuyển nó về Việt Nam…
Trong lần sang thăm Việt Nam vào tháng 3 vừa qua, ông Carl W.Greifzu đã trao lại cho Đại tá-nhà văn Đặng Vương Hưng. Bản dịch gồm 121 trang giấy khuôn khổ 20 x 26 cm, được đánh bằng máy chữ và có bút tích chỉnh sửa tất cả các trang. Sau khi về Việt Nam, cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm được in với số lượng lớn và trở thành một sự kiện tiêu biểu được dư luận trong và ngoài nước biết đến.
Cũng trong khuôn khổ buổi lễ, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh đã tổ chức giới thiệu sách “Tuyển tập những lá thư thời chiến Việt Nam” và “Phi công Mỹ ở Việt Nam” do Đại tá-nhà văn Đặng Vương Hưng trao tặng.
“Tuyển tập những lá thư thời chiến Việt Nam” sưu tầm những bức thư của các chiến sỹ thời kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ gửi cho thân nhân của mình và ngược lại.
Tác phẩm “Phi công Mỹ ở Việt Nam” được tác giả viết trên tinh thần tôn trọng sự thật và mong muốn cung cấp cho bạn đọc những thông tin khách quan, góp phần lật mở những bí mật. Cuốn sách là những câu chuyện còn ít biết về tù binh phi công Mỹ ở Việt Nam, những chi tiết đời thường thú vị nhưng mang đậm tính nhân đạo và nhân văn sâu sắc.
Thông qua đó, các cuốn sách sẽ góp phần mang đến những góc nhìn khách quan trong thời chiến, giúp độc giả có thể hình dung về một thời kỳ lịch sử của dân tộc.
D.H (tổng hợp)