• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tìm giải pháp phục hồi và phát triển du lịch nông thôn khu vực đồng bằng sông Cửu Long hậu Covid-19

Du lịch 18/11/2021 10:22

(Tổ Quốc) - Ngày 17/11, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT) phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) cùng với Tổ chức Lương thực và nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) tổ chức hội thảo về "Phục hồi và phát triển du lịch nông thôn khu vực đồng bằng sông Cửu Long".

Phát biểu tại hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc cho biết, Việt Nam là đất nước gắn với nông nghiệp. Tài nguyên thiên nhiên và đặc trưng văn hóa vùng miền đặc sắc, trù phú là những tiền đề để du lịch nông thôn phát triển ở nước ta. Du lịch nông thôn góp phần bảo tồn bản sắc cho cộng đồng, tính độc đáo của điểm đến và đa dạng sản phẩm du lịch Việt Nam, vừa mở rộng đầu ra cho nông sản, vừa góp phần xây dựng thương hiệu hàng hóa đặc thù vùng miền; đồng thời, cũng góp phần thực hiện một số tiêu chí cơ bản về xây dựng nông thôn mới, như tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người nông dân. Du lịch nông thôn vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long gắn liền với sông ngòi, kênh rạch, nhiều lễ hội truyền thống dân gian, ẩm thực Nam Bộ.

Tìm giải pháp phục hồi và phát triển du lịch nông thôn khu vực đồng bằng sông Cửu Long hậu Covid-19 - Ảnh 1.

Toàn cảnh Hội thảo (Ảnh: Lê Minh)

Việt Nam đang từng bước phát triển loại hình du lịch nông thôn. Trong tiến trình này, ngành du lịch và ngành nông nghiệp đã và đang phối hợp chặt chẽ với nhau trong xây dựng Đề án, lồng ghép phát triển du lịch trong xây dựng nông thôn mới, trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển nông thôn.

Nhiều mô hình du lịch nông nghiệp và du lịch nông thôn cũng đã nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ quốc tế và hiệp hội du lịch. Một số mô hình đã có những thành công bước đầu, đem lại nguồn sinh kế mới cho cộng đồng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, nhiều địa phương còn gặp khó khăn trong việc vận hành, quản lý và đặc biệt là duy trì và thu hút nguồn khách du lịch.

Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Lê Phúc nhấn mạnh, để phát triển du lịch nông thôn bền vững cần đến sự chung tay của nhiều bên tham gia. Cùng với việc xây dựng chiến lược, chính sách, hỗ trợ tài chính của các cơ quan chính phủ và tổ chức phi chính phủ, nhận thức và sự hưởng ứng của cộng đồng, sự tham gia của các doanh nghiệp du lịch là hết sức cần thiết.

Tìm giải pháp phục hồi và phát triển du lịch nông thôn khu vực đồng bằng sông Cửu Long hậu Covid-19 - Ảnh 2.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc phát biểu tại Hội thảo

Phó Cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Lê Thanh Tùng cho rằng, các tiêu chí trong mười thành tố để hình thành nên nền nông nghiệp sinh thái, trong đó thành tố du lịch nông thôn đóng vai trò vô cùng quan trọng. Nếu các sản phẩm chỉ đơn thuần là lúa gạo, trái cây, thủy sản... thì chỉ đơn giản là lương thực, thực phẩm, nhưng nếu kết hợp cùng du lịch nông thôn, sẽ nâng tầm giá trị các sản phẩm, đi cùng với đó là giá trị văn hóa, đời sống người dân cũng được nâng cao. Từ đó, tạo điều kiện cơ hội phát triển cho các giá trị văn hóa, giá trị nông sản cho các vùng miền khác trên khắp cả nước.

