(Tổ Quốc) - Chiều 11/10, Báo Tuổi trẻ tổ chức Hội thảo "Sản phẩm nào cho khách du lịch cao cấp đến Việt Nam năm 2024" nhằm đưa ra các giải pháp để du khách được trải nghiệm chất lượng dịch vụ cao cấp với mức phí chuẩn, tạo ấn tượng tốt đẹp, nâng cao sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam tại khu vực.
Dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong; Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Nguyễn Trùng Khánh; đại diện các Sở Du lịch; Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Liên Chi hội Lữ hành Việt Nam; đại diện đại sứ quán các nước tại Việt Nam và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ du lịch cao cấp tại Việt Nam.
Việt Nam có tiềm năng lớn để trở thành điểm đến chất lượng, đón những đoàn khách cao cấp
Những năm gần đây định vị thương hiệu du lịch Việt đang dần thay đổi từ du lịch giá rẻ sang điểm đến đẳng cấp, chất lượng. Nhiều tỉ phú, du khách có mức chi tiêu cao lựa chọn để tổ chức các sự kiện trọng đại. Gần đây nhất, cuối tháng 8/2024, tỷ phú ngành dược của Ấn Độ đã lựa chọn Hà Nội, Hạ Long (Quảng Ninh), Ninh Bình là nơi dành trọn kỷ nghỉ cho 4.500 nhân viên của mình.
Du lịch cũng đang dần phục hồi và có những bước tiến cả về chất và lượng. Theo thống kê hoạt động du lịch 9 tháng đầu năm cho thấy con số đáng phấn khởi đó là chúng ta đã đón được 12,7 triệu khách du lịch quốc tế, tăng 43% so với cùng kỳ. Việt Nam đang tiến rất gần đến mục tiêu 17-18 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2024.
Đó là điểm sáng của du lịch Việt Nam sau đại dịch, tuy nhiên lượng khách chi tiêu cao đến Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn. Do đó, cần phải tìm ra được sản phẩm du lịch cho khách du lịch cao cấp đến Việt Nam.
Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong cho biết, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính chất liên ngành, liên vùng và có tính xã hội hóa rất cao. Làm du lịch là trách nhiệm của xã hội, trong đó Bộ VHTTDL, Cục Du lịch Quốc gia có vai trò dẫn dắt, tạo điều kiện tốt nhất để tập hợp những người có mong muốn phát triển ngành du lịch Việt Nam thành một ngành kinh tế mũi nhọn.
Theo Thứ trưởng Hồ An Phong, kết quả thống kê hoạt động du lịch 9 tháng đầu năm rất phấn khởi. Chúng ta đón tới 12,7 triệu khách, tăng 43% so với cùng kỳ. Ba tháng cuối năm là thời điểm cao điểm đón khách quốc tế. Vì thế đây là thời điểm "vàng" để ta nhìn nhận, đánh giá đầy đủ, qua đó có những dự báo cho hướng đi sắp tới để đạt kết quả cao hơn, đặc biệt ở phân khúc khách du lịch cao cấp đến Việt Nam. Quan trọng hơn các con số là chất lượng khách đến Việt Nam, làm sao để khách chi tiêu cao hơn, lưu trú dài hơn…
Thứ trưởng Hồ An Phong cho rằng, với những đánh giá, gợi mở, định hướng ở hội thảo "Sản phẩm nào cho khách du lịch cao cấp đến Việt Nam năm 2024" sẽ giúp các cơ quan quản lý có những cơ sở khoa học và thực tiễn thúc đẩy du lịch Việt Nam phát triển đúng hướng, có chất lượng ngày một cao hơn và bền vững theo Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.
Theo Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Nguyễn Trùng Khánh, Việt Nam có tiềm năng lớn để trở thành điểm đến chất lượng, đón những đoàn khách cao cấp (về tự nhiên, văn hóa phong phú, đa dạng; chính trị ổn định, an toàn; con người thân thiện…). Dù chúng ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực, song việc khai thác chưa tương xứng với những tiềm năng đó.
Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, để phát triển du lịch cao cấp thì vai trò của doanh nghiệp và địa phương là quan trọng trong liên kết sản phẩm, hoàn thiện các quy trình, tiêu chuẩn mang tính phục vụ cao, hình thành hệ sinh thái cung cấp dịch vụ sản phẩm cao cấp cho khách du lịch.
