(Tổ Quốc) - Nhiều khả năng Vietjet sẽ mua các máy bay cỡ lớn để mở tuyến bay tới Mỹ vào năm 2019.
Bloomberg đưa tin, Công ty Hàng không Vietjet đã lên kế hoạch mở rộng đội bay của mình với các máy bay cỡ lớn, nhằm phục vụ cho việc mở đường bay đến Mỹ vào năm sau.
Hãng tin dẫn lời bà Nguyễn Thị Phương Thảo, nhà sáng lập và CEO của Vietjet cho biết, sau khi được Hiệp hội Hàng không Hoa Kỳ cấp giấy phép bay đến Mỹ, Vietjet sẽ sử dụng các máy bay lớn hơn cho tuyến đường bay này trong tương lai gần. Theo bà Thảo, chuyến bay đầu tiên tới Mỹ của Vietjet dự định sẽ kết nối Việt Nam với sân bay quốc tế Norman Y. Mineta San Jose – một địa điểm không chỉ gần nơi sinh sống của cộng đồng người Việt Nam, mà còn thuận lợi cho việc di chuyển tới San Francisco.
“Chúng tôi muốn 60% các chuyến bay của mình là quốc tế. Chúng tôi cũng đang nghiên cứu khả năng sử dụng máy bay thân rộng cho các tuyến bay đường dài khi điều kiện thích hợp cho phép,” nữ CEO nói.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, nhà sáng lập và CEO của Vietjet |
Theo Hiệp hội Vận tại Hàng không quốc tế, Việt Nam là một trong 5 thị trường có tốc độ phát triển vận tải hàng không nhanh nhất trong 20 năm tới trên thế giới. Cũng trong tuần này, ông Dương Trí Thành, Tổng Giám đốc của hãng Hàng không Quốc gia Vietnam Airlines cho biết, Vietnam Airlines đang cân nhắc mở tuyến bay tới Los Angeles vào cuối năm 2019 hoặc đầu 2020.
Hôm nay (12/11), dưới sự chứng kiến của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Mỹ Donald Trump, Vietjet đã ký kết một hợp đồng mua bán động cơ trị giá 600 triệu USD với Pratt & Whitney. Tổng thống Trump vừa rời Hà Nội chỉ vài giờ trước đây, sau khi kết thúc chuyến thăm chính thức tới Việt Nam trong hai ngày 11 và 12/11. Thỏa thuận này là độc lập với hợp đồng trị giá 3,6 tỷ USD, mua 215 động cơ,được Vietjet ký kết hồi đầu năm nay.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chứng kiến lễ ký kết một số thỏa thuận hợp tác quan trọng giữa doanh nghiệp hai nước (ảnh: Nam Nguyễn) |
Brendan Sobie, một nhà phân tích tại Trung tâm Hàng không CAPA cho biết, chỉ trong năm ngoái, Vietjet đã đạt mức tăng trưởng 150%.
“Trong vòng 5 năm trở lại đây, thị trường nội địa [Việt Nam] đã tạo ra tốc độ tăng trưởng trên… tuy nhiên lại có một sự giới hạn,” ông Sobie nói. “Nhiều người sau khi lần đầu tiên đi lại bằng máy trong 5 năm qua giờ đây đã có thể du lịch nước ngoài.”
Kể từ năm 2014, Vietjet đã mua 230 chiếc máy bay Airbus SE và Boeing. Năm ngoái, hãng này đặt hàng 100 chiếc Boeing 737 Max 200 với giá trị thị trường của hợp đồng lên tới 11,3 tỷ USD. Năm 2015, Vietjet cũng đã đồng ý mua 30 chiếc A320neo trị giá 3,6 tỷ USD… Bà Thảo dự đoán, năm 2017, số lượng hành khách mà Vietjet phục vụ sẽ vào khoảng 17 triệu người đưa mức lợi nhuận của hãng này vượt 10% so với kế hoạch đề ra.
Chuyên gia Sobie đánh giá, kế hoạch mở rộng thị trường quốc tế của Vietjet cho đến hiện tại, đều tập trung hoàn toàn vào Châu Á, với hơn 400 chuyến bay quốc tế mỗi tuần vào cuối năm nay. Đây là một mức tăng đáng kể so với con số 130 chuyến vào tháng 10/2016. Tuy nhiên, bay đến Mỹ, theo ông, là một thách thức lớn hơn nhiều. “Sự cạnh tranh rất khốc liệt,” Sobie nói. “Khi bạn bay 12 tiếng, mọi thứ sẽ trở nên đắt đỏ hơn. Chi phí ban đầu rất lớn. Viễn cảnh kiếm được tiền từ tuyến bay này không rõ ràng.”
Bà Thảo tiết lộ, Vietjet sẽ tập trung khai thác những điểm khác biệt của mình, như mở đường bay đến các sân bay vùng như San Jose và Quận Cam (California), nơi có đông người Việt Nam sinh sống.
“Chúng tôi đang nhắm vào các sân bay, nơi có nhu cầu nhưng lại không nhiều hãng hàng không có mặt,” bà cho biết.
(Theo Bloomberg)