(Toquoc)-Kinh tế Việt Nam đã có sức dướn khá tốt khi đạt mức tăng trưởng GDP 5,8% trong quý III/2009, đưa mức tăng trưởng chung trong 9 tháng đầu năm của toàn nền kinh tế lên 4,59%.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra trong ngày 30/9 và sáng 1/10, các thành viên Chính phủ đều nhất trí, nền kinh tế đã phục hồi ngày càng rõ nét trên nhiều lĩnh vực; mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm 2009 trên 5% là hoàn toàn có thể đạt được.
Kinh tế phục hồi ngày càng rõ nét
Minh chứng rõ nhất của nền kinh tế là sự hồi phục của sản xuất công nghiệp. Tháng 9 là tháng thứ hai liên tiếp, giá trị sản xuất công nghiệp tính theo giá cố định năm 1994 có mức tăng trên 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nếu như 3 tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp chỉ tăng 2,1% so với cùng kỳ, thì sau 4 tháng, mức tăng này là 3,3%. Tiếp tục đà tăng trưởng này, con số tương ứng sau 5 tháng, 6 tháng, 7 tháng và 8 tháng là 4%; 4,8%; 5,1% và 5,6%. Còn sau 9 tháng đầu năm, mức tăng trưởng đã lên tới 6,5%.
Minh chứng rõ nhất của nền kinh tế là sự hồi phục của sản xuất công nghiệp.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cao Viết Sinh nhận xét: Đây là biểu hiện rõ nét nhất cho thấy xu hướng hồi phục trong sản xuất.
Cùng với sản xuất công nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong 9 tháng đầu năm sau khi trừ yếu tố giá cả đã tăng tới 10,2% so với cùng kỳ năm 2008.
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đây là lần đầu tiên kể từ đầu năm 2009 tới nay, mức tăng tổng mức bán lẻ đã cao hơn 10%. Sức mua hồi phục rõ nét sẽ tạo cú hích cho sản xuất trong nước, qua đó góp phần vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh đó, việc giải ngân các dòng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và vốn ODA, đặc biệt là vốn ngân sách cũng rất thuận lợi.
Xuất khẩu dù sau 3 quý đầu năm, kim ngạch đã giảm tới 14,3% so với cùng kỳ năm trước, song lượng xuất khẩu của một số sản phẩm tăng mạnh so với cùng kỳ, như sắn và sản phẩm từ sắn (tăng 67,6%), hạt tiêu (52,1%), gạo (34,1%), chè (21,3%)...
Đặc biệt, kết quả khích lệ nhất theo đánh giá của Chính phủ là đời sống nhân dân vẫn được quan tâm đúng mức và ngày càng được cải thiện, dù kinh tế trong nước và thế giới rơi vào khó khăn.
Trong khi đó, các chuyên gia phân tích của Morgan Stanley (Hoa Kỳ) đưa ra nhận định về 3 điểm nổi bật nhất của kinh tế vĩ mô Việt Nam xét từ góc độ chính sách tiền tệ. Thứ nhất, tỷ lệ lạm phát đã được kiềm giữ đáng kể. Thứ hai, sức ép cán cân thanh toán đã bớt nặng nề do tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế trong nước chậm lại và sụt giảm nhu cầu đầu cơ. Thứ ba, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã khá ổn định. FDI cam kết từ tháng 4 đến tháng 7 là 39 tỷ USD, giải ngân 4,3 tỷ USD trong khi quý I chỉ đạt 1,7tỷ USD.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa trong 9 tháng đầu năm
sau khi trừ yếu tố giá cả đã tăng tới 10,2% so với cùng kỳ .
Tiếp tục chính sách tiền tệ
Chính phủ dự báo, triển vọng kinh tế trong năm 2010 có nhiều khả năng sẽ khởi sắc hơn. Do đó, các thành viên Chính phủ nhất trí về việc tính toán lại các chỉ tiêu về vĩ mô cho phù hợp. Trong đó, chỉ tiêu về bội chi ngân sách phải được quan tâm để có thể giảm dần xuống mức 5% khi các khoản chi kích thích kinh tế có thể sẽ được rút lại.
Chính phủ cũng sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên trách tính toán cụ thể, chi tiết các chỉ số vĩ mô, đặc biệt là chỉ số lạm phát trong năm 2010.
Liên quan đến việc có tiếp tục triển khai gói kích cầu tiếp theo hay không, Bộ trưởng- Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trong cuộc họp báo trưa ngày 1/10 cho biết, quan điểm của Chính phủ là phải xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định có hay không. Chính phủ sẽ xem xét và quyết định vào cuối tháng 10.
Lý giải cho vấn đề này, Bộ trưởng Phúc cho biết, tại phiên họp thường kỳ các thành viên Chính phủ đã bàn bạc rất kỹ và thống nhất về tính hai mặt của chính sách kích thích kinh tế. Đó là chính sách đúng đắn, cần thiết trong bối cảnh nền kinh tế suy giảm. Nhưng ngược lại, chính sách này cũng có thể gây nên những bất lợi, tạo sức ì cho các doanh nghiệp và cả toàn bộ nền kinh tế trong điều kiện tình hình đã chuyển biến tích cực hơn.
Thời gian gần đây, khi hiệu quả gói kích cầu phát huy tác dụng, không phải ngẫu nhiên các chuyên gia kinh tế bắt đầu đề cập việc chuẩn bị cho “kế hoạch rút lui” theo học thuyết kinh tế của Keynes. Ngay cả IMF cũng đã cho rằng, năm 2010 chính là năm rút lui khỏi sự can thiệp của Nhà nước một cách có trật tự.