Là một trong 7 vùng du lịch của cả nước, du lịch nông thôn ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) những năm gần đây phát triển mạnh với các điểm đến là những vườn cây ăn trái đa dạng về chủng loại, những làng hoa cây cảnh mang nét đặc trưng của nông nghiệp miền sông nước hay những mô hình nuôi thủy sản công nghệ cao kết hợp với tìm hiểu, trải nghiệm các công đoạn chăm sóc, thu hoạch, sơ chế nông sản.

Tìm giải pháp phục hồi và phát triển du lịch nông thôn khu vực đồng bằng sông Cửu Long hậu Covid-19 - Ảnh 3.

Trước đại dịch, hoạt động du lịch ở khu vực ĐBSCL diễn ra khá sôi nổi. (Ảnh: Unplash)

Tuy nhiên, so với tiềm năng của vùng ĐBSCL thì kết quả thu hút và phát triển du lịch chưa tương xứng với tiềm năng của vùng ĐBSCL. Hơn nữa, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp và kéo dài, du lịch vùng ĐBSCL cũng chịu ảnh hưởng nặng nề.

Trước đại dịch, hoạt động du lịch ở khu vực này diễn ra khá sôi nổi. Năm 2019, tổng khách nội địa trong khu vực ĐBSCL đạt 26.132 triệu lượt, tổng thu du lịch đạt 12.000 tỷ đồng chiếm khoảng 30% tổng lượng khách nội địa cả nước. Năm 2020, thời điểm bắt đầu diễn ra dịch bệnh, lượng khách du lịch đến các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long chỉ đạt 28,5 triệu lượt, giảm 38,4% so với cùng kỳ, doanh thu du lịch đạt 21.879 tỷ đồng, giảm gần 50% so với cùng kỳ.

Tìm giải pháp phục hồi và phát triển du lịch nông thôn khu vực đồng bằng sông Cửu Long hậu Covid-19 - Ảnh 4.

Đại diện Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) đã có báo cáo đánh giá hiện trạng phát triển du lịch nông thôn ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam. (Ảnh: Lê Minh)

Tại hội thảo, các đại biểu, chuyên gia tập trung thảo luận, đánh giá, thảo luận xung quanh các vấn đề: thực trạng, tiềm năng, thách thức và các giải pháp ứng phó để phát triển du lịch nông thôn khu vực ĐBSCL trong bối cảnh dịch bệnh; Tăng cường tính kết nối khu vực giữa các tỉnh vùng ĐBSCL, cũng như giữa các nước ASEAN để phát triển du lịch nông thôn... Đồng thời, cũng lắng nghe những chia sẻ kinh nghiệm từ các mô hình phát triển du lịch nông thôn thành công của Thái Lan và Tiền Giang (Việt Nam).

Cũng trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu, chuyên gia đã tiến hành phiên thảo luận về các nhóm vấn đề: Khu vực tư nhân: Giải pháp ứng phó Covid-19; Tiềm năng, thách thức và giải pháp để phát triển du lịch nông thôn; Hỗ trợ của nhà nước đối với  việc phục hồi và phát triển trở lại của du lịch nông thôn giai đoạn hậu Covid...

Về chủ đề thảo luận "Hỗ trợ của nhà nước đối với việc phục hồi và phát triển trở lại giai đoạn hậu Covid-19", Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) Nguyễn Quý Phương cho biết, trong chính sách chung của nhà nước phát triển nông nghiệp, nông thôn, du lịch nông thôn đóng vai trò quan trọng của chương trình nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Tổng cục Du lịch (Bộ VHTTDL) sẽ phối hợp, tham gia chương trình do Bộ NN&PTNT chủ trì, xây dựng các chương trình du lịch dành cho vùng đồng bằng sông Cửu Long sát với nhu cầu của địa phương và doanh nghiệp, qua đó góp phần hình thành những mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn phù hợp với những sản phẩm gắn với văn hóa địa phương, sản phẩm vùng miền.

Thu Mai. Ảnh: Lê Minh

NỔI BẬT TRANG CHỦ