(Tổ Quốc) - Nhiều giải pháp nhằm tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật tuồng đã được các chuyên gia nghiên cứu văn hóa, nghệ nhân, nghệ sĩ… đưa ra trong Hội thảo "Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật tuồng cổ Quảng Nam” vừa được tổ chức tại tỉnh Quảng Nam.
Theo thống kê của ngành văn hóa, hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có 19 đơn vị tuồng đang hoạt động khá thường xuyên gồm: Đoàn tuồng bán chuyên nghiệp Sông Thu, huyện Duy Xuyên và 18 câu lạc bộ (CLB) tuồng không chuyên, trong đó có 7 CLB ở huyện Duy Xuyên, 6 CLB ở huyện Quế Sơn, 5 CLB ở huyện Nông Sơn, 1 CLB ở TP Hội An.
Tuồng xứ Quảng vừa thừa hưởng của nghệ thuật tuồng cung đình Huế, vừa có sự giao thoa với tuồng Bình Định. Cái khác biệt lớn nhất giữa tuồng Bình Định và Quảng Nam là hát khách: tuồng Bình Định hát nhịp ngoại, tuồng Quảng Nam hát nhịp nội. Ngoài ra, tuồng cổ Quảng Nam còn sở hữu dòng tuồng thiên về hát và biểu diễn nội tâm; có một phong cách khá riêng, rất đặc trưng. Đặc biệt, Quảng Nam sở hữu dòng tuồng văn, tức là thiên về hát và biểu diễn nội tâm.
Trong chiều dài lịch sử phát triển, tuồng Quảng Nam hội tụ rất nhiều nhân tài. Nhiều vai diễn độc đáo của các nghệ sĩ bậc thầy đất Quảng trở thành hình mẫu cho bao nghệ sĩ cả nước học tập, làm theo. Các kịch bản tuồng của Nguyễn Hiển Dĩnh, Tống Phước Phổ trở thành những kịch bản kinh điển, đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật tuồng thầy, tuồng đồ, tuồng cách mạng, được ngành tuồng cả nước coi là mẫu mực để dàn dựng, biểu diễn và vẫn sống bền bỉ trên sân khấu hôm nay. Trường hát Vĩnh Điện mang đậm dấu ấn phong cách nghệ thuật của Nguyễn Hiển Dĩnh tiếng tăm khắp tỉnh và ảnh hưởng không nhỏ đến những nơi khác...
Tại Hội thảo, các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật tuồng cổ một cách có hiệu quả hơn; đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền nhằm khuyến khích, tạo "đất sống" cho tuồng…
Tuồng là môn nghệ thuật sân khấu truyền thống độc đáo của dân tộc Việt Nam. Thế nhưng, cũng giống như những loại hình nghệ thuật truyền thống khác, tuồng xứ Quảng đang đứng trước nguy cơ mai một. Ở đó việc bảo tồn để duy trì và phát triển nghệ thuật tuồng đang là "bài toán" không dễ gì tìm được câu trả lời thấu đáo.
Để tuồng của đất Quảng tồn tại và phát triển, thiết nghĩ ngoài nguồn lực sẵn có ở địa phương, cơ sở, cần có sự quan tâm hơn nữa từ các cấp ngành, nhất là cần có chính sách hỗ trợ về vật chất, đầu tư quản lý của ngành chức năng, ví như đầu tư vào các cuộc hội thảo, in ấn xuất bản sách về tuồng, tổ chức đưa sân khấu tuồng vào học đường... Việc chú trọng đầu tư vào các hoạt động này sẽ góp phần không nhỏ trong việc bảo tồn và phát triển nghệ thuật tuồng.