Trong phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định, mục tiêu lớn nhất năm 2010 là phải phấn đấu thực hiện bằng được phục hồi tăng trưởng kinh tế ở mức trên dưới 6,5%, để đến năm 2011 lấy lại thế tăng trưởng nhanh và bền vững từ 7%-8% như thời kỳ trước khủng hoảng.
Mục tiêu phát triển kinh tế năm 2010 được Chính phủ xác định là tập trung mọi nỗ lực để phục hồi tăng trưởng kinh tế, bảo đảm tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2010 cao hơn năm 2009, tạo tiền đề để tăng trưởng nhanh và bền vững trong những năm tiếp theo, phấn đấu ở mức cao nhất hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2006- 2010.
Giải pháp chính của Chính phủ sẽ là sự chuyển hướng
trong điều hành chính sách tiền tệ.
Do đó, theo các chuyên gia, giải pháp chính của Chính phủ sẽ là sự chuyển hướng trong điều hành chính sách tiền tệ. Tiếp tục nới lỏng, có thể là một trong những nguyên nhân gây tái lạm phát.
Các dự báo từ một số định chế tài chính trên thế giới đều cho thấy, năm 2010, Việt Nam có thể sẽ thực thi một chính sách tiền tệ thắt chặt. Lãi suất cơ bản sẽ không chỉ ở mức 7% như hiện nay, mà lên tới 9%...
Thực tế cho thấy, 3 năm qua, Chính phủ Việt Nam đã có những điều chỉnh chính sách một cách hợp lý, từ tập trung cho tăng trưởng (năm 2007) sang ổn định kinh tế vĩ mô (năm 2008), rồi lại chuyển sang chống suy giảm (cuối năm 2008 và 2009).
Và, điều quan trọng là hiệu quả của sự điều chỉnh chính sách tiền tệ của Chính phủ Việt Nam thời gian qua đã được khẳng định là hoàn toán đúng đắn.
Nguyễn Thành
PGS.TS Lê Văn Tề (Phó Hiệu trưởng Trường Đại học KT-CN Long An):
Như một chu kỳ của phát triển kinh tế, sau suy thoái là chu kỳ phục hồi và tăng trưởng. Do vậy, đề cập đến chính sách tiền tệ hậu suy thoái là đề cập đến chính sách tiền tệ trong giai đoạn phục hồi và tăng trưởng, đặc biệt giai đoạn ngắn sau suy thoái.
Theo tôi, chính sách tiền tệ cần hướng về những vấn đề cơ bản sau đây: Sau thời kỳ suy thoái phải là thời kỳ kinh tế tăng trưởng. Do vậy, chính sách tiền tệ không thể không theo mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Nhưng nếu mở rộng một cách quá đáng, nguy cơ lạm phát sẽ trở lại. Kiểm soát lạm phát nhằm ổn định giá cả hàng hoá là tiền đề cho nền kinh tế phát triển trong thời kỳ hậu quy thoái.
Ông Nguyễn Hoà Bình (Chủ tịch HĐQT Vietcombank):
NHNN nên xem xét đề xuất với Chính phủ giảm dần, tiến tới ngừng hỗ trợ lãi suất. Nếu tiếp tục duy trì hỗ trợ lãi suất, một mặt sẽ tạo sức ép gia tăng lạm phát, mặt khác có thể dẫn đến việc sử dụng vốn thiếu hiệu quả, gây tác động không tốt cho nền kinh tế và hệ lụy xấu cho các NHTM. Dừng hỗ trợ lãi suất cũng sẽ trực tiếp giảm áp lực bội chi ngân sách, giảm áp lực lạm phát.
Ông Trần Bắc Hà (Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV)
Từ các bài học và thực tiễn chính sách của các quốc gia khác, chúng tôi nhận thấy chính sách tiền tệ trong thời gian tới cần điều hành theo hướng nới lỏng một cách thận trọng. Nếu nới lỏng tiền tệ quá nhanh có thể dẫn đến lạm phát trong tương lai, đặc biệt khi các yếu tố tiềm ẩn có thể làm gia tăng lạm phát vẫn còn hiện hữu như hiệu quả đầu tư, năng suất lao động thấp, việc tăng giá điện, nước... Cần tiếp tục giảm lãi suất để khuyến khích hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, chống suy thoái trên diện rộng.
TS. Nguyễn Đức Hưởng (TGĐ Ngân hàng Liên Việt):
Nền kinh tế đã dần đi vào ổn định, tuy nhiên mục tiêu ổn định và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là xuyên suốt. Vì vậy, thời điểm này cần tiếp tục thực hiện chính sách lãi suất cơ bản, coi đây là mức lãi suất tham chiếu tin cậy cho thị trường. Muốn vậy lãi suất cơ bản phải đóng vai trò kiên trì thực hiện định hướng điều hành kinh tế vĩ mô và bám sát diễn biến thị trường, phản ánh được cung cầu vốn thực tế.
Quan trọng là NHNN đưa ra được những tín hiệu chính sách rõ ràng, tránh tình trạng "tâm lý đẩy" dẫn tới đầu cơ, thiệt hại cho cả doanh nghiệp lẫn nền kinh tế. Việc triển khai chính sách tỷ giá linh hoạt rất cần được sự hỗ trợ của các biện pháp khác như hoán đổi ngoại tệ trong thời kỳ dư thừa hoặc thiếu hụt, hoạt động bán mua ngoại tệ mang tính điều tiết giữa NHNN và NHTM, định kỳ công bố dự trữ ngoại tệ quốc gia...
NT (thực hiện)
|