(Tổ Quốc) - Sáng 8/11, trong khuôn khổ Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ VII (HANIFF VII), đã diễn ra Hội thảo Tiêu điểm Điện ảnh Đức. Hội thảo có sự tham gia của Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông; Đại sứ Đức tại Việt Nam Helga Margarete Barth; ông Oliver Brandt, Viện trưởng Viện Goethe Hà Nội.
- 07.11.2024 Khai mạc Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội VII: Điện ảnh sáng tạo, cất cánh
- 07.11.2024 Quảng bá di sản văn hóa Việt Nam qua ảnh tại Liên hoan phim quốc tế Hà Nội
- 07.11.2024 Khai mạc Chợ Dự án Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ VII
- 07.11.2024 Liên hoan phim quốc tế Hà Nội VII: Lan tỏa, tôn vinh bản sắc văn hóa
- 06.11.2024 Khán giả thủ đô xếp hàng dài lấy vé xem phim tại Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ VII
Hội thảo thu hút đông đảo nhà làm phim, nhà nghiên cứu điện ảnh Việt Nam và hai diễn giả người Đức gồm đạo diễn, nhà biên kịch Sophia Linnenbaum cùng với đạo diễn, diễn viên Axel Ranisch với vai trò là những nhà làm phim Đức đương đại.
Thúc đẩy hợp tác Việt Nam- Đức
Phát biểu chào mừng tại Hội thảo, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho biết, Hội thảo "Tiêu điểm Điện ảnh Đức", một hoạt động rất có ý nghĩa, hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Đức (1975 - 2025).
"Hội thảo được tổ chức với mục đích trao đổi về những kinh nghiệm trong việc xây dựng chính sách phát triển điện ảnh của Chính phủ Đức, cùng hành trình đến với Liên hoan Phim cũng như những giải thưởng điện ảnh có uy tín quốc tế"- Thứ trưởng chia sẻ.
Cũng theo Thứ trưởng, với chủ đề "Điện ảnh: Sáng tạo - Cất cánh" của Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ VII, thông qua hội thảo, đặc biệt là nội dung do hai nhà làm phim Đức chia sẻ sẽ là kinh nghiệm hữu ích cho những người làm phim trong nước và quốc tế tham dự Liên hoan Phim (LHP).
Thứ trưởng khẳng định, chùm phim trong Chương trình tiêu điểm Điện ảnh Đức giới thiệu 07 bộ phim đặc sắc của những nhà làm phim Đức đương đại với tính đa dạng văn hóa cùng cách biểu đạt độc đáo trong ngôn ngữ điện ảnh.
Điện ảnh Đức đương đại đã xác lập vị trí của mình trên bình diện quốc tế nhờ vào sự kết hợp giữa kể chuyện sáng tạo, phản ánh về các vấn đề lịch sử và xã hội, cùng với kỹ thuật làm phim xuất sắc. Các đạo diễn và diễn viên tiếp tục đẩy ranh giới của điện ảnh Đức lên một tầm cao mới, và trở thành một trong những nền điện ảnh quốc gia đáng chú ý nhất hiện nay. Nhiều bộ phim Đức đã được đề cử và giành giải thưởng tại các sự kiện quốc tế danh giá, như giải Oscar, LHP Cannes. Các nhà làm phim Đức hiện nay được coi là những người đóng góp quan trọng cho điện ảnh toàn cầu, cả về nghệ thuật và nội dung.
"Từ những thành công của điện ảnh Đức, có thể thấy những điều mà điện ảnh Việt Nam có thể chia sẻ và học hỏi. Tôi tin rằng, với kinh nghiệm và sự chuẩn bị chu đáo của Ban Tổ chức và Viện Goethe tại Hà Nội, Hội thảo sẽ thành công tốt đẹp với những chia sẻ, trao đổi giữa những người đồng nghiệp đến từ nhiều nền điện ảnh khác nhau; luôn có sự đồng cảm với những giá trị nhân văn, luôn thích ứng và phát triển cùng sự tiến bộ của con người"- Thứ trưởng Tạ Quang Đông khẳng định.
Phát biểu chào mừng tại Hội thảo, Đại sứ Đức tại Việt Nam Helga Margarete Barth cho biết: LHP quốc tế Hà Nội lần thứ VII thể hiện sự quyết tâm và hành động của Bộ VHTTDL trong việc thúc đẩy phát triển điện ảnh Việt Nam.
