• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tiếp nối mạch nguồn di sản nghệ thuật tuồng của GS. Hoàng Châu Ký

Thực hiện: Đức Hoàng | 26/09/2023

(Tổ Quốc) - Tọa đàm “GS. Hoàng Châu Ký với nghệ thuật sân khấu tuồng Việt Nam” là dịp để các nhà nghiên cứu, nhà quản lý nghệ thuật, tác giả, đạo diễn, diễn viên và khán giả có thêm những cái nhìn thấu đáo về những công trình nghiên cứu, phê bình lý luận, phong cách, giá trị các tác phẩm tuồng; quan điểm trong công tác giáo dục, phát triển ngành nghệ thuật sân khấu cũng như quan điểm tiếp cận phát huy, bảo tồn của GS. Hoàng Châu Ký đối với nghệ thuật tuồng.

Chiều 26/9, Sở Văn hóa và Thể thao TP. Đà Nẵng phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật TP. Đà Nẵng tổ chức tọa đàm khoa học chủ đề "GS. Hoàng Châu Ký với nghệ thuật sân khấu tuồng Việt Nam". 

Theo đó, các nhà nghiên cứu, nhà quản lý nghệ thuật, tác giả, đạo diễn, diễn viên, khán giả yêu nghệ thuật sân khấu tuồng Việt Nam… thảo luận về bối cảnh thời đại và xã hội tác động đến phong cách, xu hướng sáng tác của GS. Hoàng Châu Ký với nghệ thuật tuồng; giá trị của các công trình nghiên cứu lý luận của GS. Hoàng Châu Ký với công tác nghiên cứu lý luận, phê bình sân khấu tuồng và nghệ thuật sân khấu; đóng góp của ông với sự nghiệp giáo dục nghệ thuật sân khấu.

Tiếp nối mạch nguồn di sản nghệ thuật tuồng của GS. Hoàng Châu Ký - Ảnh 1.

Quang cảnh tọa đàm khoa học “GS. Hoàng Châu Ký với nghệ thuật sân khấu tuồng Việt Nam”. Ảnh: Đức Hoàng

Tri ân, vinh danh "ngọn lửa Hồng Sơn đất Quảng"

Phát biểu tại tọa đàm, ông Trần Chí Cường - Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, theo các nghiên cứu khoa học, nghệ thuật tuồng xứ Quảng có thể đã xuất hiện và phát triển từ thế kỷ XVII và trở thành một phần quan trọng của đời sống tinh thần của người dân xứ Quảng, là loại hình nghệ độc đáo được trình diễn ở khắp nơi, phục vụ từ giới bình dân đến giới trí thức.

Ngày nay, lĩnh vực sân khấu có nhiều thay đổi, tiếp cận với xu hướng của thế giới, nghệ thuật tuồng vẫn có một vị trí đặc biệt trong văn hóa truyền thống của dân tộc, trở thành một di sản văn hóa quý giá để giới thiệu với du khách, bạn bè trong và ngoài nước. Với những giá trị đó, nghệ thuật tuồng xứ Quảng ở Đà Nẵng được Bộ trưởng Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2015.

Ông Trần Chí Cường nhấn mạnh: "Nói đến tuồng xứ Quảng thì phải nói đến GS. Hoàng Châu Ký với những đóng góp đồ sộ và tình yêu lớn lao mà ông dành cho loại hình nghệ thuật này. Vì vậy, tọa đàm cùng việc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh tổ chức biểu diễn vở tuồng "Thị Kính - Thị Màu" của GS. Hoàng Châu Ký vào ngày 26/9 là sự kiện quan trọng thể hiện sự tri ân, vinh danh "người truyền giáo hát bội", "ngọn lửa Hồng Sơn đất Quảng", người vừa được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật".

