• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tìm giải pháp bảo vệ di tích “có một không hai” ở Đà Nẵng

Văn hoá 16/12/2017 08:49

(Tổ Quốc) - Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng đã đề nghị lãnh đạo thành phố xem xét lại giá trị lịch sử của Thành Điện Hải, nhằm có giải pháp quản lý bảo vệ di tích “có một không hai” này.

Ngày 15/12, Sở Văn hóa và Thể thao TP Đà Nẵng đã tổ chức hội thảo khoa học “Giải pháp bảo tồn, tôn tạo, phục hồi và phát huy giá trị di tích Thành Điện Hải”.

Hội thảo nhằm ghi nhận ý kiến đóng góp, đánh giá nghiên cứu và tìm kiếm các giải pháp bảo tồn, phục hồi, tôn tạo di tích, nhằm phát huy giá trị của di tích trong việc giáo dục truyền thống yêu nước, nghiên cứu khoa học, phục vụ khách tham quan, du lịch trong và ngoài  nước. 

Tại Hội thảo, nhiều nhà nghiên cứu đánh giá cao tầm quan trọng của di tích Thành Điện Hải trong những ngày đầu chống thực dân Pháp xâm lược nước ta, trở thành một địa chỉ đỏ đặc biệt quan trọng.

Theo ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng, từ năm 2016, nhằm bảo tồn, phát huy giá trị của di tích, phía Sở đã đề nghị lãnh đạo thành phố xem xét lại giá trị lịch sử của Thành Điện Hải, nhằm có giải pháp quản lý bảo vệ di tích “có một không hai” này.

Chính vì thế, đầu năm 2017, lãnh đạo thành phố đã có chủ trương di dời giải tỏa 80 hộ dân sinh sống xung quanh bờ tường phía Tây, dừng hẳn công trình xây dựng Trung tâm lưu trữ ở phái Bắc và phê duyệt luận chứng kinh tế, kỹ thuật trùng tu, tôn tạo và phục hồi Thành Điện Hải gồm 2 giai đoạn.

Trong giai đoạn 1 (năm 2017-2019), tiến hành giải phóng mặt bằng, di dời toàn bộ số hộ dân ra khỏi Thành Điện Hải, tháo các kiến trúc không nguyên gốc, phục hồi kè, hào như nguyên trạng, xây dựng công viên, cây xanh, bãi đỗ xe, tạo không gian đệm cho di tích. Giai đoạn 2 (2019 – 2021), di dời Bảo tàng Đà Nẵng ra khỏi Thành Điện Hải và tiến hành tôn tạo, phục hồi các yếu tố gốc trong khu vực nội thành gồm những công trình đã có ở thành trong lịch sử như nhà kho, kho thuốc súng, kỳ đài, vọng lâu… và nghiên cứu xây dựng không gian tưởng niệm các anh hùng, nghĩa sĩ đã hy sinh, xây dựng các khu phụ trợ phục vụ cho việc phát huy giá trị di tích.

“Hy vọng sau khi trùng tu và tôn tạo, chắc chắn Thành Điện Hải sẽ là một địa chỉ đỏ trên mạng lưới các di tích văn hóa, lịch sử thành phố, là một điểm đến không thể bỏ qua của du khách gần xa khi đến thành phố bên sông Hàn này”, ông Huỳnh Văn Hùng nói.

 Một góc Thành Điện Hải.

Theo ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng, Thành Điện Hải là một cứ điểm phòng thủ về quân sự được xây dựng theo kiến trúc Vauban, vì thế ngoài các tư liệu về thành cổ trong nước, chắc chắn, các chuyên gia phục dựng sẽ phải nghiên cứu thêm các tư liệu về thành cổ phương Tây.

Hạng mục này gắn liền với việc trưng bày các khẩu súng thần công sưu tập được lâu nay và đang chờ ý kiến thẩm định của Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia để trình Thủ tướng Chính phủ công nhân là “Bảo vật quốc gia”. Ngoài các ụ súng phải có các chòi canh, cho nên các chuyên gia phục dựng còn phải giúp chủ đầu tư hình dung các cửa thành, các cụ súng và cả các chòi canh, số lượng bao nhiêu, hình dạng thế nào.

“Đã là công trình phòng thủ quân sự, chắc là phải có ít nhất một kỳ đài và sở chỉ huy/hành cung – chưa kể kho lương thực/kho vũ khí/trại lính. Theo tôi, có lẽ nên ưu tiên phục dựng kỳ đài và sở chỉ huy/hành cung, và nên kết hợp việc phục dựng hạng mục kỳ đài với việc hình thành mới một vườn tượng các tướng lĩnh như Nguyễn Văn Thành/Nguyễn Công Trứ/Đào Trí/ Lê Đình Lý… chứ không chỉ tượng Nguyễn Tri Phương như lâu nay”, ông Bùi Văn Tiếng đề xuất.

Trong lúc đó, GS.TS Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia cho biết, các hoạt động bảo tồn di tích Thành Điện Hải đã và đang được lãnh đạo thành phố Đà Nẵng hết sức quan tâm. GS Trương Quốc Bình cho rằng, trong giai đoạn 1 chỉ nên tập trung mọi nỗ lực để triển khai những nội dung giải tỏa đền bù các hộ dân phía Tây Thành Điện Hải; tu bổ, tôn tạo lại thành trong, thành ngoài và hào nước, cải tạo cảnh quan khuôn viên, bãi đỗ xe, hạ tầng kỹ thuật, sân vườn phía ngoài.

Theo TS.KTS Hoàng Đạo Cương, Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích, để công tác đầu tư, bảo tồn, tôn tạo, phục hồi và phát huy giá trị đạt hiệu quả cao, trước hết cần phải có thêm những khảo sát, nghiên cứu kỹ lưỡng về loại hình thành Vauban cùng thời được xây dựng ở nước ta.

Ngoài ra, cần tiến hành quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị khu thành với diện tích vùng lõi gần 3 ha và vùng mở rộng nghiên cứu với diện tích phù hợp. Đồng thời vì hạng mục nguyên gốc trong thành đều đã mất nên cần hết sức thận trọng khi phục hồi và phải nghiên cứu kỹ tư liệu, đối chiếu bản vẽ, bản ảnh lưu trữ; đối chiếu vói các ghi chép trong chính sử.

“Khi chưa có đủ tư liệu phục hồi thì nên làm các khu vườn hoa tạo cảnh, không nên xây dựng những công trình mới, sai lạc dấu tích gốc…”, TS.KTS Hoàng Đạo Cương cho biết.

Minh Ngọc

NỔI BẬT TRANG CHỦ