Song hành với việc có những sản phẩm độc đáo thì giá cả phải ở mức độ phù hợp để tạo thế cạnh tranh. Từ đó bảo đảm phát triển du lịch bền vững, bảo vệ môi trường, đây là yếu tố quan trọng cần ưu tiên thực hiện để khẳng định vị trí của du lịch Việt Nam là điểm đến du lịch cao cấp, có chất lượng.
Nhà báo Trần Xuân Toàn - Phó Tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ cho biết, Việt Nam đã đón nhiều đoàn khách quốc tế, trong đó có những đoàn có mức chi tiêu cao ở các thị trường trọng điểm như Hàn Quốc, Trung Đông, Châu Âu, Mỹ.
Du lịch Việt Nam cũng ghi nhận mức chi tiêu của những đối tượng khách ở các thị trường này đang tăng dần, nhưng để tối ưu nguồn thu cần đề xuất các góc nhìn để cùng thảo luận từ cộng đồng, doanh nghiệp lữ hành, lưu trú, dịch vụ du lịch và từ góc độ của cơ quan quản lý nhà nước, các bộ, ngành... Để thu hút dòng khách cao cấp đòi hỏi không phải từ một phía mà cần sự chung tay của tất cả các ngành, các cấp và xã hội.
Điều quan trọng nhất là hiểu khách hàng
Tại Hội thảo, các chuyên gia, các nhà quản lý các công ty, tập đoàn lớn trong lĩnh vực du lịch đã phân tích và đánh giá về chất lượng du lịch của Việt Nam so với các nước; đánh giá về thị trường khách du lịch cao cấp tại Việt Nam; làm rõ được vai trò của du lịch cao cấp trong du lịch Việt Nam; làm rõ những cơ hội, khó khăn, thách thức của du lịch cao cấp; bước đầu đề xuất được một số định hướng, chính sách mà ngành du lịch cần chú trọng trong thời gian tới…
Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐQT Vietravel Group, sản phẩm du lịch cao cấp ngoài cơ sở hạ tầng, dịch vụ ở mức cao nhất thì sản phẩm du lịch cao cấp bản chất cuối cùng là phải để lại ấn tượng gì cho khách, một chuyến đi đáng nhớ, một kỷ niệm sâu sắc không thể quên hay một cảm nhận bất ngờ dành cho du khách… để du khách bỏ chi tiêu một cách xứng đáng.
Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, du lịch cao cấp không thể thiếu được chất lượng của hệ thống dịch vụ cung ứng nhưng cũng không thể thiếu sự chuẩn bị chu đáo, tỉ mỉ, kỹ lưỡng và có những nét độc đáo, cảm xúc dành cho du khách. Du lịch cao cấp là cùng triển khai "GO GREEN", giảm rác thải, phải làm du lịch "xanh" trước làm du lịch cao cấp, phải hướng về môi trường, hướng đến nhu cầu an toàn của du khách.
Bà Ngô Thị Hương - Phó Tổng Giám đốc Kinh doanh và Marketing Công ty CP Vinpearl cho biết, đối với Vinpearl điều quan trọng nhất là hiểu khách hàng, họ là ai, họ muốn gì.
"Chúng tôi khảo sát về khách hàng và tiếp cận theo thị trường để xác định dịch vụ khách hàng cần, từ đó phát triển sản phẩm để tiếp cận đến đối tượng khách hàng Vinpearl hướng tới. Với phân khúc khách cao cấp, họ luôn yêu cầu sản phẩm riêng biệt, thiết kế riêng đáp ứng nhu cầu cá nhân hóa", bà Ngô Thị Hương nói.
Bà Ngô Thị Hương cho biết, hiện nay Vinpearl có 49 cơ sở trải dài trên toàn quốc và năm 2025 Vinpearl sẽ khai trương thêm nhiều cơ sở mới tại Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Ninh…
Vinpearl luôn hướng tới mục tiêu "một điểm đến đa trải nghiệm" dù ở Phú Quốc, Nha Trang chúng tôi đều có khu siêu quần thể: Vinpearl, Vinhomes, Vinwonders… chúng tôi cũng hướng tới các trải nghiệm lần đầu tiên. Đối với du khách, đặc biệt khách cao cấp yếu tố an toàn luôn là điều họ quan tâm, dù vào khu vui chơi, sân golf đều cần đảm an toàn, mang đến sự an tâm cho khách hàng.
Đồng quan điểm với ông Nguyễn Quốc Kỳ, bà Ngô Thị Hương cho rằng hiện nay du khách cũng ưu tiên chăm sóc sức khỏe tinh thần vì vậy du lịch xanh được du khách rất quan tâm. Do đó, du lịch cao cấp cần phải chú ý tất cả những yếu tố trên.