"Đi cùng với niềm tự hào là trách nhiệm của mỗi chúng ta trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy những di sản mà GS. Hoàng Châu Ký đã để lại nói riêng và nghệ thuật tuồng nói chung. Thời gian qua, với sự quan tâm của chính quyền Đà Nẵng và sự đồng lòng, chung sức, tận tâm, yêu nghề của các thế hệ nghệ sĩ, nghệ nhân, nhà nghiên cứu đã giúp nghệ thuật tuồng tại Đà Nẵng lan tỏa, mang sức sống mới. Nhiều lớp truyền dạy nghệ thuật tuồng và nhiều hoạt động khác được tổ chức. Đặc biệt, tại Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, các chương trình biểu diễn phục vụ khách du lịch đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ của đông đảo người dân và du khách", ông Trần Chí Cường nói.

Tiếp nối mạch nguồn di sản nghệ thuật tuồng của GS. Hoàng Châu Ký - Ảnh 2.

Ông Trần Chí Cường - Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Đức Hoàng

Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao đồng hành với các nghệ sĩ, nghệ nhân thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch bảo vệ và phát huy bền vững giá trị di sản nghệ thuật tuồng, để những giá trị này cùng góp phần nuôi dưỡng tâm hồn người Đà Nẵng.

Một "thầy tuồng" mẫu mực

NSƯT - đạo diễn Đặng Bá Tài (Nhà hát Tuồng Việt Nam) gọi GS. Hoàng Châu Ký là đạo diễn tuồng với sự kính trọng, bởi ông không chỉ là đạo diễn mà còn có hồn cốt của một "thầy tuồng" mẫu mực mà ít có ai, hay nói đúng hơn là không có người đạo diễn tuồng ngày nay sánh được.

Nhắc đến bộ sưu tập đồ sộ những vở diễn do GS. Hoàng Châu Ký sáng tác, chỉnh lý và dàn dựng, NSƯT - đạo diễn Đặng Bá Tài cho biết, có những vở diễn đã đoạt giải cao tại các kỳ liên hoan, hội diễn sân khấu tuồng chuyên nghiệp toàn quốc, như vở Ngọn lửa Hồng Sơn (giải A Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1962 - Đoàn Tuồng Liên khu 5), vở Nguyễn Duy Hiệu (Huy chương Bạc năm 1985 - Đoàn Tuồng Quảng Nam - Đà Nẵng) vở Ngoại tổ dâng đầu (giải B năm 1994, Nhà hát Tuồng Trung ương)... 

"Để đạt được những thành tựu đó thì chỉ có tâm, có kiến thức thôi chưa đủ, mà đòi hỏi phải có kiến thức sâu về chuyên ngành đạo diễn, uyên thâm về văn học Hán Nôm. Bởi lẽ, văn học trong tuồng chủ yếu là văn biền ngẫu, các thể thơ tứ tuyệt, ngũ ngôn, thơ thất ngôn bát cú… Không am hiểu ngôn ngữ tuồng thì khó có thể lý giải kịch bản và đưa những nhân vật từ những con chữ lên sàn diễn", NSƯT - đạo diễn Đặng Bá Tài nói.

Tiếp nối mạch nguồn di sản nghệ thuật tuồng của GS. Hoàng Châu Ký - Ảnh 3.

Bà Nguyễn Thị Hội An, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng báo cáo đề dẫn tọa đàm. Ảnh: Đức Hoàng

Theo nhà nghiên cứu Hà Diệp (Viện Nghiên cứu Sân khấu), trong quá trình hoạt động nghệ thuật tuồng, GS. Hoàng Châu Ký rất quan tâm các lĩnh vực: Giới thiệu có quy mô và trân trọng các vở tuồng cổ nổi tiếng, cải biên, chỉnh lý một số vở tuồng có giá trị như Ngọn lửa Hồng Sơn, Nghêu Sò Ốc Hến, Ngoại tổ đâng đầu; tuyên truyền, diễn giải cho học sinh, sinh viên, cán bộ hiểu cái hay, cái đẹp của tuồng; vận động sưu tầm, nghiên cứu về các nhà hoạt động tuồng lỗi lạc của Quảng Nam - Đà Nẵng như cụ Nguyễn Hiển Dĩnh.

"Cả ba lĩnh vực mà ông quan tâm đều là những vấn đề hết sức cần thiết cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật tuồng", nhà nghiên cứu Hà Diệp nhấn mạnh.

