(Tổ Quốc) - Ngày 9/6, tại Yên Bái, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức Hội thảo phục vụ soạn thảo Đề án xây dựng mô hình thư viện cơ sở phục vụ nhân dân miền núi, biên giới vùng trung du và miền núi phía Bắc giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tham dự Hội thảo có bà Kiều Thúy Nga - Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ VHTTDL, Trưởng Ban Soạn thảo Đề án, Trưởng Ban Tổ chức Hội thảo; Bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ VHTTDL, Trưởng Ban Biên tập Đề án; Ông Nguyễn Lâm Tới – Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Yên Bái, Phó Trưởng ban Tổ chức Hội thảo; Bà Đồng Thị Hồng Hạnh – Giám đốc Thư viện tỉnh Yên Bái cùng các đại biểu khách mời là đại diện các cơ quan Bộ, ngành Trung ương; đại diện lãnh đạo Sở VHTTDL, Sở VHTT các tỉnh/ thành phố; đại diện Thư viện Quốc gia Việt Nam, lãnh đạo các thư viện tỉnh/thành phố, thư viện lực lượng vũ trang,...
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã dành nhiều sự quan tâm, đầu tư phát triển khu vực trung du và miền núi phía Bắc, trong đó có phát triển văn hóa, thông qua việc củng cố, kiện toàn và phát triển các thiết chế văn hóa, đặc biệt là thiết chế thư viện trên địa bàn.
Từ những định hướng của Đảng, chính sách của Nhà nước, mạng lưới thư viện tại khu vực này đã có sự phát triển đa dạng về loại hình, trong đó thư viện công cộng có tương đối đầy đủ ở các cấp: tỉnh, huyện, xã. Tuy vậy, do điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội, mức độ đầu tư cho hoạt động thư viện tại hầu hết các tỉnh/thành khu vực trung du và miền núi phía Bắc hiện nay còn nhiều hạn chế, thư viện cơ sở chưa được quan tâm phát triển.
Cùng với đó, trong bối cảnh phát triển không ngừng của khoa học và công nghệ đã đặt ra những thách thức đòi hỏi cần có chính sách thúc đẩy, đổi mới mô hình tổ chức và hoạt động của thư viện.
Để xây dựng Đề án trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu thế chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số ngành văn hóa, thể thao và du lịch nói riêng, việc xây dựng mô hình thư viện cơ sở tại các tỉnh khu vực trung du và miền núi phía Bắc cũng có nhiều thay đổi, cần có những nhận diện mới, thấu đáo, thiết thực để từ đó xác định các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Đề án trong giai đoạn 2025 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Trên cơ sở đó, tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các vấn đề: Các mô hình thư viện cơ sở phù hợp, thiết thực, hiệu quả, linh hoạt gắn với việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số hiện nay; Nhiệm vụ và giải pháp trong việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức; hoàn thiện cơ chế chính sách; củng cố cơ sở hạ tầng, hiện đại hóa cơ sở vật chất cho các thư viện; Các giải pháp tăng cường công tác liên kết, phối hợp phục vụ nhân dân, chia sẻ nguồn tài nguyên giữa các thư viện công cộng của địa phương; các thư viện, phòng đọc sách của lực lượng vũ trang và các cơ quan, đơn vị, tổ chức đoàn thể khác; Công tác phối hợp tổ chức các hoạt động giao lưu, trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ, phát triển văn hóa đọc với các thư viện vùng biên giới nước bạn; Các giải pháp đẩy mạnh xã hội hóa, tranh thủ mọi nguồn lực tham gia phát triển mạng lưới thư viện cơ sở khu vực biên giới, trung du và miền núi phía Bắc; Góp ý kiến nội dung Dự thảo Quyết định phê duyệt Đề án "Xây dựng mô hình thư viện cơ sở phục vụ nhân dân miền núi, biên giới vùng trung du và miền núi phía Bắc giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045".
Các ý kiến đóng góp và thảo luận đã góp phần xác định rõ những thuận lợi, khó khăn và rút ra bài học kinh nghiệm trong quá trình tổ chức hoạt động trong những năm vừa qua, đồng thời đề xuất các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp sát với thực tế. Đây cũng là cơ sở quan trọng để xây dựng Đề án "Xây dựng mô hình thư viện cơ sở phục vụ nhân dân miền núi, biên giới vùng trung du và miền núi phía Bắc giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045" trình Thủ tướng Chính phủ vào cuối năm 2023.
Trước đó, đoàn công tác của Bộ VHTTDL đã tổ chức 02 đoàn khảo sát tại Phú Thọ, Yên Bái và Lào Cai, Lai Châu tiếp theo đây trong tháng 6 và tháng 7 sẽ tổ chức 2 đoàn khảo sát tại các tỉnh: Sơn La, Điện Biên và Bắc Giang, Lạng Sơn để có đánh giá tổng quan, chính xác nhất phục vụ xây dựng Đề án.