(Cinet)- Nhằm bảo tồn những tư liệu có giá trị văn hóa, lịch sử trên địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã thống nhất chủ trương lập đề án sưu tầm, bảo quản và phục hồi tư liệu Hán - Nôm giai đoạn 2019 - 2024.
(Cinet)- Nhằm bảo tồn những tư liệu có giá trị văn hóa, lịch sử trên địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã thống nhất chủ trương lập đề án sưu tầm, bảo quản và phục hồi tư liệu Hán - Nôm giai đoạn 2019 - 2024.
Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế |
Theo Báo Thừa Thiên Huế cho biết, địa phương là nơi còn lưu giữ nhiều tư liệu Hán - Nôm quý giá có từ thời Lê đến thời Nguyễn, đa phần được lưu giữ trong các làng, họ tộc, tư gia các gia đình hoàng tộc triều Nguyễn. Ngoài một số thất lạc, hư hỏng do chiến tranh, thiên tai, đã có không ít tài liệu Hán - Nôm quý bị mối mọt hủy hoại do không có điều kiện bảo quản.Vì vậy việc số hóa các tư liệu lịch sử trở nên cấp thiết.
Trong suốt gần 10 năm qua, Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế và Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.Hồ Chí Minh đã phối hợp thực hiện sưu tầm, số hóa khoảng 229.200 trang tài liệu, tư liệu Hán Nôm, hơn 10.000 sắc phong, chế phong, chiếu chỉ, lệnh chỉ được lưu giữ ở 14 phủ đệ, 100 làng, đền thờ cùng 492 họ tộc.
Đặc biệt, 2 đơn vị này đã số hóa được tất cả bộ “Hoàng Việt luật lệ” thời vua Gia Long, nhiều sách đồng ở phủ Hàm Thuận Công và nhà thờ họ Nguyễn đóng ở phường Phú Hội, TP.Huế cùng các sắc phong, chế phong có chất liệu bằng vải lụa ở phủ Kiến Hòa Quận Công, Phủ Hàm Thuận Công, Phủ thờ họ Nguyễn Phúc Tộc…
Trong thời gian tới, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc sưu tầm, số hóa, tuyển dịch để bảo quản, lưu trữ, đồng thời có kế hoạch xuất bản những ấn phẩm tài liệu đã được số hóa, phục vụ cho nhu cầu nghiên cứu của độc giả, góp phần vào sự nghiệp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc nói chung, di sản trên vùng đất Cố đô Huế nói riêng.
Thanh Thủy (t/h)