Tiếp tục hoàn thiện quy hoạch mạng lưới thiết chế văn hoá, thể thao theo hướng phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia
(Tổ Quốc) - Chiều 18/1 tại Hà Nội, Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội đã tổ chức phiên giải trình "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về xây dựng, quản lý và sử dụng thiết chế văn hoá, thể thao giai đoạn 2013 – 2023".
Phiên giải trình có sự tham dự, chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh. Phía cơ quan giải trình có Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thuỷ.
Đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng phong phú, đa dạng của nhân dân
Phát biểu tại phiên giải trình, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, mục đích của phiên giải trình nhằm đánh giá tình hình thực tế ban hành, thực hiện chính sách, pháp luật; đồng thời, đề xuất, kiến nghị sửa đổi, hoàn thiện chính sách, pháp luật và các giải pháp thúc đẩy phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở Trung ương và địa phương theo hướng đồng bộ, hiện đại, bản sắc, hiệu quả, bảo đảm công bằng và đáp ứng nhu cầu tham gia, hưởng thụ văn hóa, thể dục, thể thao của nhân dân.
Theo Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã quán triệt quan điểm chỉ đạo cốt lõi và xuyên suốt là phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nền văn hóa và con người Việt Nam... kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực.
Trong đó, nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất; nhấn mạnh nhiệm vụ phải "sớm khắc phục tình trạng chậm thể chế hóa đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng thành luật pháp và các chính sách cụ thể, khả thi về phát triển văn hoá, xây dựng con người", "phát huy tối đa các nguồn lực từ Nhà nước và xã hội, từ trong nước và nước ngoài để phát triển văn hoá".
Ông Trần Thanh Mẫn khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, chú trọng củng cố tổ chức bộ máy, cán bộ; đầu tư xây dựng các công trình, trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị; chỉ đạo đổi mới công tác quản lý, vận hành các thiết chế văn hóa, thể thao ở Trung ương và địa phương, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng phong phú, đa dạng của nhân dân.
"Kế hoạch vốn đầu tư ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu ngành văn hóa, thể thao giai đoạn 2014 - 2015 là 1.564 tỷ đồng, giai đoạn 2016 - 2020 là 2.687,7 tỷ đồng, giai đoạn 2021-2025 là 7.032,62 tỷ đồng. Trong đó, kế hoạch vốn đầu tư ngân sách trung ương bố trí các dự án xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao thuộc đối tượng báo cáo giai đoạn 2014 - 2015 là 308,864 tỷ đồng, giai đoạn 2016 - 2020 là 688,659 tỷ đồng, giai đoạn 2021 - 2025 là 943,830 tỷ đồng" - Phó Chủ tịch Quốc hội nêu dẫn chứng.
Nhận thức rõ các bất cập để đề xuất hoàn thiện khuôn khổ pháp lý
Phát biểu tại phiên giải trình, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết, việc thực hiện chính sách, pháp luật trong xây dựng, quản lý và sử dụng thiết chế văn hoá, thể thao là trách nhiệm của nhiều bộ, ngành. Khái niệm thiết chế văn hoá, thể thao cũng rất rộng, trải dài trên nhiều lĩnh vực nhưng lại chưa được nêu bật thành một khái niệm cụ thể.
Tại phiên giải trình, đại biểu Nguyễn Văn Huy (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) đặt câu hỏi: Hiện nay nguồn lực đầu tư cho thiết chế văn hoá, thể thao còn hạn chế, chưa bảo đảm được việc duy tu, nâng cấp nhằm đảm bảo việc thực hiện các nhiệm vụ. Vậy chúng ta cần có chính sách gì để phát huy các nguồn vốn xã hội hoá trong việc đầu tư cho các thiết chế này?
"Khó khăn hiện nay là do lĩnh vực văn hoá, thể thao không thuộc đối tượng trong Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư nên liệu có phải sửa đổi, bổ sung Luật?" – đại biểu trăn trở.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Hội thảo cấp quốc gia về thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hoá đã chỉ ra điểm nghẽn trong việc khai thác các nguồn lực cho phát triển văn hoá. Đó là lâu nay chúng ta tiếp cận theo hướng văn hoá là lĩnh vực đầu tư công trong khi lĩnh vực này cần nguồn lực đầu tư lớn từ xã hội.
Theo Bộ trưởng, lĩnh vực văn hoá, thể thao lại không phải là đối tượng trong phạm vi của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư nên chưa khơi thông được nguồn lực cho phát triển văn hoá.
Từ đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng mong muốn cùng với việc Quốc hội sắp thông qua Luật thủ đô, thông qua cơ chế đặc thù mới phát triển TP.HCM…sẽ là bước thí điểm tốt và có nhiều dự án được khởi động. Từ đó sẽ là cơ sở để đề xuất việc sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và các Luật liên quan nhằm khơi thông nguồn lực phát triển văn hoá.
Về trăn trở của đại biểu Lê Thị Song An (Đoàn ĐBQH tỉnh Long An) về hiệu quả sử dụng các thiết chế văn hoá chưa cao, Bộ trưởng thừa nhận đúng là đang có tình trạng này. Nguyên nhân là bởi nguồn lực đầu tư ban đầu cho các thiết chế văn hoá, thể thao được chia ra nhiều giai đoạn nên có sự nhỏ giọt.
Khi xây dựng xong, nguồn kinh phí không đủ để duy tu, bảo dưỡng, triển khai các hoạt động. Do đó, hiệu quả sử dụng thiết chế văn hoá, thể thao đôi khi chưa được như kỳ vọng.
Tuy vậy, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, vẫn có một số địa phương như TP.HCM, Đà Nẵng, Yên Bái…đã chủ động huy động nguồn lực, triển khai nhiều hoạt động, biến các thiết chế văn hoá thành công trình đa năng nhằm thu hút người dân.