Bà Đại sứ cảm ơn BTC LHP vì đã tổ chức hội thảo về điện ảnh Đức trong khuôn khổ LHP. Theo bà Đại sứ, năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt trong mối quan hệ Đức - Việt Nam đánh dấu kỷ niệm 50 năm thiết lập mối quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia. Sau Hội thảo này, sẽ có nhiều sự kiện nổi bật và thú vị khác thể hiện sự hợp tác giữa Việt Nam và Đức trong thời gian tới.
Tìm kiếm nguồn tài trợ cho các nhà làm phim độc lập
Tại hội thảo, hai đạo diễn và nhà biên kịch Axel Ranisch và Sophie Linnenbaum cùng có những chia sẻ thẳng thắn về điện ảnh Đức: "Tại Đức có những chương trình hỗ trợ các nhà làm phim trẻ để họ sản xuất ra bộ phim đầu tay. Chúng tôi nỗ lực đưa hình ảnh của các nhà làm phim trẻ đến gần hơn với khán giả. Có những chương trình, khóa học học đào tạo về làm phim trong vòng nhiều năm nhằm mục đích nâng cao, trao đổi kinh nghiệm và chất lượng phim. Người Đức rất ít khi đi ra rạp xem phim, đó là một thách thức đối với những nhà làm phim, đặc biệt là những nhà làm phim trẻ. Hiện tại 90% những bộ phim sản xuất ở Đức được đồng hành sản xuất với truyền hình và truyền hình hỗ trợ cho điện ảnh".
Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh của bộ phim Ngày xưa có một chuyện tình chia sẻ ở Đức có rất nhiều LHP lớn và các LHP đều rất mạnh trong các chương trình hỗ trợ tài năng trẻ thông qua các chợ dự án. Mấu chốt theo anh chính là đem lại bản sắc văn hóa Việt Nam vào trong tác phẩm của mình, bởi rất nhiều khán giả nước ngoài yêu thích việc tìm hiểu văn hóa, dễ dàng chú ý tới các dự án Việt.
Nhà sản xuất, diễn viên Mai Thu Huyền thì chia sẻ mong muốn được tiếp cận việc quảng bá phim Việt tại Đức bởi theo thống kê, có hơn 170 ngàn người Việt đang sinh sống ở Đức. Vì vậy, thị trường cho phim Việt ở Đức là rất lớn.
Giải đáp những câu hỏi của các nhà làm phim Việt Nam như tìm nguồn vốn cho các nhà làm phim độc lập, vấn đề bản sắc văn hóa, dân tộc được khai thác như thế nào trong điện ảnh Đức, ông Oliver Brandt, Viện trưởng Viện Goethe Hà Nội cho biết, các nhà làm phim độc lập Việt Nam có thể giới thiệu các dự án phim của mình đến Viện Goethe và nếu phù hợp thì Viện hỗ trợ bằng việc gửi thư giới thiệu tới các Quỹ hỗ trợ của Đức và chi phí để các bạn sang Đức tìm hiểu, tiếp cận các Quỹ hỗ trợ cho dự án điện ảnh của mình.
Một điểm chung được hai diễn giả người Đức đồng chia sẻ là việc cần tham gia nhiều các LHP để quảng bá cho các dự án, các bộ phim của mình.
Theo đạo diễn, diễn viên Axel Ranisch, Đức có khoảng 100 LHP quốc tế/năm. Các LHP được tổ chức cùng với các sự kiện khác và điều quan trọng là các nhà làm phim truyền thông tốt. "Phải đưa phim của mình đến nhiều LHP, để mọi người biết mình là ai. Khi có tên tuổi, có các dự án tốt thì sẽ dễ dàng tiếp cận các quỹ làm phim"- đạo diễn, diễn viên Axel Ranisch chia sẻ.
Đồng quan điểm, đạo diễn, nhà biên kịch Sophia Linnenbaum khẳng định: "Hãy đi qua những cánh cửa LHP, giao lưu, tiếp cận cộng đồng làm phim cũng như tìm hiểu về mong muốn của người xem phim. Từ đó, người đạo diễn, nhà biên kịch sẽ biết được cần phải làm gì"./.