Ông Bùi Văn Tiếng - Chủ tịch Liên hiệp các hội văn học - nghệ thuật TP. Đà Nẵng cho rằng, 15 năm trôi qua kể từ ngày GS. Hoàng Châu Ký về cõi vĩnh hằng (2008-2023), trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản tuồng cổ - trước hết là di sản tuồng cổ xứ Quảng, Hoàng Châu Ký không hề đơn độc, khi còn sống và cả khi đã mất.

Trên địa bàn Đà Nẵng - nơi GS. Hoàng Châu Ký học trung học và chập chững bước chân vào con đường cách mạng, cũng là nơi ông nghỉ hưu và tiếp tục cống hiến cho quá trình phục hưng văn hóa đến những ngày cuối đời, Hoàng Châu Ký cùng rất nhiều soạn giả tuồng và nghệ sĩ tuồng quá cố khác, được người Đà Nẵng vinh danh qua việc đặt tên các đường phố và đơn vị biểu diễn nghệ thuật…

Tối 26/9, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (Đà Nẵng) tổ chức biểu diễn vở tuồng "Thị Kính - Thị Màu" của GS. Hoàng Châu Ký. Tọa đàm và chương trình biểu diễn này được tổ chức đúng vào ngày Giỗ tổ nghề sân khấu và là Ngày sân khấu Việt Nam (12/8 âm lịch).

Tiếp nối mạch nguồn di sản nghệ thuật tuồng của GS. Hoàng Châu Ký - Ảnh 4.

Các đại biểu xem phim tư liệu về cuộc đời, sự nghiệp của GS. Hoàng Châu Ký. Ảnh: Đức Hoàng

GS. Hoàng Châu Ký sinh ngày 16/5/1921 trong một gia đình nho học ở xã Quế Lộc, huyện Quế Sơn (tỉnh Quảng Nam); mất ngày 31-1-2008 tại Đà Nẵng.

Tuổi thơ của ông gắn liền với làng Kim Bồng, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam (nay là xã Cẩm Kim, TP. Hội An).

Năm 21 tuổi, Hoàng Châu Ký gia nhập tổ chức Thanh niên Dân chủ của Đảng Cộng sản Đông Dương. Những năm sau đó, ông bị thực dân Pháp bắt và giam tại nhà lao Hội An, Hỏa Lò…

Khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 bùng nổ, ông được Tỉnh ủy tỉnh Quảng Nam cử làm Trưởng ban bạo động và cướp chính quyền tại khu mỏ than Nông Sơn, huyện Quế Sơn. Sau cách mạng, ông lần lượt làm Bí thư Huyện ủy các huyện Quế Sơn, Tiên Phước và Phước Sơn.

Năm 1952, ông được Liên khu ủy Khu V giao trách nhiệm tập hợp lực lượng chiến sĩ, nghệ nhân trong khu vực để thành lập Đoàn tuồng Liên khu V. Từ đó, ông trở thành một chiến sĩ trên mặt trận văn hóa - nghệ thuật.

Năm 1957, ông trở thành Tổng Thư ký đầu tiên của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam. Năm 1959, ông xây dựng Trường Nghệ thuật Sân khấu và là Hiệu trưởng đầu tiên của trường.

Hoàng Châu Ký đã sáng tác hơn 20 vở tuồng như: Ông Ích Khiêm, Nguyễn Huệ, Quang Trung, Vua Duy Tân, Trưng Nữ Vương, Nguyễn Duy Hiệu, Cao Doãn, Thái tử Câu La Na, Trần Quý Cáp; cải biên, chỉnh lý nhiều vở tuồng cổ như: Nghêu, Sò, Ốc, Hến, Ngọn lửa Hồng Sơn, Sơn Hậu. Ông xuất bản nhiều sách nghiên cứu về tuồng, trong đó có cuốn Sơ khảo lịch sử nghệ thuật tuồng (1973).

Năm 1988, ông được nhà nước phong tặng học hàm Giáo sư và đến năm 2001 được tặng thưởng Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật.

Năm 2022, GS. Hoàng Châu Ký được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật.

NỔI BẬT TRANG CHỦ