"Nhận thức rõ các bất cập, Bộ VHTTDL đã, đang đề xuất để Quốc hội tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý; huy động cho được nguồn lực để hoàn thiện chính sách, pháp luật về thiết chế văn hoá; đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá của nhân dân cũng như góp phần xây dựng, phát triển văn hoá" – Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết.
Các thiết văn hoá, thể thao đều đang được định hình, vận hành khá tốt
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) về việc có cần thiết phải xây dựng riêng một văn bản quy phạm pháp luật nhằm xác định rõ về thiết chế văn hoá, thể thao và vấn đề quy hoạch các thiết chế, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, hiện nay các thiết chế này đều chịu sự điều chỉnh của những luật chuyên ngành và các nghị định, thông tư.
Ngoài ra, các thiết văn hoá, thể thao đều đang được định hình, vận hành khá tốt. Do đó, việc xây dựng một văn bản riêng về vấn đề này hiện là chưa cần thiết và cũng rất khó khu trú được hết vì thiết chế văn hoá, thể thao có độ phủ rất rộng.
Liên quan đến việc thực hiện quy hoạch, Bộ trưởng cho rằng khi thực hiện Luật Quy hoạch đã được Quốc hội ban hành, có hiệu lực từ 2018, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan tập trung thực hiện việc lập, bổ sung quy hoạch.
Các đại biểu Quốc hội tại phiên giải trình
"Hiện nay, Quốc hội đã thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ tiến hành phê duyệt quy hoạch vùng, tỉnh và quy hoạch của các ngành. Trong đó, ngành VHTTDL có quy hoạch thiết chế văn hoá, thể thao và Quy hoạch hệ thống du lịch" – Bộ trưởng cho biết.
Về nguyên tắc quy hoạch, theo Bộ trưởng, các địa phương phải căn cứ theo quy hoạch tổng thể quốc gia, rồi mới lập quy hoạch của địa phương. Quy hoạch của địa phương không được mâu thuẫn mà phải kế thừa, tích hợp các nội dung được xác định trong các quy hoạch lớn.
Vì vậy, Bộ trưởng khẳng định việc các địa phương không có cơ sở tích hợp các nội dung về quy hoạch thiết chế văn hoá, thể thao vào là chưa hoàn toàn đúng.
Vừa qua, khi thực hiện công bố quy hoạch của các địa phương, các vấn đề quy hoạch thiết chế văn hoá, thể thao đều được nêu rất rõ. Đây là cơ sở để các địa phương thu hút nguồn lực phát triển thiết chế văn hoá, thể thao.
Về phía Bộ VHTTDL, Bộ trưởng cho biết, tháng 6/2021, Bộ đã được Thủ tướng giao xây dựng Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hoá và thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức thẩm định quy hoạch, có các phiên họp lắng nghe ý kiến. Bộ đang hoàn thiện các công việc tiếp theo để sớm trình Quy hoạch tới Thủ tướng Chính phủ, dự kiến vào tháng 2 tới.
Cần tiếp tục hoàn thiện quy hoạch mạng lưới thiết chế văn hoá, thể thao
Phát biểu kết luận phiên giải trình, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh đánh giá cao sự chuẩn bị của Bộ VHTTDL cho phiên giải trình.
"Báo cáo của Bộ VHTTDL đã có những đánh giá toàn diện, cụ thể về thực hiện chính sách, pháp luật về xây dựng, quản lý, sử dụng các thiết chế văn hoá, thể thao cũng như những bất cập trong quá trình xây dựng, phát triển những thiết chế này" – ông Nguyễn Đắc Vinh cho hay.
Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, Những vấn đề được nêu ra tại phiên giải trình đều là những vấn đề được đại biểu, cử tri quan tâm, cần sớm nghiên cứu để đưa ra giải pháp tháo gỡ.
Đối với chính sách ưu tiên để phát triển lĩnh vực văn hoá nói chung và xây dựng, phát triển các thiết chế văn hoá, thể thao nói riêng, nếu chỉ trông chờ vào nguồn lực đầu tư từ nhà nước thì là không đủ mà phải huy động nguồn lực xã hội hoá. Tuy nhiên, vẫn phải thực hiện nghiêm các quy định về thuế, đất đai và các luật chuyên ngành, hợp tác công tư… Một số vướng mắc trong quy định về vấn đề này hiện cần phải nghiên cứu, làm rõ và tháo gỡ.
Về quy hoạch, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, quy hoạch mạng lưới thiết chế văn hoá, thể thao cần tiếp tục được hoàn thiện theo hướng phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch lớn; thể hiện sự bài bản, khoa học; tích hợp được quy hoạch các thiết chế văn hoá, thể thao. Các thiết chế văn hoá, thể thao phải thể hiện vai trò như một "bảo tàng" nhằm quảng bá các giá trị văn hoá truyền thống của địa phương.
Đối với các giải pháp về hoàn thiện văn bản pháp luật; quản lý, sử dụng, khai thác thiết chế văn hoá, thể thao; đầu tư kinh phí, huy động nguồn lực xã hội, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho thiết chế văn hoá, thể thao, đề nghị các bộ, ngành rà soát, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ giải pháp khả thi, phù hợp với tình hình thức tế, chức năng, nhiệm vụ.
Về bộ máy nhân sự vận hành các thiết chế thể thao, ông Nguyễn Đắc Vinh nêu rõ các bộ, ngành phải nhanh chóng nghiên cứu để tháo gỡ vướng mắc; có giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu thực tiễn; nghiên cứu ban hành cơ chế đặc thù trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển tài năng, nhất là nhân lực trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; tăng cường tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ làm việc trong hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao./.